Phải chấm dứt lạm thu

29/09/2023 04:13 GMT+7

Tại sao năm nào cũng diễn ra tình trạng lạm thu ở khắp các nơi, dù Bộ GD-ĐT và ngành giáo dục địa phương đưa ra hàng loạt quy định hạn chế tình trạng này?

Một lớp 1 của Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thu quỹ phụ huynh hơn 313 triệu đồng, quy ra mỗi phụ huynh (PH) khoảng 10 triệu đồng, chỉ là giọt nước tràn ly của câu chuyện nhức nhối lạm thu năm nay. Bởi chỉ mới vào năm học gần một tháng, hầu hết các tỉnh thành đều có những câu chuyện bức xúc về việc thu tiền trường.

Và rồi bất cứ vụ việc nào mà PH tố cáo, báo chí phản ánh thì y như rằng có một "kịch bản" chung là hiệu trưởng hoàn toàn không biết gì cho đến lúc dư luận lên tiếng, rằng các khoản thu đó là do ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) thực hiện theo tinh thần "tự nguyện" của các PH…

Và để minh chứng cho sự vô can này của lãnh đạo nhà trường, các cấp quản lý giáo dục đều trưng ra các điều khoản trong các thông tư, quy định của Bộ GD-ĐT với 2 chữ "tự nguyện" làm kim chỉ nam.

Cho đến hiện nay, Bộ GD-ĐT có 2 thông tư liên quan về quỹ PH là Thông tư 16/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư 55/2011 điều lệ ban đại diện cha mẹ HS. Mặc dù có những điều khoản rõ ràng nhưng các nơi đều đang lợi dụng kẽ hở của những quy định này ở khái niệm "tự nguyện".

Tài trợ cho giáo dục quy định tại Thông tư 16 là các khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật hoặc phi vật chất từ nguồn vốn ngoài ngân sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trên thực tế, hầu hết khoản tài trợ mà các trường thực hiện dựa theo thông tư này đều từ nguồn của PH. Trong khi đó Thông tư 15 cho phép ban đại diện cha mẹ HS có kinh phí hoạt động "từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ HS và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ HS lớp".

Từ đây, các trường bằng mọi cách để PH phải "tự nguyện" tham gia các khoản đóng góp, và khi dư luận phản ánh thì "lỗi" thuộc về PH.

Do đó, để chấm dứt lạm thu, Bộ GD-ĐT cần xem xét, điều chỉnh, sửa chữa những điều khoản trong các thông tư để lãnh đạo các trường không còn "phao" bám víu.

Trong một hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024 vào tháng 8, khi nói về các khoản thu trong nhà trường theo Nghị quyết 04, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhắc nhở lãnh đạo các trường phải thực hiện sao cho đúng và quyết liệt tuyên bố: "Sai về tài chính là bị xử lý tức thời". Vậy thì để xảy ra lạm thu, phải xử lý thật nghiêm hiệu trưởng. Không thể có chuyện hiệu trưởng không biết gì, vô can khi PH một lớp nào đó đóng những khoản không đúng quy định. Phải có biện pháp kỷ luật thích đáng chứ không thể chỉ dừng ở mức độ "văn bản phê bình". Như thế mới may ra chấm dứt được vấn nạn này.

Có vai trò rất quan trọng trong các khoản thu đầu năm là giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ HS và các PH. Nếu tất cả làm đúng chức trách, phận sự của mình với tình thương, trách nhiệm và cả lòng dũng cảm nữa; quyết nói không với việc mạo danh "tự nguyện" thì sẽ góp phần đẩy lùi lạm thu.

Một nhiệm vụ của ngành giáo dục TP.HCM trong năm học này là xây dựng trường học hạnh phúc. Có lẽ một trong những điều khiến HS hạnh phúc là không thấy được sự bất công giữa các lớp bình thường với một lớp học mà chỉ tiền sửa chữa thôi đã hơn 200 triệu đồng, một số tiền có khi là mơ ước của nhiều PH. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.