Khai thác nước ngầm làm sụt lún đất nghiêm trọng

22/03/2013 16:02 GMT+7

(TNO) Sáng 22.3, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác quản lý môi trường tại các KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA) cho biết: Tình hình khai thác và sử dụng nước ngầm tại các KCX và KCN trên địa bàn TP.HCM đã và đang có xu hướng tăng cao, làm giảm trữ lượng nguồn nước, tăng nguy cơ sụt lún hạ tầng chung.

(TNO) Sáng 22.3, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác quản lý môi trường tại các KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA) cho biết: Tình hình khai thác và sử dụng nước ngầm tại các KCX và KCN trên địa bàn TP.HCM đã và đang có xu hướng tăng cao, làm giảm trữ lượng nguồn nước, tăng nguy cơ sụt lún hạ tầng chung.

Thực tế, tại KCN Tân Tạo và KCN Lê Minh Xuân đã xảy ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng, có nơi sụt lún từ 0,3-0,5 m, đường sá hư hỏng, đường ống nước thải bị vỡ khiến doanh nghiệp thường xuyên ngập trong nước.

Để đảm bảo an toàn lâu dài cho hạ tầng các KCX-KCN, đại diện HEPZA kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn phối hợp với các công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN cùng xây dựng kế hoạch, lộ trình để sớm triển khai thực hiện việc cung cấp nước cho các doanh nghiệp trong KCX-KCN đảm bảo yêu cầu về lưu lượng, chất lượng, ổn định.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tài nguyên nước cũng cần có lộ trình tiến tới không cấp hoặc không cấp lại giấy phép khai thác nước ngầm tại các KCX-KCN.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh cũng nêu ra một bất cập khác tại các KCX-KCN đã và đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, đó là công tác phối hợp trong kiểm tra, thanh tra về môi trường.

Theo đó, việc phối hợp kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường còn chồng chéo, có doanh nghiệp trong 1 thời gian ngắn phải tiếp quá nhiều đơn vị chức năng, như: Sở Tài nguyên Môi trường, HEPZA, Chi cục bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Công an TP.HCM… Điều này phần nào cũng đã làm cho hoạt động của doanh nghiệp bị xáo trộn, lãnh đạo doanh nghiệp mất nhiều thời gian trong việc tiếp nhiều đoàn cùng chung một nội dung.

“Việc thanh kiểm tra hiện chưa thống nhất, khi thì kiểm tra khí thải, khi thì kiểm tra chất thải rắn, nước thải… Doanh nghiệp phản ánh có đoàn đi kiểm tra khí thải cũng hỏi về nước thải”, đại diện HEPZA nói.

Trước những bất cập này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà chỉ đạo HEPZA phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường nghiên cứu, đề xuất quy định cấm khai thác nước ngầm, trước mắt là cấm khai thác trong phạm vi các KCX-KCN.

Riêng về các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra chồng chéo, ông Lê Mạnh Hà giao HEPZA chủ trì tăng cường công tác phối hợp thanh kiểm tra để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. Công tác kiểm tra phải dựa trên một kế hoạch tổng thể, nhất quán và triển khai đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố.

“Xuống kiểm tra nhiều quá cũng không được. HEPZA cứ thông báo cho doanh nghiệp là đoàn thứ 3 xuống kiểm tra trong vòng 1 năm là không tiếp nữa. Ai cũng có quyền kiểm tra nhưng mà phải theo kế hoạch”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Đình Phú

>> Nước ngầm ô nhiễm
>> Khai thác nước ngầm gây động đất?
>> Thi công ống nước ngầm gây cản trở giao thông
>> Phát hiện mạch nước ngầm khổng lồ tại châu Phi
>> 1.800 trẻ chết mỗi ngày do nguồn nước ô nhiễm
>> Chung tay bảo tồn nguồn nước
>> Nguồn nước Đà Nẵng đang bị mặn xâm nhập
>> Thi vẽ tranh bảo vệ nguồn nước
>> Pháp hỗ trợ Việt Nam quản lý nguồn nước sạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.