Phương Tây chậm gửi vũ khí, Ukraine mất cơ hội phản công

31/01/2023 06:17 GMT+7

Các cuộc tấn công liên tục của Nga ở Donetsk đang gây khó khăn cho Ukraine và Kyiv cần phương Tây nhanh chóng gửi vũ khí để không lỡ cơ hội phản công vào mùa đông này.

Ukraine thiếu vũ khí để phản công

Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 30.1 tuyên bố lực lượng nước này đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Nga ở Bakhmut cùng những khu vực khác ở Donetsk và Luhansk. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 29.1 thông báo tình hình tại Donetsk rất khó khăn do Nga tấn công liên tục vào Bakhmut và Vuhledar để nỗ lực xuyên thủng hàng phòng vệ của Ukraine, theo Reuters.

Xem nhanh: Ngày 340 chiến dịch Nga, Tổng thống Ukraine nói tình hình rất khó, phương Tây cần sớm cấp thêm vũ khí mạnh

Trong khi đó, Hãng thông tấn TASS dẫn lời lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushilin cho biết lực lượng này đang tiếp tục đạt được những bước tiến ở Vuhledar. Tuy nhiên, ông Pushilin lưu ý rằng còn quá sớm để tuyên bố giành quyền kiểm soát thành phố này vì Ukraine vẫn chưa rút lui.

Trước tình hình này, Tổng thống Zelensky ngày 29.1 kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí mới và tăng tốc độ cung cấp vũ khí, đồng thời cáo buộc Nga muốn kéo dài cuộc xung đột để khiến Ukraine kiệt quệ. Ông Zelensky cũng cho biết sức tấn công của Nga trở nên rất dữ dội dù chịu tổn thất nặng nề.

Phương Tây chậm gửi vũ khí, Ukraine mất cơ hội phản công - Ảnh 1.

Xe tăng của quân đội Ukraine trên một con đường ở vùng Donetsk, Ukraine ngày 28.1

Reuters

Tuần qua, Đức và Mỹ đã tuyên bố sẽ gửi xe tăng cho Ukraine. Đây là quyết định viện trợ quan trọng từ đầu xung đột đến nay nhưng được đưa ra khá chậm. Theo báo cáo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ đưa ra ngày 30.1, các dấu hiệu cho thấy Ukraine sẽ cần vũ khí phương Tây trên quy mô lớn đã xuất hiện từ hồi tháng 5 - 6.2022.

ISW đánh giá sự chậm trễ trong việc cung cấp cho Ukraine hệ thống hỏa lực tầm xa, hệ thống phòng không tiên tiến và xe tăng đã hạn chế khả năng Ukraine nắm bắt những thất bại quân sự của Nga để thực hiện các hoạt động phản công lớn.

Mỹ chấp thuận chuyển xe tăng cho Ukraine để "yểm trợ" thủ tướng Đức

Hiện Ukraine không có ngành công nghiệp quân sự nội địa và vũ khí phương Tây rất thiết yếu với sự sống còn của nước này. ISW cảnh báo Ukraine có thể mất cơ hội phản công vào mùa đông này nếu phương Tây tiếp tục chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết đã đưa ra.

Nga chuẩn bị đợt động viên lực lượng mới?

ISW cũng nhận định Nga dường như đang chuẩn bị cho một đợt huy động lực lượng quy mô lớn mới.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng - Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov ngày 28.1 tuyên bố ủy ban đang xem xét hơn 20 luật liên quan đến việc hoãn động viên. Báo cáo tình báo quân sự Anh đưa ra ngày 30.1 đánh giá lãnh đạo Nga có thể sẽ tiếp tục tìm cách đáp ứng số lượng lớn binh sĩ cần thiết để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc tấn công lớn nào trong tương lai ở Ukraine. Hiện Nga vẫn chưa lên tiếng về các thông tin này.

Hãng thông tấn RIA ngày 30.1 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga không có lý do để đối thoại với phương Tây hay "con rối" Ukraine của các nước này sau khi Washington quyết định cung cấp xe tăng cho Kyiv. Ông Ryabkov cũng nói phương Tây không đưa ra bất kỳ sáng kiến nghiêm túc nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Điện Kremlin: Tổng thống Putin sẵn sàng "liên lạc" với thủ tướng Đức

Tuy nhiên, Điện Kremlin ngày 29.1 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng liên lạc với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Scholz trước đó cũng nói sẽ đối thoại với ông Putin vì điều đó là cần thiết. Hiện chưa có cuộc điện đàm nào giữa hai lãnh đạo được sắp xếp. 

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bật đèn xanh cho Phần Lan vào NATO ?
Reuters đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29.1 phát tín hiệu rằng Ankara có thể sẽ đồng ý cho Phần Lan gia nhập NATO trước Thụy Điển. “Chúng tôi có thể gửi thông điệp khác cho Phần Lan (về việc nước này xin gia nhập NATO) và Thụy Điển sẽ sốc khi nhìn thấy nó. Nhưng Phần Lan không nên mắc sai lầm mà Thụy Điển đã mắc phải”, ông Erdogan cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Phần Lan và Thụy Điển sau khi một nghị sĩ đốt kinh Koran trong cuộc biểu tình ở Stockholm. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói muốn khôi phục đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 26.1 tuyên bố rằng việc này là vô nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.