Những đứa trẻ không được... khai sinh

29/11/2007 21:07 GMT+7

Ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vẫn còn nhiều đứa trẻ thất học vì chưa có giấy khai sinh. Chưa có giấy khai sinh vì nghèo?! Chị Nguyễn Thị Lợi - quê ở huyện Phú Tân đến thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu hơn sáu tháng nay.

Cuộc sống của gia đình chị lâm vào cảnh cơ hàn khi chồng chị bị mất sau một cơn bệnh nặng. Chị phải một mình cưu mang ba đứa con thơ. Suốt ngày rong ruổi khắp các con đường quanh thị trấn, hôm nào chiếc bao trên vai trống rỗng là hôm đó bị đói. Các loại trái cây hư thối được chị nhặt từ chợ mang về để ăn thay cơm. Nhìn lũ trẻ lem luốc, thiếu ăn, thiếu mặc, chị Lợi chỉ ao ước giản đơn: "Giá như con mình được đi học... để sau này bớt khổ''. Nhưng con chị chưa có đứa nào có giấy khai sinh thì làm sao mà đi học được?

Anh Lê Văn Tuấn đã tạm trú hơn 10 năm ở thị trấn sầm uất này nhưng con anh, em Trần Thị Yến Tuyết (12 tuổi) vẫn chưa một ngày được đi học chỉ vì chưa có giấy khai sinh. Anh Tuấn không dám ra chính quyền làm giấy khai sinh cho con, vì sợ bị phạt. Hồi trước, vợ chồng anh từng dắt con đến một trường tiểu học trình bày gia cảnh... nhưng nhà trường từ chối. Anh Tuấn ngậm ngùi: "Thấy con mình bị dốt chữ, làm cha mẹ mình xót xa lắm chứ. Người ta đông con không lo nổi cho con ăn học đã đành, còn mình chỉ có một đứa con, nuôi không xong là có lỗi...''.

Giữa trời nắng cháy da, các con anh Lý Văn Mỹ (dân tộc Khơ-me) kiệt sức vì ôm, vác những hòn đá nặng quá sức. Bảy đứa con anh Mỹ, đến giờ chưa được hưởng quyền khai sinh và có quốc tịch nên chịu thiệt thòi lớn: không được đi học, không được hưởng chính sách khám chữa bệnh của Nhà nước, không được vui chơi giải trí... Em Lý Thị Kiều Phương (12 tuổi) trông như một đứa trẻ lên 8. Ngồi bệt trên bãi đá thở hổn hển, Phương nói: "Hằng ngày con theo cha mẹ ra bờ biển vác đá. Con và các em khóc đòi đi học... Cha mẹ hứa chừng nào làm xong giấy khai sinh thì mới cho đi học".

Tôi hỏi: "Sao anh không đến UBND thị trấn đăng ký làm giấy khai sinh cho con?". Anh Mỹ thở dài: "Có lần ra UBND thị trấn Sông Đốc xin làm giấy khai sinh cho hai đứa con nhỏ để nhập hộ khẩu, cán bộ xã đòi thu phí mỗi trẻ 100.000 đồng. Anh thử tính xem, nếu cùng một lúc làm giấy khai sinh cho bảy đứa con thì phải đóng tiền phí đến 700.000 đồng, tương đương với số tiền công làm suốt một tuần của cả gia đình. Lấy đâu ra tiền mà đóng chứ! Đành gác lại chuyện xin làm giấy khai sinh cho các con''.

Vì sao?

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em rất thuận lợi dễ dàng, song chẳng hiểu nguyên nhân vì sao vẫn còn một bộ phận không nhỏ trẻ em ở thị trấn Sông Đốc chưa được  hưởng quyền khai sinh và có quốc tịch.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân đăng ký khai sinh cho trẻ em là khâu rất quan trọng. Vậy mà cán bộ ở đây lại thiếu nhiệt tình phổ biến. Ông Bùi Văn Hoài, Trưởng ban nhân dân khóm 7, thị trấn Sông Đốc lý giải: "Đó là lỗi của các hộ dân thiếu quan tâm đến quyền trẻ em, còn trách nhiệm làm giấy khai sinh là chuyện của cán bộ tư pháp''. Ông Hoài còn cho rằng, hàng trăm hộ dân mất đi quyền lợi do tình trạng quy hoạch treo. "Chúng tôi sẽ đề xuất với UBND và công an, nếu trong một vài năm tới, chưa thực hiện quy hoạch tổng thể thì nên xem xét đưa bà con vào diện thường trú để còn làm giấy kết hôn, khai sinh cho trẻ em và làm giấy chứng minh nhân dân...'', ông Hoài nói.

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh trẻ em thất học, lao động sớm, nặng nhọc, chị Phan Thị Danh - Phó trưởng ban Dân số, gia đình và trẻ em thị trấn Sông Đốc, bức xúc: "Trẻ em chưa có giấy khai sinh sẽ đồng nghĩa với việc mất đi quyền học tập. Trẻ em thất học, thiếu sự quan tâm của cha mẹ dẫn đến đi lang thang, ăn trộm, ăn cắp... Chính quyền địa phương nên xem xét từng trường hợp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký làm giấy khai sinh để các em còn được đến trường''.

Chúng tôi cũng đã liên hệ với Phó chủ tịch xã phụ trách khối văn xã kiêm Trưởng ban DS,GĐ&TE thị trấn để tìm hiểu ngọn ngành sự việc, thế nhưng vị cán bộ này đã từ chối với lý do bận nhiều cuộc họp quan trọng (?).

Kim Há

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.