Nghệ sĩ và... hộ khẩu

15/12/2005 20:32 GMT+7

>> Nỗi niềm hộ khẩu >> Những người “may mắn” Họ đã và đang đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Họ đang chạy xe biển số tỉnh, mượn người khác đứng tên mua nhà, cho con học những trường chấp nhận hộ khẩu tỉnh, xài nước máy với giá dành cho người "nhập cư". Họ trong bài viết này chính là những nghệ sĩ đang công tác trong ngành văn hóa nghệ thuật đóng góp không ít công sức cho sự phát triển của hoạt động văn nghệ sôi nổi tại thành phố năng động nhất nước.

Nhắc đến hộ khẩu, một nghệ sĩ hài đã đùa tếu bằng câu hát nhại "Không, tôi không còn, tôi không còn yêu (hộ) khẩu nữa, khẩu ơi". Anh cười toe toét nhưng ánh mắt không giấu nổi nỗi buồn: "Thì chị biết đó, nghệ sĩ chúng tôi từ tỉnh lên, toàn ở trọ, mà ở trọ ngắn hạn thì làm sao có tạm trú dài hạn tại một địa chỉ để làm KT3, không KT3 thì làm sao hộ khẩu, bởi vậy có yêu hộ khẩu thì cũng khó có được nàng lắm...". Vậy nên bây giờ cứ ca bài Không thôi. "Cụ thể là gì, thưa anh?", anh cười: "Cụ thể là không có xe (vì xe để người khác đứng tên), không có nhà (nếu có mua nhà cũng nhờ người khác đứng tên luôn) và cuối cùng là không có hộ khẩu".

Nữ diễn viên- người mẫu Đinh Y Nhung

Cái vòng luẩn quẩn ấy họ gỡ không ra. Có diễn viên theo đoàn làm phim tháng này nơi này, tháng khác nơi khác, chẳng biết xin tạm trú dài hạn thế nào, rồi đâm ra ngại thủ tục này nọ, thế là bài ca Không cứ mãi ngân vang. Nam diễn viên Quốc Thái rất chia sẻ tâm tình của các bạn mình khi nói về chuyện hộ khẩu: "Tôi thấy các bạn thuê nhà ở trên này sống rất khó khăn, giấy tờ gì làm cũng khó hết, phải chạy về quê, mà có khi quê là ở ấp, ở  thôn chứ không được ở xã nữa, cứ chờ đợi và mất nhiều thời gian, công sức lắm".

Anh Lê M., diễn viên, đang làm phó đạo diễn bộ phim Nghề báo đã kể cho chúng tôi nghe hành trình gian khổ khi anh đi  xin KT3: "Tìm được chỗ ở cũng ổn định, tôi mới xin KT3, đi tới đi lui khoảng 15, 16 lần gì đó, mình đâu có rành hết mọi thứ về giấy tờ nhưng buồn nhất là  có khi chỉ sai một lỗi nhỏ cũng bị bắt về làm lại cả bộ hồ sơ. Thay vì vậy, cán bộ hướng dẫn cứ nói hết những cái sai đi, đằng này không, cứ  bắt mình cứ đi đi lại lại như vậy, cũng may là lúc đó tôi rảnh nên mới đi chầu chực được, chứ nếu như bận rộn như bây giờ thì... tôi chết". Cũng như nhiều người ở tỉnh lên,  anh đang đợi cho đến khi đủ thời gian tạm trú theo KT3 (3 năm) tại ngôi nhà của mình thì xin nhập hộ khẩu. Nữ diễn viên Đinh Y Nhung kể chuyện dở khóc dở cười của mình: "Lần đó, tôi đi quay phim liên miên nên không kịp về quê ở Quảng Ngãi xin gia hạn giấy tạm vắng tạm trú, công an đến xét nhà tôi ở thuê, tôi sợ bị phạt quá, chẳng biết làm sao, liền xin các anh cho tôi thời gian để về quê xin giấy, may mà các anh thông cảm. Giá mà tôi có hộ khẩu thì tôi đâu phải hết hồn như vậy".

Đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung cho biết trước khi nhập hộ khẩu theo diện gia đình, anh cũng ở trọ từ nơi này đến nơi khác, ở TP.HCM hơn chục năm, anh chuyển gần hai chục chỗ trọ, cũng để phục vụ công việc của mình thôi. Anh còn nói thêm là diễn viên hiếm có biên chế, ổn định, họ làm việc theo hợp đồng từng phim là chủ yếu, bởi vậy, chuyện ở lâu dài một địa chỉ suốt 3 năm để được công an xác nhận đủ thời gian quy định cho việc nhập  hộ  khẩu là rất  khó, nhất là với những người chưa mua được nhà.

Thúy Nga (bìa trái) trong tiểu phẩm Sen - ảnh: Đ.N.Thạch

"Dù không có hộ khẩu nhưng chúng tôi vẫn hết lòng cống hiến cho thành phố” -  Đó là tâm sự chung của nhiều nghệ sĩ khi họ trả lời chúng tôi về  ảnh hưởng của hộ khẩu đến công việc của họ tại TP.HCM. Anh D.T, một nhạc sĩ hòa âm, đồng thời cũng là bố của một ngôi sao nhí cho biết: "Chúng tôi chuyển về đây đã hơn 6 năm, trước thì ở nhờ nhà người quen, nay có nhà cũng vẫn làm công dân KT3 thôi, tôi cũng không quan tâm đến chuyện hộ khẩu nữa, chúng tôi vẫn sống và cống hiến hết mình cho thành phố, mặc dù vẫn phải chịu những thiệt thòi nhất định". Còn một nhà văn trẻ giấu tên thì lại một lần nữa thắc mắc điều mà nhà thơ Thanh Thảo từng thắc mắc: "Tại sao chúng tôi là người Việt lại nhập cư trên chính quê hương đất Việt của mình? Ở trọ, chúng tôi phải trả giá điện với mức 2.000đ/kw, nước giá 8.000đ/m3 và còn bao nhiêu thiệt thòi vô tình và hữu ý khác. Nhưng không sao, chúng tôi vẫn sống cho mảnh đất này".

Nghệ sĩ cũng là công dân, họ cũng chấp hành luật pháp như mọi công dân khác và suốt quá trình thực hiện bài viết này chúng tôi nhận thấy một điều là họ đành chấp nhận những khó khăn do việc không có hộ khẩu gây ra. Thế nhưng: "Điều làm tôi lo nhất là mai mốt con tôi đi học, tôi không biết cháu có vào được các trường không đòi hộ khẩu không, ước vọng của chúng tôi khi nhập hộ khẩu cũng là để chính danh mà hoạt động nghề nghiệp, để bớt phiền toái khi làm các thủ tục này nọ. Chị thử tưởng tượng xem, chúng tôi được đi lưu diễn mà chỉ loay hoay làm thủ tục giấy tờ tận quê thì chẳng biết đến giờ nào mới xong", một diễn viên điện ảnh đã nói thật như thế.  Còn diễn viên Y Nhung thì chỉ mơ ước: "Thời gian cư trú KT3 ngắn lại để tôi được nhập hộ khẩu sớm, tôi đã đến thành phố này 5 năm nhưng mới vào được KT3 và phải đợi thêm 3 năm nữa mới có hộ khẩu".

TP.HCM là nơi đất lành chim đậu, nơi dang rộng vòng tay đón mọi người dân về hội tụ sinh sống và phát triển. Mỗi một nghệ sĩ đến với vùng đất này, ngoài việc mưu sinh, họ còn đóng góp vào sự phát triển văn hóa của thành phố. Chính sách hộ khẩu dù đã cởi mở  nhiều nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ. Hơn thế nữa, những đặc trưng riêng của ngành nghề cũng tạo ra nhiều vướng mắc đối với việc các nghệ sĩ gia nhập hộ khẩu thành phố. Hẳn là mọi người đều mong rằng họ sẽ không phải hát bài Không như nghệ sĩ hài ở phần đầu bài viết. Xin được mượn lời một nam diễn viên để kết thúc bài viết này: "Chúng tôi yêu thương nơi đây như quê hương thứ hai của mình và chúng tôi cũng mong được thành phố này dang rộng vòng tay như mẹ đón con vào lòng, xin hãy tạo điều kiện để chúng tôi được cống hiến hết mình vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật ở đây".

