Cần quan tâm đến mộ phần của nữ anh hùng

21/08/2013 09:41 GMT+7

Ở huyện vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị), khi nhắc đến cái tên Lê Thị Tuyết, người ta đều không khỏi xót xa lẫn tự hào. Bởi đó là cái tên của một người nữ anh hùng của mảnh đất này. Nhưng giờ đây, mộ phần của người mang tên ấy đã xập xệ, xuống xấp.

Ở huyện vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị), khi nhắc đến cái tên Lê Thị Tuyết, người ta đều không khỏi xót xa lẫn tự hào. Bởi đó là cái tên của một người nữ anh hùng của mảnh đất này. Nhưng giờ đây, mộ phần của người mang tên ấy đã xập xệ, xuống xấp.

Chị Tuyết sinh năm 1949 ở thôn Duân Kinh (xã Hải Xuân, H.Hải Lăng). Bố chị là ông Lê Quang Chư cũng là liệt sĩ thời chống Pháp. Mang trong mình dòng máu kiên trung như cha, chưa đến tuổi cập kê chị đã thoát ly theo cách mạng. Chị từng tham gia hoạt động hợp pháp, bất hợp pháp cùng anh em cán bộ xây dựng cơ sở bí mật móc nối đường dây liên lạc nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Đến khoảng 1967, chị Tuyết là y tá của huyện đội Hải Lăng. Ngày ấy, dấu chân chị in khắp rú Thi Ông và những vùng trằm lầy lội bên dòng Vĩnh Định, chăm lo cho các thương binh sau những cuộc nổ súng. Đến tháng 7.1968, chị Tuyết bị địch bắt. Cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn rùng mình trước sự tra tấn của giặc dành cho người y tá kiên trung này. Chúng đã trói chị vào gốc mít rồi lần lượt xẻo tai, cắt vú, mổ bụng moi gan nhưng chị Tuyết vẫn như đá sỏi, không chịu hé một lời.  Đến gần 3 ngày sau khi chị hy sinh, khi bọn lính rút đi, người thân và dân làng mới có thể đưa thi thể chị về mai táng.

Cần quan tâm đến mộ phần của nữ anh hùng
Mộ phần chị Tuyết đã nhỏ bé nay còn xuống cấp nhanh chóng và thấp, xập xệ so với những ngôi mộ khác - Ảnh: Nguyễn Phúc

Ghi nhận công trạng cũng như sự hy sinh ấy, ngày 22.7.1997, chị  Tuyết được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cho đến tháng 1.2000, cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị Tuyết mới đắp được cho chị một cái lăng với vỏn vẹn 3 triệu đồng. Hơn 13 năm trôi qua, nơi yên nghỉ của người anh hùng đã xuống cấp đến tội nghiệp. Xót xa, ông Lê Quang Huy (76 tuổi), một người anh họ hàng của chị Tuyết đã đứng đơn cầu cứu nhiều cơ quan ban ngành để mong mọi người “làm điều đúng với chị Tuyết”. “Lăng bây giờ bị lún sâu dưới cát và trở nên rất thấp. Mỗi mùa mưa nước từ chỗ cao chảy về nơi Tuyết nằm. Gia đình muốn nâng bia mộ nhưng không mấy ai có nhiều bạc tiền đành lực bất tòng tâm”, ông Huy than  thở.

Một ngày tháng 7, PV Thanh Niên đã có mặt và thắp nén hương thơm lên mộ phần của chị Tuyết cũng không khỏi xót xa. Ngôi mộ của người anh hùng đã nhỏ bé nay còn xập xệ, lọt thỏm giữa trung điệp lặng mộ sừng sững, hoành tráng của những người bình thường. Ai cũng nói là anh hùng đôi khi phải khiêm nhường, nhưng sao suốt đời chị đều phải vậy... Ông Lê Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hải Xuân buồn rầu nói: “Tiêng tăm như chị Tuyết, cả huyện ni há được mấy người. Nhưng giờ mộ phần chị tội nghiệp ri nếu không sửa về sau càng thương nữa.”.

Cũng với tấm lòng của thế hệ đi sau dành cho người hy sinh vì đất nước, anh Nguyễn Trường An, Bí thư Huyện đoàn Hải Lăng nói đầy tâm huyết: “Chắc chắn chúng tôi sẽ phát động một cuộc quyên góp để làm lại lăng cho chị Tuyết nhưng sợ cũng không được bao nhiêu. Chúng tôi thực mong một cá nhân đơn vị nào đó cùng đồng hành với chúng tôi trong công việc này. Tuổi trẻ huyện Hải Lăng nếu không có của thì sẽ góp công để cáng đáng. Bởi đây sẽ là dịp giáo dục truyền thống không thể quý giá hơn”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.