Nếu chỉ có một Hoàng Anh, một U.19 Việt Nam...

27/08/2014 08:53 GMT+7

(TNO) Sau trận chung kết giải U.22 Đông Nam Á mà U.19 Việt Nam không qua nổi Myanmar, chuyên gia bóng đá, cựu HLV Thể Công Trịnh Minh Huế điện thoại tâm sự với tôi rất nhiều quanh chủ đề: tuổi vào đời.

(TNO) Sau trận chung kết giải U.22 Đông Nam Á mà U.19 Việt Nam không qua nổi Myanmar, chuyên gia bóng đá, cựu HLV Thể Công Trịnh Minh Huế điện thoại tâm sự với tôi rất nhiều quanh chủ đề: tuổi vào đời.

>> Tây Ninh cung cấp cầu thủ rất đa năng cho U.19 Việt Nam
>> U.19 Việt Nam và chuyện cái áo
>> HLV U.19 Việt Nam muốn vô địch giải Đông Nam Á tại Hà Nội
>> U.19 Việt Nam rất cần một tiền vệ đánh chặn
>> U.19 Việt Nam bổ sung Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2014

 
Bóng đá Việt Nam bây giờ, nếu chỉ có một Học viện Hoàng Anh và một U.19 của Hoàng Anh thì xem chừng bất ổn - Ảnh: Độc Lập

Ông Huế nhận xét rằng lịch sử bóng đá Việt Nam tính đến lúc này đã sản sinh ra hai thế hệ trẻ đặc biệt tài năng: đó là thế hệ của những Cao Cường, Thế Anh thời bao cấp và thế hệ những Công Phượng, Đông Triều của lứa U.19 bây giờ. Nhưng trong khi thế hệ Cao Cường, Thế Anh ngày xưa vào đời khá sớm thì thế hệ bây giờ vẫn chỉ đang ở giai đoạn chuẩn bị ra trường.

Vị chuyên gia này bảo: "Chỉ 17, 18 tuổi là Cao Cường, Ba Đẻn đã không ngại "Tây" và càng không ngại các cầu thủ thuộc dạng đàn anh, thậm chí là đàn chú của mình. Mà tôi nhớ không nhầm thì ở trên thế giới, Pele cũng khoác áo đội tuyển quốc gia Brazil năm 17 tuổi". Từ đó, ông Huế có ý lo lắng cho tuổi vào đời và quá trình vào đời có phần chậm chạm của thế hệ U.19 hiện nay.

Theo quan điểm của chúng  tôi thì mỗi một thời đại có một phương pháp đào tạo con người - đào tạo cầu thủ khác nhau. Thế nên chuyện cầu thủ của thế hệ hôm nay (một thế hệ được đào tạo lớp lang, bài bản, chuyên nghiệp theo đúng giáo trình châu Âu) có vào đời muộn hơn các thế hệ tài năng đi trước cũng không phải là điều đáng lo ngại.

Điều lo ngại nằm ở chỗ, cùng ở một độ tuổi, cùng ở một vạch xuất phát nhưng U.19 của ta không vượt trội hơn các đối thủ U.19 Đông Nam Á như những gì chúng ta lầm tưởng.

Chung kết giải U.19 Đông Nam Á năm ngoái, khi ta thua Indonesia thì ai cũng có cảm giác ta thua vì Indo "chơi bẩn" và ông trọng tài điều khiển trận đấu đã dung túng cho cái "bẩn". Bầu Đoàn Nguyên Đức khi ấy thậm chí vì tức tối mà còn có ý định kiện ông trọng tài lên Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á.

Nhưng đến giải U.22 năm nay, khi các cầu thủ Malaysia, Myanmar chủ động chọn kiểu đá rắn, đá rát (nhưng vẫn trong khuôn khổ của luật lệ) thì ta lại thua tâm phục khẩu phục. Thua vì mình quả thực yếu hơn.

Rõ ràng là lứa U.19 Đông Nam Á bây giờ không chỉ có mỗi U.19 Việt Nam là sao sáng. Rõ ràng là bóng đá Việt Nam bây giờ, nếu chỉ có một Học viện Hoàng Anh và một U.19 của Hoàng Anh thì xem chừng bất ổn.

Ở cấp độ gần, để đội tuyển U.19 Việt Nam thi đấu thật sự thành công ở giải U.19 châu Á diễn ra tại Myanmar vào tháng 10 tới đây, có lẽ cần phải tăng cường thêm nhiều chất khác bên cạnh cái chất Hoàng Anh.

Vẫn biết mọi sự thêm - bớt, thay đổi bây giờ là rất nhạy cảm, nhưng trong những thời điểm bản lề của lịch sử, nếu không dũng cảm đưa ra những quyết sách phi thường  thì thật khó có được những chiến công phi thường.

Ở cấp độ xa, có lẽ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ thực sự ngồi chiếu trên Đông Nam Á nếu một ngày nào đó chúng ta có khoảng chục cái học viện, thay vì chỉ một học viện Hoàng Anh.

Cái học viện mà thoạt đầu đã tính chyện xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài nhưng vì quá nhiều hạn chế mà bây giờ lại phải tính nước "ta về ta tắm ao ta"!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.