Phá án trên 'thế giới phẳng': Truy tìm người thật qua tài khoản ảo

09/08/2016 06:53 GMT+7

Đối tượng có nick name Lessmark mua hàng ngàn tài khoản paypal (tài khoản thanh toán trên mạng) nhưng không chuyển tiền trả cho người bán.

Việc tìm ra Lessmark là ai khi đây chỉ là một nickname ảo trên một diễn đàn, các trinh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an truy tìm con người ảo này bằng cách nào đến nay vẫn đang là dấu chấm hỏi đối với nhiều người.
Lessmark là ai ?
Paypal là dịch vụ thanh toán và chuyển khoản điện tử thay thế cho các phương thức truyền thống sử dụng giấy tờ như séc và các lệnh chuyển tiền. Nó cho phép thanh toán và chuyển tiền qua mạng internet. Do ở VN không rút được tiền mặt từ paypal, buộc phải rút ở nước ngoài nên nhiều người phải thông qua trung gian. Và diễn đàn vietmaker.com cũng nhanh chóng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho bọn lừa đảo.
Ngày 10.6.2009, đối tượng có nickname Lessmark lên diễn đàn này rao tin thu mua tài khoản paypal để rút tiền mặt trả về VN. Từ ngày rao tin, Lessmark đã thực hiện được nhiều giao dịch với số tiền khá lớn nên được các thành viên trong diễn đàn đánh giá là có uy tín. Nhưng đến ngày 5.9.2010, có nhiều thành viên trong diễn đàn tố cáo về việc bị Lessmark lừa đảo, họ cho biết Lessmark đã nhận các tài khoản paypal nhưng không chuyển tiền trả lại cho người bán.
Tiếp nhận thông tin này, C50 đã nhanh chóng lập chuyên án vào cuộc điều tra. Trưởng ban chuyên án nhận định, thủ đoạn của các đối tượng là giao dịch qua mạng internet và tài khoản ngân hàng nên tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng ẩn danh, giấu mặt. Theo một trinh sát, ban đầu đối tượng dùng uy tín đã tạo dựng được trước đó trong diễn đàn, rồi lợi dụng lòng tin các thành viên để nhận mua tài khoản paypal của thành viên đó. Khi thu gom được số lượng lớn các tài khoản, chúng lại không trả tiền mặt cho thành viên khác như đã hứa. Đối với việc rút tiền trong tài khoản paypal, các đối tượng thông qua một người trung gian ở nước ngoài (thường là Mỹ) để chuyển đổi paypal sang tài khoản ngân hàng tại nước đó, sau đó người trung gian có trách nhiệm chuyển tiền mặt về VN.
Trinh sát nhận định vai trò của đối tượng có tài khoản Lessmark là sẽ đứng ra giao dịch trên diễn đàn vietmaker.com và trao đổi với người trung gian ở nước ngoài. Sau đó, sẽ có một người khác là người trung gian thanh toán tiền cho khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng. “Hiểu rõ cách thức các đối tượng lừa như thế nhưng vẫn chưa xác định được ai là người có tài khoản Lessmark, khi trên tài khoản đó chỉ có số điện thoại và tài khoản ngân hàng đứng tên người khác để giao dịch. Ngoài ra, không có bất cứ hình ảnh gì liên quan, thậm chí những thành viên khác trong diễn đàn đã từng giao dịch số tiền gần 1 tỉ đồng nhưng vẫn không biết chủ tài khoản Lessmark là ai, ở đâu, là người như thế nào?”, một trinh sát kể lại.
“Các anh bắt nhầm người”
Vào thời điểm ấy, thủ đoạn lừa đảo này mới rộ lên nên cơ quan công an gặp nhiều khó khăn trong việc điều tra, truy tìm nghi phạm. Trên diễn đàn, không chỉ đối tượng mà bị hại cũng ẩn danh nên việc tìm ra bị hại để lấy lời khai cũng không dễ dàng. Chính các trinh sát của C50 cũng phải lập ra tài khoản trên diễn đàn này để tiếp cận với đối tượng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bị hại, trinh sát phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để vận động các bị hại lộ diện nhằm lấy lời khai.
Một thành viên của ban chuyên án nhớ lại, thời gian đầu điều tra rất khó khăn bởi các trinh sát ở TP.HCM nhưng phải liên tục bay ra Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước để lấy được lời khai bị hại, trong khi con số bị hại tính đến hàng trăm người.
Theo các nạn nhân, mọi giao dịch với Lessmark đều qua tài khoản mang tên Đào Kim Hoàng Anh. Với những thông tin quá đơn giản này, cơ quan công an tưởng chừng như bỏ cuộc. Sau một thời gian dài theo dõi trên mạng, thông qua địa chỉ IP, trinh sát xác định tài khoản này sử dụng IP có địa chỉ ở đường Hoàng Hoa Thám và đường Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM). Nhưng khi tìm đến 2 địa chỉ này thì được biết không có người nào cư trú ở đây.
Ngay sau đó, tuyến trinh sát khác phải lần theo đường truyền internet mà đối tượng sử dụng để thu thập thông tin. May mắn qua cách này, các trinh sát phát hiện được số điện thoại bàn nên tiến hành gọi điện thoại đến đây và tìm mọi cách để người giúp việc của gia đình cho biết địa chỉ nhà, vì nếu sử dụng biện pháp nghiệp vụ khác để biết được địa chỉ nhà sẽ mất nhiều thời gian. Có địa chỉ căn hộ ở chung cư Hùng Vương Plaza (Q.5), các trinh sát xác định được hai người cư ngụ tại đây là Đào Kim Hoàng Anh và bạn trai tên Hồ Đức Trung.
Ban đầu, khi trinh sát ập vào căn hộ và mời 2 người này lên trụ sở công an làm việc, Hồ Đức Trung một mực chối cãi, không thừa nhận tài khoản Lessmark là của mình. Trung bảo rằng “các anh bắt nhầm người” và tỏ thái độ “ăn vạ” vì bị bắt oan. Nhưng sau một ngày làm việc với cơ quan điều tra và đối mặt với những chứng cứ thuyết phục, kẻ rất am hiểu công nghệ này đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo hồ sơ, từ tháng 6.2009 đến năm 2011, Hồ Đức Trung đã lừa hàng trăm bị hại trong cả nước với số tiền vài tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.