Nhọc nhằn đời vệ sĩ

23/06/2012 11:05 GMT+7

Công việc vệ sĩ đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp, chịu được áp lực cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Không mặc đồng phục, vệ sĩ Cù Hoàng Nông của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Long Hải rảo quanh khu đất trống ở bãi biển Vũng Tàu. Xung quanh anh, nhiều doanh nhân nước ngoài đang bàn bạc, thảo luận về dự án mà họ sắp đầu tư. Ít ai ngờ rằng anh Nông đang đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cho các doanh nhân khi đến đầu tư tại đây.

Công việc nhiều áp lực

Hơn 10 năm làm việc, trong đó có 5 năm làm vệ sĩ chuyên nghiệp, anh Cù Hoàng Nông được xem là người có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các tình huống trong công tác bảo vệ. Anh cho biết: “Đời vệ sĩ rất gian nan, rày đây mai đó, nếu không đam mê sẽ khó trụ vững cùng nghề”.

Cũng vì yêu nghề mà suốt thời gian qua, anh luôn có mặt trong những sự kiện quan trọng như rước đuốc Olympic, hội nghị APEC hoặc bảo vệ chính khách, doanh nhân các tập đoàn kinh doanh lớn trên thế giới... Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với anh là lần bảo vệ đoàn công tác của 20 vị chủ tịch các tập đoàn ở Mỹ, Nhật sang Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào năm 2008.

 Nhọc nhằn đời vệ sĩ
Anh Cù Hoàng Nông (giữa) cùng đoàn rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 - Ảnh: Hồng Nam

Khi ấy, đoàn đến Hà Nội và có buổi làm việc với Chính phủ về cơ hội hợp tác, đầu tư. Để bảo đảm công tác an ninh, anh cùng các cộng sự lên kế hoạch, chuẩn bị trong suốt nhiều tháng liền. Ngoài ra, anh còn phải khảo sát tất cả các tuyến đường mà đoàn đi lại. Anh Nông nhớ lại: “Mọi công tác chuẩn bị được hoàn tất nhưng không ngờ đêm trước đó trời đổ mưa lớn làm nhiều đường phố của thủ đô Hà Nội chìm trong nước đến nỗi xe hộ tống của cảnh sát cũng bị chết máy giữa đường. Kế hoạch đến Văn phòng Chính phủ bị đảo lộn. Tôi cùng các anh em trong nhóm phải đưa đoàn đi theo lộ trình khác”.

 

Anh Cù Hoàng Nông nhấn mạnh: “Để hoàn thành tốt công việc, chúng tôi phải hy sinh lợi ích cá nhân. Thậm chí những lúc công việc bận rộn, chúng tôi phải nhịn ăn cả ngày để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Hay mới đây, khi nhóm  anh nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ tịch tập đoàn xe hơi từ Pháp đến đầu tư tại Đà Nẵng. Theo lịch trình, vị chủ tịch ấy sẽ rời sân bay Đà Nẵng về nước. Nhưng không ngờ, khi đến Huế, ông lại quyết định rời Việt Nam trong khi sân bay Huế không phải là sân bay quốc tế. Bằng nhiều biện pháp, chuyến bay của vị chủ tịch được sắp xếp để xuất phát tại Huế lúc 15 giờ 45 phút.

“Thế nhưng khi ăn trưa xong, ông ta lại quyết định ra sân bay trở về nước ngay. Nhận được thông tin thay đổi, chúng tôi rất bất ngờ vì kế hoạch đã hoàn toàn bị đảo lộn. Một lần nữa, chúng tôi lại phải làm việc với an ninh, cụm cảng hàng không, hải quan... và chuẩn bị cả phòng chờ dành cho khách VIP. Cuối cùng, chuyến bay được cất cánh lúc 14 giờ 30 phút”- anh Nông cho biết.

Đòi hỏi nhiều kinh nghiệm

Ông Phan Tô Hồng Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Bảo vệ Long Hải, cho rằng để trở thành vệ sĩ chuyên nghiệp, ngoài việc chịu được áp lực cao trong công việc, vệ sĩ phải có kiến thức tổng hợp về văn hóa, xã hội, có khả năng phân tích, lập kế hoạch và phản xạ tốt. Đặc biệt, để trụ vững với nghề, vệ sĩ cần có sức khỏe tốt. Đó cũng là lý do mà số lượng vệ sĩ chuyên nghiệp luôn hiếm hoi, thường chỉ chiếm 10% trong tổng số nhân lực mà các công ty bảo vệ hiện có.

Từng đảm nhận vai trò vệ sĩ cho một vị tỉ phú người Mỹ sang thăm Việt Nam, ông Nam không thể nào quên được thời gian đón tiếp đoàn khi ấy. Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của vị tỉ phú chỉ trong 2 ngày, ông cùng các đồng nghiệp đã phải chuẩn bị suốt một năm. Ông Nam kể: “Để đón tiếp đoàn, chúng tôi phải chuẩn bị đội xe gồm 7 chiếc.

Một tuần trước đó, ngày nào các xe cũng được kiểm tra an ninh khiến nhiều tài xế tỏ ra bực mình”. Trong lộ trình, khách sẽ đến Trung tâm Bảo trợ Gia Lâm (Hà Nội) để trao tiền từ thiện. Để lộ trình được an toàn, ông Nam cùng đồng nghiệp đã mất một tháng nghiên cứu, khảo sát các tuyến đường.

Ngoài ra, trong kế hoạch, vị khách cũng muốn cùng vợ dạo chơi hồ Hoàn Kiếm với không gian riêng. Giải pháp được đưa ra là theo dõi từ xa để vị khách không cảm thấy bị can thiệp. “Lúc ấy, chúng tôi rất bị áp lực nhưng vì công việc, tôi đã cố gắng hoàn thành để nhận được sự hài lòng của khách”- ông Nam tâm sự.

Theo Huỳnh Nga / Người Lao Động

>> Vệ sĩ của BBC đốt xác nạn nhân sóng thần
>> Bắt nghi can giết vệ sĩ
>> Vệ sĩ hạ "đo ván" hai tên cướp giật
>> Cựu quản lý Công ty vệ sĩ Thành Công hầu tòa
>> Hoàng Điệp làm "vệ sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.