Không để tại chức thành “thứ phẩm”: Một chuẩn đầu ra

14/12/2010 00:32 GMT+7

Loạt bài Không để tại chức thành “thứ phẩm” khởi đăng từ ngày 10.12 đã cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về hệ đào tạo này. Chất lượng yếu kém là hệ quả tất yếu khi từ cấp quản lý đến người dạy, người học đều quan niệm đây không phải là “chính phẩm”.

Xu hướng của giáo dục ngày nay là dành cho mọi người và học tập suốt đời nên việc tồn tại các hình thức đào tạo khác nhau là điều tất yếu. Vấn đề đặt ra là dù được đào tạo theo loại hình nào thì chất lượng đầu ra cần phải được kiểm soát theo cùng một kết quả, một chuẩn chung, như các nước đang làm. Tuy khó khăn nhưng Bộ GD-ĐT và các trường bắt buộc phải thay đổi mới mong xã hội không còn định kiến với tại chức. Điều này cũng sẽ khiến các nhà tuyển dụng từ bỏ tư duy xem trọng bằng cấp.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa - Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM - để nâng cao chất lượng hệ tại chức, cần phải siết chặt chất lượng toàn diện, ở tất cả các khâu, các giai đoạn của quá trình đào tạo, từ đầu vào, quá trình học tập, đầu ra.

Trước mắt các trường cần áp dụng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chung cho cả hệ chính quy và tại chức... Về lâu dài, cần cải tiến dần hệ tại chức, thậm chí nên kiểm định các chương trình tại chức
Tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Ông Nghĩa thừa nhận: “Điều này có vẻ bất khả thi với tình hình hiện nay, vì sẽ có lý luận không tuyển được người học, sàng lọc hết, rất ít người ra trường, các điều kiện đảm bảo để duy trì lớp học nói riêng và hệ tại chức  nói chung sẽ không còn”.

“Nhưng không có gì dễ dãi mà đem lại chất lượng tốt được. Trước mắt các trường cần áp dụng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chung cho cả hệ chính quy và tại chức. Từ đó mới có thể tính đến việc áp dụng chung mẫu văn bằng chứng chỉ. Về lâu dài, cần cải tiến dần hệ tại chức, thậm chí nên kiểm định các chương trình tại chức”, ông Nghĩa kiến nghị.

Tổ chức lại chứ không phải xóa đi

Mục tiêu của hệ tại chức là phục vụ cho những người đang đi làm muốn nâng cao trình độ nghề nghiệp, hay muốn đổi nghề mới cho phù hợp hơn… Có một thực tế không thể phủ nhận là xã hội đã mất niềm tin vào chất lượng đào tạo của các hệ không chính quy. Vấn đề cần được hiểu rõ và nhận thức đúng đó là mỗi loại hình đào tạo đều có đặc điểm, nhu cầu, mục tiêu, nội dung… khác nhau. Do đó, nên quan tâm tổ chức lại hệ đào tạo này cho tốt hơn chứ không phải là xóa đi hay ruồng bỏ nó.

Th.S Trần Đình Lý (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp)

Cho đến nay, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là một trong số ít các trường áp dụng chung chương trình đào tạo cho cả hệ chính quy và tại chức. Ông Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho biết: “Trừ đối tượng người học và thời gian giảng dạy khác nhau, còn lại chương trình, giáo án và giảng viên đều giống nhau giữa hai hệ. Khi chương trình đào tạo của hệ chính quy thay đổi thì ở hệ tại chức cũng thay đổi theo. Tuyệt đối không có việc cắt ngắn chương trình của hệ tại chức so với chính quy”. Tuy nhiên, vẫn chưa có trường nào khác áp dụng một chuẩn đầu ra chung cho cả hai hệ này.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện Nghiên cứu giáo dục (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) - cũng cho rằng: “Chúng ta nên thực hiện như ở các nước có nền giáo dục phát triển: Tất cả các chương trình đào tạo đều có các yêu cầu như nhau từ đầu vào cho đến chuẩn đầu ra, chỉ có quá trình đào tạo hay phương thức đào tạo là khác nhau do đặc thù của những người đi làm chỉ có thể học vào các buổi tối, học từ xa, trên mạng  hay học tập trung theo một thời gian cố định nào đó”. Bà Dung lý giải: “Hiện nay quy định về kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường ĐH và CĐ phải đảm bảo chất lượng cho tất cả các chương trình và hệ đào tạo. Như vậy, người học sau khi ra trường chỉ có một bằng cấp mà thôi, không có sự phân biệt như hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường phải đảm bảo mặt bằng chất lượng cho tất cả những người tốt nghiệp. Tất nhiên, sự khác biệt về chất lượng lúc đó sẽ là điểm phân loại hoặc uy tín của từng trường”.

