Hội đền Huyền Trân

19/02/2013 11:33 GMT+7

Cứ sau tết Nguyên đán, hàng ngàn người dân khu vực miền Trung đã lên núi Ngũ Phong (xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) để đi lễ đền Huyền Trân công chúa, tri ân người có công mở mang bờ cõi.

Theo sử liệu, Công chúa Huyền Trân sinh năm Đinh Hợi (1287), là ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu, quê làng Tức Mặc, nay thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1306) thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông, kết hòa hiếu với lân bang, Công chúa Huyền Trân đã lên đường sang Chiêm quốc kết duyên với Chế Mân và trở thành hoàng hậu Chiêm quốc Paramesvari. Để đáp lại mối thịnh tình của vua Trần Nhân Tông, trước đó mấy tháng, Chế Mân đã cắt đất hai châu Ô, Rí (vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam) dâng lên nhạc phụ thượng hoàng làm sính lễ. Kể từ đó, hai châu này được sát nhập vào Đại Việt, và những lớp người Việt đầu tiên đã vào đây khai sơn lập ấp, mở màn cho hành trình nam tiến của dân tộc.

Hội đền Huyền Trân 
Đền Huyền Trân lại thu hút đông đảo du khách thập phương - Ảnh: B.N.L

Để tri ân công đức của Công chúa Huyền Trân, những thế kỷ trước người dân Thừa Thiên - Huế đã lập đền thờ tại một điểm thuộc phía nam thành phố Huế, nhưng do chiến tranh tàn phá cùng với những biến thiên của lịch sử đến nay ngôi đền đã không còn. Năm 2006, nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306-2006), UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã cho phép Công ty du lịch Hương Giang đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân công chúa tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế, trên một không gian rộng lớn 28 ha nằm dưới chân núi Ngũ Phong.

 Hội đền Huyền Trân 2
Thắp hương tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân - Ảnh: B.N.L

Công trình là một cụm quần thể kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh theo kiến trúc truyền thống, gồm đền thờ Huyền Trân công chúa, cùng với các hạng mục trụ biểu, la thành, nền móng vừng chắc, phía sau gối lưng núi Ngũ Phong uy nghi, phía trước có dòng tiểu khê hội tụ thành hồ Trường Xuân soi bóng nhật nguyệt. Nội điện đặt tượng Huyền Trân công chúa, hậu diện thờ các bậc công thần khai quốc. Phía sau điện chính còn có lầu bát giác dựng tượng ni sư Hương Tràng, mở vườn bồ đề tri ân và đoàn kết, sau nữa là thiền viện Trúc Lâm, nhà đọc sách, tượng Di Lặc, miếu Sơn thần, Thủy thần và gác chuông Hòa Bình, trên đỉnh núi Ngũ Phong... Hiện nay, tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân ngoài đền thờ công chúa Huyền Trân còn có thiền viện Hương Vân, thờ đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, chuông hòa bình trên núi Ngũ Phong cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.

Ngày xuân đi lễ đền Huyền Trân, tri ân người phụ nữ có công mở mang bờ cõi, gióng lên một tiếng chuông Hòa Bình cầu nguyện năm mới quốc thái dân an, nhân dân no ấm, trăm nhà hạnh phúc sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thoát.

Bùi Ngọc Long

 >> Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông ở Bạc Liêu
>> Đối đầu trong lễ hội
>> Vui như hội thổi cơm Thị Cấm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.