Khó hòa nhập thị trường lao động sau khi đi xuất khẩu về

02/07/2012 18:14 GMT+7

(TNO) Kết quả khảo sát “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đã trở về Việt Nam” được thực hiện vào năm 2010 và 2011 vừa được Bộ LĐ-TB-XH công bố cho thấy, phần lớn số tiền người lao động (NLĐ) tích lũy được sau khi đi xuất khẩu lao động là để giải quyết các vấn đề cấp bách như: xây nhà, trả nợ, mua sắm đồ đạc...

(TNO) Kết quả khảo sát “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đã trở về Việt Nam” được thực hiện vào năm 2010 và 2011 vừa được Bộ LĐ-TB-XH công bố cho thấy, phần lớn số tiền người lao động (NLĐ) tích lũy được sau khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là để giải quyết các vấn đề cấp bách như: xây nhà, trả nợ, mua sắm đồ đạc...

>> Thái Lan học kinh nghiệm xuất khẩu lao động của VN
>> Xuất khẩu lao động - Một lợi ích “kép”
>> Đổ nợ vì công ty xuất khẩu lao động!
>> Trung - Đông u: Thị trường xuất khẩu lao động mới
>> Vay vốn đi xuất khẩu lao động  

Xuất ngoại để có tiền trả nợ, xây nhà...

Theo Viện Khoa học lao động và xã hội, khảo sát được thực hiện tại 8 tỉnh điển hình về XKLĐ gồm: Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP.HCM, tập trung vào những NLĐ đã đi làm việc ở 4 thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

 
Chỉ một bộ phận nhỏ NLĐ có việc làm đúng ngành nghề sau khi về nước- Ảnh: Tâm Chính

Đáng mừng là có tới 88,9% LĐ có tích lũy (số tiền còn lại sau khi đã trừ hết các khoản chi phí) từ XKLĐ. Trong đó, mức tích lũy cao và ổn định nhất thuộc về thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Mức tích lũy bình quân của NLĐ làm việc đủ 3 năm ở Nhật Bản là 312 triệu đồng/người, cao gấp 6 lần so với NLĐ ở thị trường Malaysia (51 triệu đồng/người).

Tiếp đến là mức tích lũy tương của NLĐ ở Hàn Quốc (243 triệu đồng/người), Đài Loan (145 triệu đồng/người). Những LĐ không có tích lũy (11,1%) chủ yếu là những LĐ bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nặng nề ở Malaysia và Đài Loan, bao gồm cả những người về nước trước hạn và đúng hạn. Cá biệt, có một số trường hợp LĐ trẻ (18-20 tuổi) về nước đúng hạn từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có tích lũy do chưa có ý thức tiết kiệm trong quá trình sống và làm việc ở nước ngoài.

Mặc dù đại bộ phận LĐ có “của để dành” sau khi về nước, song việc sử dụng tiền lại chưa thực sự hiệu quả. Phần lớn số tiền tích lũy được sử dụng để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình như: trả nợ của gia đình phát sinh từ trước hoặc trong quá trình đi XKLĐ (chiếm 34,37%  tổng số tiền tích lũy), xây dựng/sửa chữa nhà cửa (28,49%) và mua sắm đồ đạc trong gia đình (10,59%).

Trong khi đó, việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư cho việc học hành còn rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng khoảng 8,79% và 3,67% tổng tiền tích lũy. Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ tiền tích lũy được gửi vào ngân hàng hay cho vay lãi (12,22%).

Khó tìm được việc làm đúng ngành nghề

Ghi nhận ý kiến NLĐ từ cuộc khảo sát sau khi về nước cho thấy, NLĐ còn gặp khó khăn trong hòa nhập thị trường LĐ. Phần lớn NLĐ cho rằng, khó có thể tìm và có việc làm, đặc biệt là những công việc có thể phát huy được kiến thức, kỹ năng mà họ thu nhận được trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Chỉ một bộ phận nhỏ (chiếm 9,38%) sau khi về nước tìm được việc làm đúng ngành nghề như ở nước ngoài. Nguyên nhân là do thiếu thông tin và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; trình độ học vấn; thiếu vốn và kiến thức làm ăn.

Những LĐ có việc làm ngay chủ yếu là LĐ giản đơn (chiếm 57,3%). Tuy nhiên, thu nhập từ việc làm hiện tại của đại bộ phận LĐ vẫn còn tương đối thấp so với mặt bằng xã hội chung hiện nay (chủ yếu từ 1-3 triệu đồng/tháng) và có đến 17,59% NLĐ có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức tiền lương tối thiểu và 20,58% có mức thu nhập cận mức tiền lương tối thiểu.

Tình trạng NLĐ không trả được nợ vay sau khi về nước cũng chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 10% số lao động có vay nợ). Số này tập trung chủ yếu vào nhóm LĐ đi làm việc tại Malaysia. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do về nước trước hạn hay về nước đúng hạn nhưng thường xuyên bị ngừng việc hay thiếu việc làm khi ở nước ngoài do khủng hoảng kinh tế nên không đủ tích lũy để trả nợ. Một số NLĐ nhận thức kém đã cố tính không trả nợ ngân hàng.

Mặc dù nghiên cứu trên số lượng mẫu tập trung vào 4 thị trường, nhưng theo nhận định của nhóm nghiên cứu, kết quả của cuộc khảo sát cũng đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về thực trạng của các LĐ sau khi về nước. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, tồn tại hạn chế của hoạt động XKLĐ, nhóm nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị chính sách XKLĐ để giảm thiểu các tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả các chương trình XKLĐ trong giai đoạn tới.

                                                                                                                Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.