Những tượng đài đã mất: Thăng trầm Hải quan

31/01/2015 07:21 GMT+7

Nói đến Hải quan là nói đến một thế hệ hào hùng của bóng đá Sài Gòn. Người hâm mộ so sánh nếu Cảng Sài Gòn đá đẹp, chỉ để nhìn ngắm và tôn thờ thì ngược lại Hải quan đi vào lòng người bằng sự ngưỡng mộ.

Nói đến Hải quan là nói đến một thế hệ hào hùng của bóng đá Sài Gòn. Người hâm mộ so sánh nếu Cảng Sài Gòn đá đẹp, chỉ để nhìn ngắm và tôn thờ thì ngược lại Hải quan đi vào lòng người bằng sự ngưỡng mộ.

>> Những tượng đài đã mất: 'Voi vàng miền biển' Cảng Hải Phòng
>> Những tượng đài đã mất: Đường sắt Việt Nam đi vào lịch sử

 Đội Hải quan, một thời lừng lẫy - Ảnh: tư liệu
Đội Hải quan, một thời lừng lẫy - Ảnh: tư liệu

Nói đến Hải quan mà không nói đến gia đình Hồ Thanh là chưa hiểu hết về đội bóng này. Có đến 7 anh em trai nhưng 6 người từng chơi cho Hải quan, trong đó thành công nhất và gắn liền thăng trầm với đội bóng chính là Hồ Thanh Cang.

Luôn đại diện TP.HCM đá quốc tế

Ông được xem là chứng nhân lịch sử có mặt từ ngày đầu khi đội thành lập (chỉ 4 tháng sau ngày đất nước thống nhất) và thi đấu với đội Ngân hàng đúng ngày quốc khánh 2.9.1975. Sau đó ông cùng đội vô địch giải Cửu Long năm 1976, hạng ba giải A1 toàn quốc lần đầu năm 1980 sau đó trở thành HLV tạo nhiều dấu ấn. Đến những năm cuối thập niên 1980, ông Cang lại gạt nước mắt đau đớn khi Hải quan bị “xé” nát sau biến cố 3 đội TP.HCM thất bại trong một chiều mưa ở tứ kết giải VĐQG năm 1987.

Ông Hồ Thanh Cang nhớ lại: “Đội Hải quan ra đời trên nền tảng đội Quan thuế cũ và sau đó được giao cho phân cục Hải quan TP.HCM quản lý. Khi đó đội tập hợp rất nhiều cầu thủ hay của miền Nam như Đỗ Thới Vinh, Phạm Văn Lắm, Phan Dương Cẩm (tự Hiển), Lê Văn Sang (Sang tiều), Cù Sinh, Cù Hè, Lê Kim Thanh (Bình lùn) và anh em chúng tôi như Hồ Thanh Hưng (tự Cải), Hồ Thanh Chinh, Hồ Thanh Cang. Ngoài việc là đội duy nhất thắng được Tổng cục Đường sắt từ miền Bắc vào thi đấu năm 1976, chúng tôi còn tranh các giải trong nước và có lúc thắng lúc thua với Cảng Sài Gòn (CSG) hay Sở Công nghiệp, nhưng luôn được chọn đại diện TP.HCM thi đấu quốc tế và tạo niềm tin cho khán giả nhờ lối thi đấu máu lửa, nhiệt huyết, thực dụng. Như lần đầu Hải quan tăng cường mang tên TP.HCM đã thắng Thiên Tân (Trung Quốc) 4-1 năm 1977, làm nòng cốt cho đội VN 1 đá giải SKDA 1984, sau này đá với các đội đến từ Liên Xô như Bông lúa, Dinamo Kirop, Gianghirit... đều chơi ngang ngửa, nhiều lúc khiến cho đối thủ phải ngỡ ngàng”.

Dưới bàn tay của HLV Hồ Thanh Cang, đội còn có thế hệ kế thừa xuất sắc đã góp công lớn đoạt danh hiệu á quân giải VĐQG năm 1982 -1983, hạng ba năm 1986 như cặp trung vệ thép Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần luôn khiến các mũi nhọn của đối phương ngán ngại vì sự khôn ngoan, lạnh lùng, chắc chắn; hậu vệ cánh Thái Công Hoàng, Tô Văn Hải, thủ môn Vũ Nhật Thành, tiền vệ Hồ Thanh Dũng, Trương Văn Dưỡng, Nguyễn Văn Chung... luôn chơi với khí thế ngùn ngụt. Đặc biệt là hàng công với bộ ba cánh phải Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí), trung phong Nguyễn Văn Thành (Thành gù) và cánh trái Lưu Tấn Liêm luôn như những mũi tên xé gió, đã làm tan nát biết bao hàng phòng ngự các đội từ nam chí bắc, kể cả các đội quốc tế đến thi đấu tại VN.

Sau này, thế hệ tiếp theo như Trung Hải, Đinh Thanh Hải, Lưu Tấn Phước... dưới bàn tay HLV Nguyễn Kim Hằng đã góp công đưa Hải quan vô địch QG năm 1991 sau khi thắng Quảng Nam Đà Nẵng (QNĐN) bằng đá loạt đá luân lưu 11 m trên sân Thống Nhất, hay thế hệ sau của Đỗ Khải, Nguyên Chương, Chí Mỹ, Anh Trung đã 2 lần vô địch Cúp QG năm 1996, 1997.

Có nhiều sự cố

Không kể cú va chạm “nảy lửa” vào tháng 12.1975 với các cầu thủ CSG khiến một số cầu thủ Hải quan bị cấm thi đấu thì số phận của đội bóng này cũng không được ưu ái bằng CSG hay Sở Công nghiệp. Năm 1987, sau thất bại đồng loạt của bóng đá TP.HCM ở giải VĐQG, Sở TDTT đã chủ trương 3 đội TP.HCM nhập thành 2 để tăng sức mạnh, thế là các cầu thủ Hải quan bị xé lẻ để đưa về các đội khác. Ông Cang nói: “Lúc đó chúng tôi rất buồn vì cách làm này bởi mạnh đâu chưa thấy mà chỉ sau thời gian ngắn bóng đá TP đã yếu đi rõ rệt do các sự tăng cường đều không hiệu quả và làm mất đi bản sắc trong lối chơi đã gầy dựng của các đội. Thế là sau đó trở lại phương án cũ, Hải quan lại được củng cố”.

Một loạt biến cố khác như vụ bỏ cuộc không thi đấu lại trận bán kết giải đội mạnh toàn quốc năm 1990 với Quảng Nam - Đà Nẵng do BTC và trọng tài “đổi trắng thay đen” khi trước đó công nhận bàn thắng phút 114 của Hải quan nhưng hôm sau lại hủy. Hay một loạt cầu thủ phải ra trước vành móng ngựa vì dính đến bán độ dàn xếp tỷ số với 5 đội bóng khác có liên quan nhóm Sơn cao, Nghĩa vé số năm 1997 cũng ít nhiều làm hình ảnh đội Hải quan bị tổn thương.

Năm 1998, Hải quan thua trong trận chung kết ngược với Huế phải xuống hạng nhất. Đến năm 2001, đội xếp hạng 11 phải xuống chơi ở giải hạng nhì. Tình hình bi đát cộng với việc chuyển đổi cơ chế khiến số phận đội Hải quan càng không thể duy trì. Năm 2002, đội chính thức giải thể, chấm dứt 27 năm tồn tại.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.