Đồng quan điểm, PGS-TS Hoàng Đức - Trưởng phòng Quản lý đào tạo tại chức trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng: “Việc duy trì hình thức đào tạo này là cần thiết, bởi nó đáp ứng được nhu cầu học tập của rất nhiều người theo quan niệm học tập suốt đời. Vấn đề cần bàn đến là phải làm sao đảm bảo được chất lượng đào tạo. Nên chăng cần có một chuẩn đầu ra chung, một văn bằng chung cho cả hai hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm”.

Thay đổi cơ chế tuyển dụng

Cách đây 3 năm, GS Nguyễn Đình Cống - nguyên Chủ nhiệm khoa Xây dựng, trường ĐH Xây dựng đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân lúc bấy giờ để cảnh báo về thực trạng “quá đen tối” của ĐH hệ tại chức.

Nên nhìn người hơn nhìn bằng

Sẽ là võ đoán nếu cho rằng chỉ sinh viên chính quy mới có chất lượng. Thực tế cho thấy một bộ phận sinh viên chính quy đến giảng đường để… ngủ, học hành lơ mơ, nợ điểm bộ môn, học phần như chúa chổm. Nhưng rồi số sinh viên này vẫn tốt nghiệp, ra đời với tấm bằng chính quy “danh giá”. Nhà tuyển dụng không nên dựa hẳn vào bằng cấp mà nên “nhìn người” trong khâu phỏng vấn, thử việc để có sự sàng lọc, đánh giá khách quan và đưa ra những quyết định đúng đắn.

Trần Cao Duyên

Ông nói: “Trong thư, tôi viết việc đào tạo tại chức đã bị lạm dụng, mở rộng quá mức so với điều kiện và khả năng của người học, người dạy và cơ quan quản lý, làm cho chất lượng tụt dốc thê thảm”. Tuy nhiên, ông ngậm ngùi: “Sau khi thư được gửi đi thì tôi chỉ nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía xã hội còn Bộ GD-ĐT chỉ hồi âm là đã nhận được thư. Sau đó, tôi được biết là Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức các cuộc bàn thảo để khắc phục những bất cập. Tuy nhiên, những giải pháp mà Bộ đưa ra chỉ là hình thức nên thực trạng của đào tạo tại chức vẫn không thay đổi, thậm chí theo đánh giá của tôi nó còn tệ hại hơn trước đây. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có sự vô trách nhiệm trong các công đoạn thi cử, kiểm tra, đánh giá”.

Khi đặt vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo tại chức, ông quả quyết: “Tuyển sinh, quản lý, dạy, học và đánh giá đều có sơ hở. Vì vậy, muốn đảm bảo chất lượng thì cần phải rà soát lại tất cả các khâu này. Đặc biệt là về tuyển sinh và chương trình đào tạo. Muốn dạy hiệu quả thì chương trình phải phù hợp với trình độ của người học. Chương trình và nội dung đào tạo hệ tại chức không thể dàn trải quá nhiều môn như hệ chính quy hiện nay.

Cơ cấu kiến thức cần tập trung để nâng cao kiến thức nghề nghiệp”. Ngoài ra, ông còn khẳng định: “Một giải pháp khác có thể giải quyết được tận gốc của vấn đề là phải thay đổi cơ chế tuyển dụng, đừng dựa vào tấm bằng. Đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục, mà nó còn đụng tới một loạt chính sách của nhà nước. Chính sách của nhà nước trong việc thu nhận, đề bạt cán bộ, lên lương, đều dựa vào tấm bằng nên người ta phải đi “chạy”. Vấn đề này, nếu chỉ riêng mình ngành giáo dục thì không giải quyết được. Việc thi tuyển công chức vào các cơ quan nhà nước phải minh bạch, công khai, và thực sự có cơ chế là chọn người tài, thì việc đào tạo mới thực chất. Đừng tuyển chọn chỉ dựa vào tấm bằng”.

Vũ Thơ

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.