Tuyển nữ Việt Nam muốn xóa nỗi ám ảnh trước người Thái

25/09/2014 09:26 GMT+7

(TNO) Thất bại hồi tháng 5 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ở trận play off trước Thái Lan ám ảnh sâu sắc HLV Mai Đức Chung và ông muốn lật ngược thế cờ trong cuộc tái đấu vào ngày mai, 26.9.

(TNO) Thất bại hồi tháng 5 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ở trận play off trước Thái Lan ám ảnh sâu sắc HLV Mai Đức Chung và ông muốn lật ngược thế cờ trong cuộc tái đấu vào ngày mai, 26.9.

>> Hạ Hồng Kông 5-0, nữ Việt Nam tái ngộ Thái Lan ở tứ kết ASIAD 2014
>> Thắng Hồng Kông 5-0, nữ Việt Nam giành vé vào tứ kết ASIAD 2014
>> Nữ Việt Nam thua trắng 0-5 trong trận ra quân ở ASIAD 2014

 
Đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh: Chi Hường

Dù không dẫn dắt đội tuyển nữ ở trận thua này (khi đó là HLV người Trung Quốc Trần Vân Phát) nhưng với tư cách là người đã từng gắn bó và lên trầm xuống bổng với bóng đá nữ Việt Nam suốt thời gian dài, ông Chung vẫn cảm thấy buồn khi tấm vé dự World Cup 2015 rơi vào tay người Thái.

Không sắp đặt mà nên, những kết quả của vòng loại ASIAD 17 đã khiến Việt Nam và Thái Lan lại chạm trán nhau và người thua cuộc sẽ phải rời khỏi sân chơi lớn nhất châu lục.

Việc đi hay ở, cũng là lẽ thường trong bóng đá. Nhưng vấn đề thuộc về danh dự của hai đối thủ đã biết quá rõ về nhau, am tường từng sở trường sở đoản của nhau và cùng được mệnh danh là một trong hai đội bóng đứng đầu Đông Nam Á.

Nhận từ tay người tiền nhiệm đội tuyển nữ đang đà xuống dốc cả về chuyên môn lẫn thể lực (chính HLV Trần Vân Phát thừa nhận điều này), ông Chung đã vực dậy các học trò bằng phương pháp huấn luyện rất riêng của mình. Ít nhiều cũng đã thành công, dù thua CHDCND Triều Tiên nhưng sau đó đã thắng Hồng Kông, Trung Quốc ở vòng bảng.

Nói đội nữ đã lột xác hoàn toàn thì hơi quá nhưng rõ ràng lối chơi đã khởi sắc hơn hẳn, không còn quá thiên về phòng thủ như trước mà bạo dạn tấn công hơn, và quan trọng là tấn công có đường nét hơn.

Đấu pháp hiện đại mà các đội nam hay áp dụng là 4-4-2 đã được ông Chung “dán” vào tuyển nữ. Dĩ nhiên, nhiều cầu thủ chưa quen với đấu pháp này nên ban đầu còn chệch choạc nhưng họ đang thấm dần và ngày một ăn ý hơn.

 
HLV Mai Đức Chung và ban huấn luyện tuyển nữ Việt Nam tại ASIAD 2014 - Ảnh: Chi Hường

Ông Chung kể: “Chiều 24.9, tất cả đội cùng ngồi xem trận đấu giữa Thái Lan thắng Ấn Độ. Phân tích kỹ từng tình huống tấn công, triển khai bóng và cách họ phòng ngự.

So với tháng 5 vừa qua, Thái Lan cũng có một vài thay đổi với lối chơi. Hàng phòng thủ của họ cũng bình thường, không có gì xuất sắc (có thể là do Ấn Độ yếu nên Thái Lan không phải hoạt động hết công suất và chưa bộc lộ được nhiều) nhưng hàng tiền vệ rất mạnh và khỏe, cơ động. Đặc biệt biên phải có tiền vệ số 11 rất sắc sảo, nhanh nhẹn, thông minh”.

 
Nếu các bạn để ý thì trận gặp Triều Tiên, tôi bố trí một đội hình khác. Trận thắng Hồng Kông, tôi lại tung ra sân một đội hình khác. Và khi gặp Thái Lan sẽ là đội hình khác. 3 trận, 3 đội hình khác nhau.

Sự thay đổi nhân sự sẽ không giảm đi sức mạnh của đội nữ Việt Nam. Ngược lại, sẽ làm cho đối thủ không đoán định được chúng ta sẽ bố trí nhân sự thế nào và chơi ra sao

HLV Mai Đức Chung
HLV Mai Đức Chung tự đánh giá về đội của mình: “Việt Nam phối hợp khá tốt, cầm bóng chắc nhưng khâu dứt điểm còn có vấn đề. Tạo được nhiều cơ hội nhưng lại không biết tận dụng - đó là điều rất khó chấp nhận được.

Gặp Thái Lan, sẽ không dễ để cầm bóng tấn công. Do đó nếu không biết chắt chiu cơ hội thì không thể tìm được chiến thắng”.

Ông Chung còn khẳng định, đội nữ Việt Nam không sợ bị Thái Lan bắt bài: “Nếu các bạn để ý thì trận gặp Triều Tiên, tôi bố trí một đội hình khác. Trận thắng Hồng Kông, tôi lại tung ra sân một đội hình khác. Và khi gặp Thái Lan sẽ là đội hình khác. 3 trận, 3 đội hình khác nhau.

Sự thay đổi nhân sự sẽ không giảm đi sức mạnh của đội nữ Việt Nam. Ngược lại, sẽ làm cho đối thủ không đoán định được chúng ta sẽ bố trí nhân sự thế nào và chơi ra sao. Tôi sẽ đảo một số vị trí. Ví dụ như không để Nguyệt “con” (tiền đạo Nguyễn Thị Nguyệt) đá từ đầu mà thay bằng Nguyễn Minh Nguyệt”.

Ông Chung còn hé lộ thêm: “Trong buổi tập ngày 25.9, tôi sẽ yêu cầu các cầu thủ tập những bài mang tính chất đặc biệt, nhằm hạn chế sức mạnh của Thái Lan.

Vì góc phải là điểm mạnh nhất của họ nên cầu thủ Việt Nam phải khống chế được cầu thủ số 11, tôi nói là khống chế chứ “bắt chết” cầu thủ này thì khó lắm vì cô nhanh như sóc.

Mục đích “o bế” là để cầu thủ số 11 không phát huy được tốc độ, không thực hiện được những đường chuyền chọc khe chết người.

Ngoài cầu thủ này, Thái Lan còn khá nguy hiểm ở mũi tấn công khoác áo số 15. Hai cầu thủ rất tinh quái nói trên có khả năng làm nhiễu hàng thủ đối phương chỉ với một vài pha nhả đập cực kỳ linh hoạt.

Vì thế, đội tuyển Việt Nam cố gắng cắt đường chuyền từ số 11 và khi đường “viện trợ” bị tê liệt thì số 15 sẽ bị đói bóng.

Tôi tin là các cầu thủ của mình làm được những nhiệm vụ khó khăn này. Chiến thắng Thái Lan là rất khó nhưng càng khó càng phải đặt quyết tâm thực hiện cho bằng được”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.