Giải oan "án vượt biên"

16/06/2013 03:20 GMT+7

Cách đây 31 năm, một tàu chở hàng cùng 8 thủy thủ mất tích trên biển và bị quy kết vượt biên. Đến nay, sự việc được kết luận lại nhưng cơ quan chức năng chậm chi trả tiền chế độ khiến người thân họ thêm mòn mỏi.

 31 năm qua, người nhà các thuyền viên mất tích sống trong khổ sở
31 năm qua, người nhà các thuyền viên mất tích sống trong khổ sở - Ảnh: T.Q.N

9 người mất tích

Lật lại hồ sơ, tháng 2.1982, tàu BTT-07 của Công ty vận tải thủy Bình Trị Thiên (nay đã giải thể) chở hàng từ cảng Hải Phòng vào Nha Trang, trên tàu có 9 người gồm: Lê Thành Bùi (thuyền trưởng, ở Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình); Trần Mạnh Hà (thuyền phó, ở Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình); Trần Văn Thanh (máy trưởng, ở Nghi Lâm, Nghi Lộc, Nghệ An); Dương Thanh Hải (thợ máy, ở Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình); Phan Đức Thuần (thuyền viên, ở Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình); Nguyễn Xuân Ngẫu (thuyền viên, ở Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình); Nguyễn Ngọc Hới (thuyền viên tàu BTT-28, ở Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình); Võ Vĩnh Viễn (thuyền viên tàu BTT-18, ở Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình); Hồ Minh Sơn (ở Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Trong đó, 2 ông Hới và Viễn cũng là người của Công ty vận tải thủy Bình Trị Thiên, lúc đó đang tham gia sửa chữa tàu tại Hải Phòng được lệnh của công ty theo tàu BTT-07 về đơn vị; còn ông Sơn chỉ đi theo tàu.

Trên đường đi thì tàu bị mất tích cùng các thuyền viên. Kể từ đó, cuộc sống của người thân họ lâm cảnh lầm than, mòn mỏi chờ đợi mà không một dòng tin tức. Người thân của họ tin rằng chiếc tàu đã gặp nạn trên biển vì tàu vừa sửa chữa và khi xuất bến vài hôm thì có đợt gió mùa mạnh.

Án oan “vượt biên”

Nhưng ngày 25.8.1986, ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó, ký Công văn số 342/PA17 có nội dung: “Lê Thành Bùi và đồng bọn đã lợi dụng tàu của nhà nước tổ chức trốn ra nước ngoài trái phép, đáng ra phải bị truy tố trước pháp luật. Vì vậy chúng tôi không thể có một chính sách chiếu cố nào đối với thân nhân của những người trên tàu BTT-07”.

Cũng vì “án vượt biên” đó mà thân nhân những người mất tích chịu bao oan nghiệt, bị đối xử ghẻ lạnh, xa lánh, gây khó dễ đủ đường. Ông Nguyễn Trọng Hòa (em trai ông Hới) bị công ty đình chỉ công việc; còn vợ và hai con của ông Hới phải vào miền Nam sinh sống. Con của ông Bùi, người thì hoãn kết nạp Đảng, người lại không được ký giấy đi thi đại học.

Mang nỗi oan ức đó, thân nhân các thuyền viên đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng khiếu nại. Sau khi vào cuộc, Thanh tra Bộ Công an kết luận: “Tàu BTT-07 mất tích cùng các thuyền viên trên tàu, đến nay chưa rõ nguyên nhân. Không có tài liệu nào cho thấy các thuyền viên tàu BTT-07 đã trốn ra nước ngoài. Vì vậy, việc Công an tỉnh Bình Trị Thiên ra Công văn 342/PA17 là không có căn cứ”.

Và ngày 22.6.2009, Bộ Công an có Quyết định số 1755/BCA-V24 với nội dung: “Hủy Công văn số 342/PA17 của Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm tổ chức công bố công khai quyết định này và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách đối với thuyền viên tàu BTT-07 theo quy định”. Tuy nhiên, việc giải quyết không hề đơn giản, mặc dù thân nhân những người mất tích rất nhiều lần khiếu nại, các cơ quan chức năng cũng ra nhiều văn bản trả lời.

Mới đây nhất, ngày 15.4.2013, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bảo hiểm xã hội VN chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện chi trả các chế độ từ dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Thế nhưng cho đến nay, thân nhân các thuyền viên vẫn chưa nhận được bất cứ chế độ gì.

Trương Quang Nam

>> Hai thuyền viên mất tích trên biển
>> Tàu cát va chạm tàu biển, một thuyền viên mất tích
>> Tàu cá bị đâm chìm, một ngư dân mất tích
>> Một phụ nữ mất tích trên sông Hàn
>> Tàu cá Thanh Hóa bị đâm, 2 ngư dân mất tích
>> Một thuyền viên mất tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.