Từ những giọt nước mắt khóc vì Công Phượng

11/09/2014 09:36 GMT+7

(TNO) Tôi đã xem đi xem lại đoạn clip sau một trận đấu của đội tuyển U.19 Việt Nam trên sân Mỹ Đình, khi một cô gái trẻ, đẹp khóc nức lên vì không được xuống sân xin chữ ký của Công Phượng...

(TNO) Tôi đã xem đi xem lại đoạn clip sau một trận đấu của đội tuyển U.19 Việt Nam trên sân Mỹ Đình, khi một cô gái trẻ, đẹp khóc nức lên vì không được xuống sân xin chữ ký của Công Phượng...

>> Công Phượng bối rối với fan nữ
>> Công Phượng gây ấn tượng mạnh nhất cho HLV U.19 Nhật Bản
>> Mẹ Hoa mong báo chí đừng khen Công Phượng nữa

 
Già trẻ bé lớn đều yêu quý Công Phượng - Ảnh: Bạch Dương

Cô khóc thật, rung cảm thật, bực tức thật, đau đớn thật - chứ tuyệt nhiên không diễn. Vì phải thật, thật lắm thì mới khóc như thế, khóc rũ rượi khi bất lực nhìn thần tượng đi qua mặt mình. Anh nhân viên bảo vệ thấy thế đành phải "mở luật" cho cô xuống sân. Và thế là cô cầm tờ giấy, chạy vào tận đường hầm, vừa đuổi vừa gọi Công Phượng bằng được để xin chữ ký.

Đúng là tuổi trẻ, một khi đã mê mẩn, thần tượng ai là thần tượng đến cùng. Thậm chí ở một góc độ nào đó là thần tượng một cách không tích cực. Thích hay không thích thì ta cũng không nên đánh giá về quyền được thần tượng của những người trẻ tuổi.

Nhưng nói như chính một quan chức VFF thì với đối tượng được thần tượng trong trường hợp này - Nguyễn Công Phượng, người ta lại thấy vừa vui, vừa lo. Vui vì ở tuổi U.19 mà cậu bé nhà nghèo này đã có tài, đã thể hiện rõ cái tài, và đã được chắc chắn là không chỉ một cô gái, mà là rất rất nhiều cô gái mến mộ, yêu thương.

Còn lo vì giữa một rừng mến mộ như thế, cậu bé liệu có đứng vững được không?

Thực ra để "giữ" cho Công Phượng và các đồng đội của Phượng, VFF đã bàn với bầu Đức cấm các cầu thủ tiếp xúc, trả lời báo chí. Nó giống giống với ngày xưa, khi Văn Quyến bay bổng trong màu áo U.16 Việt Nam ở vòng chung kết U.16 châu Á thì chính thầy của Quyến đã rỉ tai nhiều nhà báo: "Cứ để thằng bé đấy! Đừng viết lách, phỏng vấn gì nó nhé!".

Nhưng với người hâm mộ thì người ta lại không thể "rỉ tai" hay ngăn chặn như thế được. Với sự tung hô, yêu mến của người hâm mộ, chỉ có một cách "phòng ngừa" duy nhất: dạy cho các cầu thủ về sự khiêm nhường, dạy cho họ hiểu rằng hôm nay người ta yêu thì có thể là chỉ ngay ngày mai thôi, sau một sự vụ không như ý người ta hoàn toàn có thể chuyển sang ghét. Và "người ta" - đấy là một khái niệm luôn bị chi phối, kích thích bởi hiệu ứng đám đông.

Phải hiểu rõ như thế để không rơi vào ảo giác khi thấy rất nhiều "người ta" chạy theo tuổi 19 của mình, tung hô mình, khóc nấc lên vì mình.

Phải hiểu rõ như thế để thấy rằng mình có tài thật, nhưng đấy mới chỉ là cái tài ở vạch xuất phát và đã từng có rất nhiều trường hợp có tài ở vạch xuất phát nhưng đến giữa con đường (chứ chưa đi hết đường) là đã chết yểu - chết trong sự chỉ trích của "người ta".

Tuổi 19, Phượng được người cha - người thầy Guillaume Graechen dạy dỗ rất nhiều. Nhưng tuổi 19 Phượng vẫn chưa được "đời" dạy, mà kinh nghiệm cho thấy chính những bài học cuộc đời mới là những bài học khiến con người thấm nhất.

Qua những giải như giải U.19 Đông Nam Á bây giờ, khi đối diện với cả một rừng tung hô mình, thậm chí một rừng nước mắt rơi xuống vì mình hy vọng một cậu bé thuộc một gia đình cùng đinh như Phượng sẽ học được những bài học đời thật lớn, mà lại không phải trả giá quá nhiều.

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.