VFF họp bàn về tương lai V-League

28/10/2014 09:26 GMT+7

(TNO) Sáng nay, 28.10, ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ tiến hành cuộc họp quan trọng tại Cần Thơ để bàn cách ứng phó với nhiều vấn đề thời sự của bóng đá nước nhà.

(TNO) Sáng nay, 28.10, ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ tiến hành cuộc họp quan trọng tại Cần Thơ để bàn cách ứng phó với nhiều vấn đề thời sự của bóng đá nước nhà.

>> CS.Đồng Tháp có nguy cơ rút khỏi V-League 2015
>> VPF 'năn nỉ' Đồng Tháp không bỏ V-League
>> Đồng Tháp xin đăng ký chậm, An Giang xin rút lui khỏi mùa giải 2015

 
CLB CS.Đồng Tháp đứng trước nguy cơ giải thể vì thiếu tiền - Ảnh: Bạch Dương

Trong bối cảnh kinh tế vô vàn khó khăn, dự báo của nguyên chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ từ cách đây hơn 1 năm đã gần sát với hiện thực: “Sau Sài Gòn Xuân Thành, Kiên Giang, sẽ còn tiếp tục diễn ra cảnh ông bầu “bỏ của chạy lấy người” vì không kham nổi tiền nuôi đội bóng, trong khi “bầu sữa” ngân sách của địa phương dành cho bóng đá mỗi lúc một eo hẹp, nếu không muốn nói sẽ co về con số 0 tròn trĩnh”.

Nhìn lại tấm ảnh các cầu thủ Đồng Tháp vui sướng ngất trời sau chiến thắng nghẹt thở trước CLB Hà Nội ở trận cuối cùng của giải hạng nhất 2014 để thăng hạng V-League 2015, càng thấy thương xót cho tình cảnh của họ vào lúc này.

 

Dù có chuyện gì xảy ra, giải đấu vẫn diễn ra mà không phải chịu lệ thuộc vào bất kỳ CLB nào. VPF vẫn yêu cầu các đội V-League phải đảm bảo được ngân quỹ 35 tỉ đồng còn Hạng nhất là 20 tỉ đồng. Nhất định không thay đổi con số này...

VPF thống nhất với chủ trương của VFF là thà ít đội mà đảm bảo chất lượng còn hơn là chạy đua theo số lượng. VPF đã du di nhiều lần rồi, lần này phải cương quyết làm mạnh tay

Ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng giám đốc VPF
Đích thân bà Trần Thị Thái, phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã thổ lộ với Thanh Niên Online rằng UBND tỉnh dù rất muốn cứu đội bóng nhưng vì đã cạn tiền nên đành phải quyết xóa sổ CLB và chỉ còn chờ quyết định bằng văn bản từ thường vụ tỉnh ủy.

Hôm qua 27.10, ông Lê Ngọc Chức - Giám đốc điều hành CLB CS.Đồng Tháp buồn rầu chia sẻ: “Chúng tôi vẫn còn hy vọng mong manh là đội bóng sẽ được giữ lại. Thế nhưng nếu buộc phải giải tán, CLB sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho những cầu thủ còn hợp đồng để họ nhanh chóng tìm được bến đỗ mới”.

Và chuyện một đội bóng như CS.Đồng Tháp đột ngột bỏ giải, có lẽ không còn là tin “sét đánh ngang tai” với VFF và Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nữa. Bằng chứng là VPF tuy vẫn chờ đăng ký muộn từ CS.Đồng Tháp nhưng đã chủ động lập 2 phương án để xin ý kiến từ cuộc họp ban chấp hành VFF vào ngày 28.10 tại Cần Thơ.

"Hai phương án như sau: 1. Nếu CS.Đồng Tháp không giải tán, V-League 2015 vẫn có 14 đội và cuối mùa, đội đứng chót bảng sẽ xuống hạng.

2. Nếu CS.Đồng Tháp giải tán, V-League sẽ có 13 đội, Hạng nhất 8 đội (vì Hùng Vương An Giang đã chính thức bỏ giải) và cuối mùa sẽ có 2 đội xuống hạng, 1 đội lên hạng để mùa 2016 sẽ có chẵn 12 CLB chuyên nghiệp và 10 CLB hạng nhất”, ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng giám đốc VPF nói.

Người đứng đầu VPF khẳng định: “Tôi xin nhấn mạnh lại, dù có chuyện gì xảy ra, giải đấu vẫn diễn ra mà không phải chịu lệ thuộc vào bất kỳ CLB nào. VPF vẫn yêu cầu các đội V-League phải đảm bảo được ngân quỹ 35 tỉ đồng còn Hạng nhất là 20 tỉ đồng. Nhất định không thay đổi con số này.

Năm nay VPF sẽ đưa ra những quy định mới về sử dụng ngoại binh và cầu thủ nhập tịch (theo chiều huớng giảm so với trước) nên các đội cũng không phải ngốn quá nhiều tiền cho việc nuôi các cầu thủ này. Do đó tiền hoạt động cũng sẽ giảm bớt.

VPF thống nhất với chủ trương của VFF là thà ít đội mà đảm bảo chất lượng còn hơn là chạy đua theo số lượng. VPF đã du di nhiều lần rồi, lần này phải cương quyết làm mạnh tay”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An nói: “SLNA còn may mắn hơn nhiều so với CS.Đồng Tháp vì vẫn được ngân hàng Bắc Á rót 30 tỉ cho mùa 2015 nhưng còn thiếu 5 tỉ đồng.

Chúng tôi sẽ phải tìm cách thu từ nguồn bán vé, quảng cáo trên sân. Làm bóng đá lúc này gánh nặng tài chính đè nặng lắm và phải liệu cơm gắp mắm. Với những đội có tiền như Bình Dương hay SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, quỹ hoạt động có thể lên đến 100 tỉ thì họ có quyền đặt ra tham vọng vô địch. Còn với đội nghèo như SLNA hay các đội khác thì mục tiêu khiêm tốn hơn. Nói nôm na là "tiền nào của nấy", nhiều tiền thì ước mơ lớn. Ít tiền thì ước mơ vừa phải".

Ông Thanh nói tiếp: "Tôi cảm thấy vừa tiếc vừa ngậm ngùi nếu không còn CS.Đồng Tháp nữa. Họ đã phấn khởi hạnh phúc đến khôn cùng trong ngày thăng hạng. Mà để thăng được hạng là nỗ lực vô cùng, tốn kém vô cùng. Nhưng cuộc chơi bóng đá tại Việt Nam ngày một khốc liệt và khắc nghiệt với bất kỳ ai".

Cũng theo ông Thanh: "Ở phiên họp ban chấp hành, tôi cũng nêu ý kiến về việc VFF nên tính toán lại thời hạn cấp phép hành nghề cho các CLB bởi nhiều đội có phải chủ sân đâu mà có quyền nâng cấp sân vận động theo đúng yêu cầu AFC. Hơn nữa, nhiều tỉnh đào đâu ra tiền mà sửa sân”.

Ngoài ra, tại cuộc họp ban chấp hành hôm nay, VFF sẽ bầu bổ sung một ủy viên ban chấp hành vào thường trực để nâng số thành viên lên thành 5 người.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.