Tranh cãi bảng xếp hạng ĐH có tính phí

05/02/2013 03:55 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng bảng đánh giá sao có tính phí cho các đại học (ĐH) của Công ty giáo dục Anh Quacquarelli Symonds mang nặng tính thương mại.

Sau hơn một năm được công bố, bảng đánh giá các ĐH theo bậc từ 1 đến 5 sao + có tính phí của Quacquarelli Symonds(QS) nhận nhiều phản ứng trái chiều.

Được cấp nhiều sao nhờ đóng phí !

Tuy QS đưa ra các tiêu chí rõ ràng cho bảng đánh giá nói trên, giới chuyên gia cho rằng nhiều ĐH được QS xếp nhiều sao vì có đóng phí. Báo The New York Time chỉ ra rằng ĐH Limerick ở Ireland nằm trong bảng xếp hạng này nhưng không xuất hiện trong 2  bảng xếp hạng quốc tế có uy tín - 400 ĐH hàng đầu thế giới của Báo Times Higher Education (Anh) và 500 ĐH hàng đầu thế giới của ĐH Giao thông vận tải (Trung Quốc). Sau khi đóng phí kiểm tra hồ sơ một lần 9.850 USD và phí đăng ký tham gia hằng năm 6.850 USD, ĐH Limerick (Ireland) được xếp 5 sao cho mỗi lĩnh vực như: cơ sở vật chất, giảng dạy, đóng góp cho cộng đồng và quốc tế hóa, đồng thời được 4 sao cho tất cả lĩnh vực. Ngoài ra, College Cork (UCC), cũng thuộc Ireland, được QS xếp hạng chung cho tất cả lĩnh vực là 5 sao, trở thành trường danh tiếng thế giới mà theo QS vì nó cung cấp cho sinh viên “cơ sở vật chất tiên tiến và nghiên cứu cũng như cán bộ giảng dạy có tiếng trên thế giới”. Trong khi đó, UCC chỉ được xếp đứng lần lượt trong nhóm có vị trí từ 301-400 và 301-350 trong 2 bảng xếp hạng nói trên của ĐH Giao thông vận tải và Times Higher Education. Theo báo The Irish Examiner, UCC đã chi khoảng 30.000 USD và đây là mức phí trung bình mà phần lớn ĐH đóng cho QS khi tham gia bảng đánh giá sao của công ty này.

Tranh cãi bảng xếp hạng  ĐH có tính phí
ĐH College Cork được xếp 5 sao sau khi đóng phí gần 30.000 USD - Ảnh: Bluedolphin.ie

Nhận định về bảng đánh giá sao của QS - Giám đốc nghiên cứu Ellen Hazelkorn tại Viện Công nghệ Dublin (Ireland), nói: “Câu hỏi ở đây là: Có phải các trường đang mua sao? Họ (QS) có thể nói với các ĐH ở vị trí thấp trong các bảng xếp hạng khác rằng các trường có thể tự cho mình 4 hoặc 5 sao”. Còn nhà phê bình các bảng xếp hạng ĐH thế giới Philip Altbach- Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc tế thuộc ĐH Boston (Mỹ), nhận định với The News York Times rằng bảng đánh giá sao của QS có vấn đề. Ông Altbach nói rõ: “Bằng cách yêu cầu các trường tham gia các cuộc khảo sát để xếp hạng và sau đó đề nghị họ trả một mức phí để được cấp sao, tôi không cáo buộc họ dùng tiền để mua hạng… nhưng có sự mâu thuẫn ở đây”. Ông Altbach cho rằng QS dùng bảng xếp hạng để bán các sản phẩm của họ, trong đó có dịch vụ cung cấp tư vấn chiến lược cho các trường kinh doanh, ĐH và chủ lao động. 

Không thiên vị ?

