Đi qua vùng đất Tazai xuống tận... biển

16/05/2014 09:00 GMT+7

Hồ Chilka, nằm phía đông bang Orissa của Ấn Độ, cách vịnh Bengal bằng một dải đất là một trong những hồ nước mặn lớn nhất trên thế giới. Nó có chiều dài 65 km và chiều rộng từ 5 - 20 km và độ sâu trung bình khoảng 2 m. Pó lại đi tiếp mãi về phía tây, cứ đinh ninh rằng đó là hướng về Khâu Vai nhà mình.

Pó lấy khăn mô tả cách ăn mặc của phụ nữ đạo Hồi mà anh gặp được ở cả Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan - Ảnh: Na Sơn
Pó lấy khăn mô tả cách ăn mặc của phụ nữ đạo Hồi mà anh gặp được ở cả Bangladesh,
Ấn Độ và Pakistan - Ảnh: Na Sơn
 

Anh không biết mình đang làm một hành trình đi bộ cắt từ đông sang tây của đất nước Ấn Độ rộng lớn.

Đói khát thì xin ăn uống, hái quả hoặc uống nước suối

Câu hỏi mà Vừ Già Pó nhận được nhiều nhất của các phóng viên khi trở về là: “Anh ăn gì, uống gì để có sức đi xa đến thế?”. Pó kể lại: Thì mình đi ven đường, cả đường to lẫn đường nhỏ. Lúc nào đói khát quá thì ghé vào nhà ven đường xin ăn. Cũng có người không cho, xua đuổi nhưng đi tiếp thì gặp người khác tốt, họ cho ăn, cho uống. Thức ăn cũng bình thường, họ cho gì thì mình ăn nấy. Nhưng cũng có lần có nhà kia cho cả thịt gà, cho trứng. Có cả rượu uống. Nhưng mà từ khi không ở đất Trung Quốc nữa thì không được uống rượu nữa.

“Mà ở bên Pakistan lạ lắm, uống rượu là bị bắt đi tù đấy! Điều ấy bọn ở tù chung lúc ở chỗ pô-lít (police-cảnh sát, PV) trước khi về Neelum dặn mình thế. Chỉ được uống Coca-cola thôi”, Pó kể tiếp và phát âm những từ vựng anh mới học được rất rõ ràng.

Nhưng cũng không phải lúc nào cũng gặp được người để xin ăn. Pó bị nhịn đói hơn 2 ngày đêm lúc băng qua vùng đất nắng nóng ở miền Trung Myanmar, sau khi Pó nhìn thấy cái tượng to vĩ đại mà theo phỏng đoán của người viết đó chính là bức tượng Phật Laykyun Setkyar, cao thứ 2 trên thế giới ở vùng Po Khaung Taung, tỉnh Monywa, miền Trung của đất nước Phật giáo Myanmar.

Pó kể lại nhiều lần anh hái quả để ăn vì đói. Còn uống nước thì bắt kỳ chỗ nào có nước sạch là đều uống được hoặc xin người dân ven đường. Pó kể: “Mình nói Tôi là Vừ Già Pó ở Khâu Vai, tôi không phải người trộm cắp gì. Cho tôi xin cái gì ăn được để tôi đi về quê”. Nói mãi mà người ta chả hiểu gì nên sau mình toàn ra dấu hiệu thì người ta hiểu ngay.

Pó cứ đi mãi, nhắm hướng mặt trời lặn, chếch một chút mà đi. Ngày đi đêm ngủ. Thỉnh thoảng có gia đình cho ngủ nhờ ngoài hiên, nếu không thì anh ngủ ven đường và không hiếm lần anh ngủ ở ngoài rừng. Khi được hỏi có sợ hãi không thì Pó trả lời: “Sợ chứ! Nhưng mệt quá nên cứ ngủ thôi”.