Nỗi niềm hộ khẩu

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần -  gương mặt tiêu biểu của thành phố vẫn chưa có hộ khẩu

Tôi cũng đang mệt mỏi về vấn đề nhập hộ khẩu đây. Thời gian trước tôi vào học Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, "cắt" hộ khẩu vào trường. Tôi tốt nghiệp ra trường rồi đi làm, cái hộ khẩu cứ chênh vênh không có chỗ "định cư". Sau 10 năm, tôi quyết định nhập hộ khẩu trở về Bình Thuận. Bây giờ, tôi đã mua được một căn hộ chung cư ở thành phố nhưng vẫn chưa được nhập hộ khẩu vì vẫn còn chờ đợi thủ tục hợp thức hóa ngôi nhà. Thủ tục này tốn cũng khá nhiều tiền nên tôi còn phải chờ... Thí dụ trường hợp tôi không có tiền thì sao? Đành phải chờ 10 năm hay bao nhiêu năm nữa đến khi tôi có đủ tiền. Rồi đến đời con của chúng tôi, không có hộ khẩu thì chúng sẽ đi học như thế nào đây? Mà tôi thấy có một "nghịch lý" như thế này, tôi chưa phải là người dân thành phố nhưng tôi vẫn được chọn là một trong mười gương mặt tiêu biểu của thành phố. Theo tôi nghĩ, Nhà nước có thể thay đổi, không cần thiết quản lý người dân dựa trên hộ khẩu mà nên dựa vào giấy chứng minh nhân dân như một số nước. Mình là công dân Việt Nam, mình có thể đi bất cứ nơi đâu, ở bất cứ nơi nào trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà không cần giấy tờ rườm rà về tạm trú hay tạm vắng... Điều này hoàn toàn hợp lý.

Nhà văn Trần Nhã Thụy:  Nhà không có số vì không có hộ khẩu

Tôi sống ở TP.HCM từ năm 1991, hiện nay tôi vẫn chưa có hộ khẩu, chỉ có KT3. Mà tôi thấy rất vô lý. Có người dân sống ở đây mấy chục năm, có đóng góp nhiều cho thành phố mà vẫn chỉ mới là tạm trú trong khi ở địa phương, chính quyền không hề quản lý những hoạt động của họ mà lại là thường trú. Tôi chưa đi làm hộ khẩu nên không rõ là các thủ tục có phức tạp hay không, riêng vào KT3 thì tôi thấy không khó khăn lắm, chỉ cần người chịu đứng ra bảo lãnh (cái này nhờ vào các mối quan hệ thân thiết). Điều kiện nhập hộ khẩu trước tiên thì phải có nhà, mà hiện nay giá một ngôi nhà thành phố cho người có thu nhập thấp đã là 300 - 400 triệu, không có tiền mua nhà thì người dân có ở thành phố, đóng góp cho thành phố đến mấy mươi năm vẫn chưa được công nhận là công dân của thành phố. Hiện nay tôi cũng mua được một ngôi nhà nhưng vì chưa có hộ khẩu nên... nhà vẫn chưa có số, mua nhà chỉ bằng giấy tay. Điều này không ổn lắm. Tôi nghĩ nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được nhập hộ khẩu, chỉ cần có việc làm ổn định và có thời gian nhất định sống và đóng góp cho thành phố. Thế là được rồi.