Đáp lại, ông Ben Sowter - người đứng đầu Đơn vị thông tin của QS, vốn giám sát các bảng xếp hạng và đánh giá sao, khẳng định với The New York Times rằng không có thiên vị trong hệ thống của QS. Ông Sowter lập luận: “Công ty xếp hạng tính phí các ĐH không có nghĩa là họ được thiên vị. Chúng tôi không làm bất cứ điều gì ngoài giáo dục ĐH. Do đó, bất cứ bằng chứng nào cho thấy những gì chúng tôi đang làm mà không phù hợp sẽ hủy diệt công việc của chúng tôi”. Ông Sowter còn nhấn mạnh rằng mức phí mà QS thu không có bất kỳ tác động nào đến việc đánh giá sao cho các trường. Ông chỉ ra: “Nếu nói các trường mua sao, chúng tôi sẽ không có quá nhiều trường không, một và 2 sao”. Ông cho biết thêm có hơn phân nửa trong số 106 trường tham gia xếp từ 2 sao trở xuống. “Trong thế giới mà ĐH Harvard (Mỹ) là 5 sao, tại sao bạn không muốn mình được xem là trường 3 sao? Nhiều người vẫn vui vẻ khi ở khách sạn 3 sao mà”, ông Sowter khẳng định. Harvard, ĐH Cambridge và một số ĐH danh tiếng khác được QS đánh giá 5 sao nhưng không phải đóng phí hay cung cấp dữ liệu. QS giải thích rằng việc đưa những trường này vào để làm tăng tính chính xác của bảng đánh giá.

Ngoài bảng đánh giá sao, QS còn có một số bảng xếp hạng ĐH học khác như Bảng xếp hạng600 ĐH hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các bảng xếp hạng của QS bị một số nhà học thuật chỉ trích vì chúng phần lớn dựa vào khảo sát. Nhà kinh tế học Andrew Oswald tại ĐH Warwick chia sẻ với The News York Times: “Với tư cách là nhà học thuật, tôi xem các bảng xếp hạng của QS ít đáng tin cậy nhất, phần vì chúng mang tính thương mại cao và phần vì dựa quá nhiều vào dữ liệu khảo sát”.

Các tiêu chí đánh giá sao

Bảng đánh giá sao của QS xem xét 8 lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy, khả năng tìm được việc làm của sinh viên, cơ sở vật chất, quốc tế hóa, sáng tạo, đóng góp cho cộng đồng địa phương và chuyên ngành đạo tạo. Các trường tham gia được cấp sao cho mỗi lĩnh vực và số sao chung cho tất cả các lĩnh vực. Theo đó, ĐH 1 sao được thành lập khoảng 20 năm, đáp ứng các yếu tố có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cho sinh viên. ĐH 2 sao phải năng động trong nghiên cứu, có danh tiếng trong nước, đóng vai trò chính trong cộng đồng địa phương và bắt đầu xem xét cơ hội hội nhập quốc tế. ĐH 3 sao thường được công nhận cấp quốc gia, bắt đầu thu hút sự công nhận của thế giới, duy trì danh tiếng về nghiên cứu và nhiều sinh viên tốt nghiệp lọt vào tầm ngắm của giới tuyển dụng. ĐH 4 sao mang tính quốc tế cao, cho thấy sự xuất sắc của mình trong nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời cung cấp môi trường tuyệt vời cho sinh viên và cán bộ giảng dạy. ĐH 5 sao mang đẳng cấp quốc tế trong nhiều lĩnh vực, có cơ sở vật chất tiên tiến cũng như nghiên cứu, cán bộ giảng dạy nổi tiếng thế giới. ĐH 5 sao+ không chỉ mang đẳng cấp quốc tế mà còn là một điểm đến tuyệt vời thu hút các sinh viên và cán bộ giảng dạy giỏi nhất trên toàn cầu. Thương hiệu của nó sẽ  làm thay đổi  lý lịch của bất kỳ người nào có liên quan đến trường.

Văn Khoa

Minh Trung

>> Xếp hạng 400 đại học hàng đầu thế giới 2012 - 2013
>> Trường có nhiều quyền tự chủ, xếp hạng sẽ cao
>> Việt Nam tụt 10 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu
>> Chọn môi trường đại học quốc tế: nên hay không?
>> 120 triệu USD xây dựng trường Đại học Quốc tế tại Đà Nẵng
>> Dự án làng đại học quốc tế ở Lâm Đồng
>> Sau đại học chất lượng cao tại Pháp
>> Luyện thi đại học “chất lượng cao” 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.