Qua Bangladesh và... gặp biển

Quay lại lộ trình của Vừ Già Pó, anh kể là mình đi bộ khoảng 2 tháng thì hết đất của “cái vùng bằng phẳng nóng nhất” (Myanmar - PV) và sang nước khác. Anh gọi vùng ấy là Tazai. “Người ở đó đông lắm, họ mặc quần áo dài trùm từ trên xuống dưới, đủ màu. Phụ nữ choàng khăn trên đầu cũng như phụ nữ H’mông nhưng khăn họ khác. Đàn ông thì cũng  có người quấn khăn trên đầu. Mà da họ đen lắm, chưa bao giờ mình thấy người da đen như thế. Mỗi răng họ là trắng thôi” - Vừ Già Pó nhớ lại.  Khi người viết đưa ra các hình ảnh về trang phục, con người, nhà cửa của Bangladesh và bang Manipur (Ấn Độ) thì Pó xác nhận là giống những điều anh từng được trông thấy ở vùng đất mà anh gọi là Tazai ấy. Anh còn cho biết thêm là theo anh, ở đó nghèo, “nhà ở nông thôn của họ bé tí, thấp lụp xụp, không to bằng nhà mình.

Tiếp tục đi về hướng tây, Pó đi ra biển (vịnh Bengal - PV). Pó biết đấy là biển chứ không phải hồ vì từng xem trên TV. Anh hào hứng kể lại chuyện ly kỳ mình trông thấy: “Mình đi men theo cái biển đấy, có lúc mình nhìn thấy rất nhiều cá to, to hơn cả người mình, chúng nó nhảy cao lên mặt nước. Cá thì to nhưng mồm nhỏ và dài ra, nó còn có 2 cái tai hai bên nữa (2 vây trước - PV). Cá mà Pó gặp chính là cá heo, có rất nhiều ở vịnh Bengal.

Pó lại đi tiếp. Vừa đi vừa xin đồ ăn, thức uống của những người Pó gặp trên đường. Rồi anh đến biên giới. Anh nhận ra  vì có nhiều lính gác ở đó, họ không cho anh qua nhưng anh cố nói với họ bằng tiếng của mình rằng mình phải đi về nhà. Thế là họ dẫn anh đến gặp người chỉ huy. Pó kể lại: “Ông ấy nghe một lúc thì cho mình đi qua nhưng không cho đi qua cái đường lớn ấy mà chỉ cho mình một con đường mòn nhỏ bên phải. Mình cứ đi theo đó thôi, ven đường cũng chả gặp ai”.

Từ đông sang tây Ấn Độ

Qua khỏi biên giới thì Pó lại gặp người. Theo anh thì họ vẫn giống giống những người ở Tazai. Anh cho biết thêm: “Cả ở nước India này, mình biết là India vì khi ở Pakistan nghe người ta giải thích là mình từ India qua, với chỗ Tazai (Bangladesh) và ở Pakistan họ nói cũng giống nhau. Ví dụ như đều gọi bánh nướng là Paratha”. Đúng là trong tiếng Hindu loại bánh mì họ ăn hằng ngày trông tròn dẹt như bánh tráng của ta gọi là paratha.

Đi mấy ngày nữa Pó kể là gặp một cái hồ lớn. “Nó là hồ mà, trông to như biển mà  không phải biển vì mình đi men hết cái hồ ấy.  Trên hồ có nhiều tàu to, có cái to bằng cái máy bay hôm nọ đưa mình về đây cơ”.  Và có một chuyện kỳ lạ xảy ra với Pó. Anh nói: “mình khát nước, đi xuống lấy nước uống thì không uống được. Nước hồ mặn như nước muối. Thế là mình chỉ tắm ở đấy cho mát rồi đi tiếp”.

Hồ Chilka, nằm phía đông bang Orissa của Ấn Độ, cách vịnh Bengal bằng một dải đất là một trong những hồ nước mặn lớn nhất trên thế giới. Nó có chiều dài 65 km và chiều rộng từ 5 - 20 km và độ sâu trung bình khoảng 2 m.

Pó lại đi tiếp mãi về phía tây, cứ đinh ninh rằng đó là hướng về Khâu Vai nhà mình. Anh không biết mình đang làm một hành trình đi bộ cắt từ đông sang tây của đất nước Ấn Độ rộng lớn. (còn tiếp)

Na Sơn

 >> Hành trình phiêu bạt 5.800 km của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: Trốn chạy và đi mãi
 >> Chùm ảnh Vừ Già Pó trong giây phút đoàn tụ với gia đình
 >> Vừ Già Pó khóc nức nở trong giây phút đoàn tụ gia đình
 >> Đang hoàn tất thủ tục để đưa công dân Vừ Già Pó về nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.