Nhà thơ Phan Hoàng: Đợi "cơn sốt hộ khẩu" lắng xuống cái đã

Từ quê Phú Yên, tôi vào TP.HCM học đại học từ năm 1987, cho đến nay tôi chỉ mới có KT3 chứ vẫn chưa có hộ khẩu. Ngoài thẻ nhà báo ở Hội Nhà báo và thẻ hội viên của Hội Nhà văn TP.HCM tôi không có bất cứ giấy tờ cá nhân nào liên quan đến TP. Tôi thấy những thủ tục nhập hộ khẩu TP khá rắc rối, thêm vào đó, do bận bịu với công việc nên tôi cũng không quan tâm đến lắm. Có một thời, hộ khẩu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, không có hộ khẩu thì mình như... tội phạm,  nhưng hiện nay, vấn đề hộ khẩu không có tác dụng đến mức trầm trọng như thế. Có một rắc rối như thế này, theo nguyên tắc của Hội Nhà văn TP thì trước đây muốn vào hội thì phải có hộ khẩu TP nhưng hiện nay thì thoáng hơn rồi, chỉ cần có KT3. Vấn đề  hộ khẩu đang lên cơn sốt, nếu tôi có muốn vào thì cũng phải đợi qua cơn sốt này dịu xuống đã. Mà theo tôi thì cũng nên xóa đi vấn đề hộ khẩu, cũng chỉ quản lý trên giấy chứng minh nhân dân như Trung Quốc, Nga... Chuyện hộ khẩu đôi khi làm nảy sinh ra nhiều vấn đề tệ nạn, bên cạnh đó nó tạo thành rào cản cho sự phát triển dân trí. Tại sao đặt ra quy định con em chúng ta phải có hộ khẩu TP mới được vào học trường công, còn không có thì phải chịu vào trường dân lập? Đặt trường hợp người dân không có tiền thì làm sao đủ sức cho con vào học trường dân lập trong tình trạng học phí ngày càng có chiều hướng tăng chứ không giảm?

  Minh Hoa  (ghi)

Những người “may mắn”

Nghệ sĩ hài Thúy Nga: Phải làm nhiều giấy lắm mới có hộ khẩu

Tôi vừa có hộ khẩu hồi tháng 3.2005, làm mất gần một năm. Sở dĩ kéo dài như vậy vừa vì giấy tờ thủ tục nhiều quá, vừa do công việc của tôi không thuận tiện lắm về thời gian. Không biết người khác làm ra sao, nhưng khi tiếp xúc với tôi, mấy anh cũng khá vui vẻ và dễ chịu, chắc bị... ảnh hưởng tính hài hước của mình. Nói dễ vậy chứ đôi lúc cũng thấy bực mình và đau đầu lắm. Lúc làm hộ khẩu, người ta đòi phải có sổ đỏ, vậy là để lại đó, đi lo giấy chủ quyền trước đã. Qua chỗ làm giấy chủ quyền, họ lại kêu không có hộ khẩu thì không làm được! Cũng may là nhà tôi mua do người anh đã có hộ khẩu đứng tên, nên tôi đã nhờ ảnh lo giùm cái "vụ" rắc rối đó. Nhưng vẫn chưa xong được. Họ lại đòi tiếp giấy chứng nhận nghề nghiệp, công việc tại TP.HCM, mà tôi là diễn viên hoạt động tự do thì lấy đâu ra giấy đó. Lại đợi và tiếp tục làm giấy. Cuối cùng thì tôi cũng có có giấy phép kinh doanh - tôi đứng tên nhưng thuê người khác làm, và cũng cầm được quyển hộ khẩu. Dân tỉnh đến Sài Gòn lập nghiệp thì ai chẳng ước mơ một ngày nào đó sẽ mua được nhà và có hộ khẩu.

