V-League không biểu tượng

08/08/2014 10:11 GMT+7

(TNO) Chức vô địch V.League 2014 của Bình Dương có xứng đáng không? Quá xứng đáng, vì họ đã giữ được phong độ ổn định trong một thời gian dài, vì họ đã thắng cả hai đối thủ trực tiếp là Hà Nội T&T và Thanh Hóa ở giai đoạn quyết định và vì họ đã cho thấy một ý chí, một khát vọng lớn lao.

(TNO) Chức vô địch V.League 2014 của Bình Dương có xứng đáng không? Quá xứng đáng, vì họ đã giữ được phong độ ổn định trong một thời gian dài, vì họ đã thắng cả hai đối thủ trực tiếp là Hà Nội T&T và Thanh Hóa ở giai đoạn quyết định và vì họ đã cho thấy một ý chí, một khát vọng lớn lao.

>> B.Bình Dương chưa có kế hoạch mua Công Vinh
>> HLV Lê Thụy Hải chưa chắc ở lại Bình Dương
>> Bình Dương vô địch V-League 2014 trước 1 vòng đấu

 
B.Bình Dương đã có tất cả ở V-League nhưng vẫn chưa được xem là biểu tượng - Ảnh: DAD

Mà không chỉ vô địch V-League 2014 một cách xứng đáng, Bình Dương cũng đi vào lịch sử V.League một cách xứng đáng khi trở thành đội bóng đầu tiên đăng quang tới 3 lần. Xứng đáng ở chỗ: trong liên tiếp các mùa giải vừa qua, mùa giải nào họ cũng có một đội hình sao số nhất và được đánh giá là đội bóng có khả năng vô địch cao nhất.

Nếu căn cứ vào tất cả những điều trên đây để đặt ra câu hỏi: Vậy thì Bình Dương có xứng đáng trở thành BIỂU TƯỢNG V-LEAGUE trong khoảng 10 năm qua hay không thì với cá nhân tôi, câu trả lời là không!

Nói đến biểu tượng nghĩa là nói đến một mô hình mang tính chuẩn mực tương đối trong một thời gian nhất định. Nó là cái chuẩn mực mà phần còn lại của một giải đấu cần phải hướng đến và học hỏi. Thể Công thời bao cấp, Hoàng Anh Gia Lai thời đầu bóng đá doanh nghiệp là những mô hình, những biểu tượng như vậy. Và thực tế là đã có rất nhiều địa phương học hỏi rồi xây dựng đội bóng dựa theo những mô hình này.

Với Bình Dương trong vòng chục năm qua, bí quyết thành công của họ đơn thuần nằm ở một chữ TIỀN. Nhưng đấy không phải là đồng tiền mà đội bóng có thể làm ra (thông qua việc bán vé, bán áo đấu, bán bản quyền truyền hình...) mà là tiền doanh nghiệp rót vào.

Đồng tiền ấy dư dả và cần phải được luân chuyển ở một mức độ cao tới nỗi cứ sau một mùa giải, Bình Dương gần như lại thay mới đội hình. Đã có thống kê cho hay từ năm 2009 đến 2013 có trên dưới 70 cầu thủ đi/đến Bình Dương. Và trong danh sách đăng ký của Bình Dương ở đầu mùa giải năm nay, chỉ còn Anh Đức và Chí Công là những người sót lại từ giai đoạn 2006 - 2008.

Những người hiểu nội tình Bình Dương và hiểu những dích dắc phía sau mỗi vụ mua bán cầu thủ ở Bình Dương nói rằng ở đây, mục tiêu chuyên môn trong mỗi phi vụ này không hẳn là mục tiêu tối cao, càng không hẳn là mục tiêu duy nhất.

Mục tiêu quan trọng là: đồng tiền phải được luân chuyển đều đặn và những cái ngóc ngoáy phía sau mỗi bản hợp đồng phải được duy trì theo kiểu "hoa thơm, mọi người cùng ngửi".

Phần còn lại của V.League không thể học theo cách làm của Bình Dương vì các đội bóng V.League không đủ tài chính để làm như vậy. Nên nhớ, trong khi đồng tiền ở Bình Dương luôn tồn tại ở mức thừa mứa chứa chan thì nhiều đội khác như An Giang, Quảng Ninh vẫn đang phải chạy ăn từng ngày.

Nhưng đấy cũng chưa phải là nguyên nhân quan trọng. Nguyên nhân quan trọng là: cách làm bóng đá theo kiểu "mỗi năm thay một đội hình" không phải là một cách làm bền vững, nếu không muốn nói là nó chẳng hướng đến một tương lai nào cả. 

Vì thế, V-League 2014 đã có một nhà vô địch mới, và đã có một kỷ lục mới - kỷ lục của đội bóng đầu tiên vô địch giải tới 3 lần, nhưng V-League 2014 chắc chắn chưa cho ra đời một biểu tượng mới!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.