Phải có nhiều tiền, thể thao Việt Nam mới cất cánh

22/12/2023 07:45 GMT+7

Tại hội nghị ngày 21.12, một số chuyên gia đã phân tích kỹ thực trạng thể thao Việt Nam (VN) cũng như đưa ra một số giải pháp đáng chú ý hướng tới cải thiện thành tích tại ASIAD và Olympic.

KHÔNG TRANH CÔNG, KHÔNG ĐỔ LỖI

Phát biểu tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Bộ đã chỉ đạo Cục TDTT hoàn thiện nội dung trình Chính phủ, yêu cầu Cục TDTT huy động các nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ của ngành thể thao, xem xét thực hiện các chiến lược để cải thiện thành tích thể thao VN trên đấu trường khu vực và thế giới. Chúng ta không tranh công, không đổ lỗi, cần có các ý kiến mang tính xây dựng, cần định vị thể thao VN đang ở đâu trên trường quốc tế, có thuận lợi và khó khăn gì, từ đó dự báo xu hướng phát triển. Phải trả lời câu hỏi "làm gì, làm thế nào để thể thao VN vươn tầm châu lục và thế giới?".

Phải có nhiều tiền, thể thao VN mới cất cánh - Ảnh 1.

Thể thao VN cần thêm những tấm HCV ở ASIAD và Olympic

BÙI LƯỢNG

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nêu nghịch lý của thể thao VN hiện nay, đó là dù giành thứ hạng cao ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, nhưng các VĐV VN lại thi đấu kém hiệu quả tại những sân chơi lớn hơn như ASIAD hay Olympic. Cụ thể, tại ASIAD 19, VN chỉ giành 4 HCV, xếp sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Tại Olympic Tokyo, các VĐV VN không giành được huy chương nào, trong khi có tới 4 đoàn thể thao Đông Nam Á giành huy chương, thậm chí 3 đoàn Thái Lan, Philippines và Indonesia có HCV Olympic.

MỔ XẺ THỰC TRẠNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Cục TDTT đặt mục tiêu có 12 - 15 VĐV giành suất dự Olympic Paris 2024, giành 5 - 6 HCV ASIAD 2026, đồng thời giữ vị trí trong tốp 3 toàn đoàn tại SEA Games 2025, 2027, 2029, tốp 2 với các môn Olympic. Hiện tại, VN mới có 3 suất chính thức dự Olympic 2024, gồm Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Trịnh Thu Vinh (bắn súng). Các VĐV còn lại vẫn đang dốc sức chạy đua để đạt chuẩn Olympic.

Đội nữ karate giành HCV ASIAD 19

Lãnh đạo Cục TDTT chỉ rõ, thể thao VN còn nhiều hạn chế, như số lượng VĐV, thành tích tại Olympic và ASIAD không ổn định; hệ thống thi đấu trong nước thiếu các giải quốc tế đỉnh cao; các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt với thể thao đỉnh cao; thiếu lực lượng HLV trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các VĐV tầm cỡ khu vực.

Một số thực trạng đáng báo động khác của thể thao VN được mổ xẻ: nguồn lực tài năng trẻ chưa nhiều (khoảng 960 VĐV tập trung đội tuyển trẻ); các VĐV tranh chấp thành tích tại Olympic và ASIAD chưa có thứ hạng cao; lực lượng HLV nội đạt trình độ thế giới và châu lục còn ít; trang thiết bị phục vụ tại trung tâm còn thiếu, chưa đạt chuẩn quốc tế; kinh phí tập luyện, thi đấu chưa đáp ứng nhu cầu; khó thuê chuyên gia đẳng cấp thế giới do hạn chế về tiền lương; thiếu các loại thực phẩm chức năng chuyên sâu đảm bảo dinh dưỡng cho VĐV; chế độ đãi ngộ còn thiếu so với các nước trong khu vực và thế giới; thiếu nguồn lực để ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.

Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, để tạo bước đột phá tại ASIAD và Olympic, thể thao VN cần xây dựng hệ thống đào tạo VĐV khoa học và bền vững, đồng thời có lộ trình, kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư. Nhiều ý kiến đồng tình rằng, thể thao VN cần thêm rất nhiều tiền để cải thiện thành tích, ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030, chủ yếu từ các nguồn ngân sách và xã hội hóa, để thực hiện mục tiêu.

CẦN XÓA BỎ TƯ DUY NHIỆM KỲ

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Ủy ban TDTT, nay là Cục TDTT), nhấn mạnh các lãnh đạo và nhà quản lý thể thao phải dẹp bỏ tư duy nhiệm kỳ để phát triển thể thao bền vững.

Ông Minh nhấn mạnh quá trình tuyển chọn các tài năng, đào tạo huấn luyện VĐV trình độ cao (cấp kiện tướng thể thao quốc gia và quốc tế) diễn ra trong nhiều năm, ví dụ khoảng 8 - 10 năm tùy môn thể thao, một số môn từ 14 - 16 năm, có những môn cần tới 18 - 20 năm. Do đó, thể thao VN cần lộ trình phát triển và quản lý rất chặt chẽ, thông suốt, tránh trường hợp các cấp lãnh đạo, quản lý chỉ cố gắng làm tốt trong nhiệm kỳ của mình, rồi không để tâm đến người kế nhiệm, không có trách nhiệm khi đã rời chức vụ.

Một số bất cập khác được ông Nguyễn Hồng Minh nêu ra, đó là thể thao VN vẫn coi SEA Games là trọng tâm, không đầu tư thích đáng cho ASIAD, Olympic; cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu, chậm xã hội hóa thể thao. Đặc biệt, ông Minh cho rằng một số liên đoàn thể thao, hiệp hội đang làm việc thiếu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn lực xã hội để phát triển thể thao.

Về các giải pháp phát triển thể thao VN, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ là tập trung đầu tư cho VĐV để nâng thành tích thi đấu ở những nội dung của một số môn trọng điểm tại ASIAD, Olympic, đặt trọng tâm vào ASIAD, phân loại để bố trí hợp lý phát triển, quy hoạch đào tạo VĐV trọng điểm, củng cố hệ thống đào tạo, huấn luyện VĐV. Đồng thời, việc xã hội hóa thể thao cần đẩy mạnh để có thêm nguồn lực đầu tư cho VĐV, đẩy mạnh phong trào hơn nữa.

Ngày 22.12, ngành thể thao tiếp tục hội nghị tổng kết, thảo luận sâu hơn về hoạch định phát triển ngắn và dài hạn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.