NSƯT - họa sĩ Lê Trường Tiếu: Cầm được hộ khẩu thật là "đã"


NSƯT Lê Trường Tiếu (đứng) và tổ thiết kế mỹ thuật DDVN 14

Trước đây (năm 1980) tôi có hộ khẩu đàng hoàng, nhưng vì công việc, tôi... bỏ địa phương đi nhiều quá mà lại không xin phép tạm vắng nên chính quyền địa phương cắt hộ khẩu lúc nào không biết. Sau đó, tôi cũng đến xin làm lại, rồi nhờ "người này người kia" làm mấy lần nhưng không được. Thấy mệt quá, và nghĩ chắc cũng không ảnh hưởng gì lắm nên thôi, không làm nữa. Vả lại lúc đó, do khó khăn nên má tôi bán nhà, rồi cứ ở nhà thuê mãi, nên mọi người không còn quan tâm đến hộ khẩu làm gì. Thiệt thòi lúc đó của người không có hộ khẩu là không được lãnh gạo ở địa phương hằng tháng. Cũng có nhiều lần công an đến xét hỏi giấy tờ này nọ; lúc khai tên, anh công an nói thấy tên tôi quen quen, hình như mới xuất hiện trên ti vi, rồi cũng... không làm khó nữa. Đến năm 2001, tôi có được nhà riêng; rồi được phong NSƯT. Tôi quyết định đi làm lại hộ khẩu, tích cực lo lắng; nhưng người ta cứ dè dặt thế nào ấy, giống như hồ sơ giấy tờ của tôi có vấn đề gì đó, không thể làm được. Tới lui mấy lần đều bị từ chối, lại chán, nên tôi bỏ luôn. Không có hộ khẩu, khi mua xe gắn máy tôi cũng đâu làm bằng lái được. Lúc nào ra đường cũng nơm nớp lo sợ. May mắn là mới đây, tôi có chuyến công tác ra nước ngoài và các cơ quan chức năng đã giúp tôi "giải quyết" khâu giấy tờ, một cách nhanh chóng. Cái cảm giác lúc cầm được sổ hộ khẩu trên tay thật là “đã”, thấy người như nhẹ đi mấy ký vì được làm một người công dân đường đường chính chính.

Nhà văn Nguyễn Thu Phương:  Mong thủ tục  cấp hộ khẩu sẽ đơn giản hơn

Tôi quê Bình Dương, nhưng sinh ra ở Hà Nội. Ba tôi là bộ đội tập kết từ năm 1954, trở về Nam tháng 9.1975. Năm tháng sau, ba đón mẹ con tôi vào. Tôi nhập hộ khẩu theo ba mẹ.  Tôi xin kể ra ba trường hợp nhập hộ khẩu hiện nay mà tôi biết. Tôi có một cô bạn gái, cách nay mười năm đã quyết định lấy chồng chỉ vì chồng cô có... hộ khẩu thành phố. Lấy anh ấy, cô sẽ được nhập hộ khẩu, sẽ tìm được một công việc tốt. Chuyện nghe cứ như đùa. Nhưng cách nay một năm, một cậu bạn khác lại gọi điện để hỏi tôi: có biết cách nào... "chạy hộ khẩu thành phố" không. Cậu bạn đó cũng đang rất cần chi tiết ấy để bổ sung hồ sơ xin việc ở một cơ quan nhà nước... Và gần đây nhất, cậu em chồng tôi vừa nộp hồ sơ xin xét cấp hộ khẩu. Cậu ấy từng là "nạn nhân" của việc mua nhà giấy tay, dù đã nhập cư trên mười năm và có việc làm ổn định ở thành phố trên năm năm, nhưng vẫn không đủ chuẩn để nhập hộ khẩu trong những đợt cấp xét trước. Con của cậu ấy đã sinh ra và lớn lên mà không được hưởng những phúc lợi của xã hội, chỉ vì những phúc lợi ấy "gắn chặt" với cái hộ khẩu. Theo những thông tin được đăng tải trên báo chí thời gian gần đây, tôi thấy thủ tục nhập hộ khẩu thành phố đã đơn giản đi rất nhiều. Chỉ mong thực tế việc cấp xét sẽ diễn ra thuận lợi đúng như vậy.

N.VN - M.HOA (ghi)

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.