Số tiền nhỏ, hậu quả lớn

04/05/2012 04:48 GMT+7

Nộp hồ sơ tại “một cửa” nếu không có 50.000 đồng kẹp trong bộ giấy tờ, sẽ có thể bị từ chối nhận không rõ lý do, hoặc nếu không muốn chịu đựng bộ mặt, lời nói khó chịu của nữ nhân viên tiếp nhận hồ sơ xinh đẹp...

Nộp hồ sơ tại “một cửa” nếu không có 50.000 đồng kẹp trong bộ giấy tờ, sẽ có thể bị từ chối nhận không rõ lý do, hoặc nếu không muốn chịu đựng bộ mặt, lời nói khó chịu của nữ nhân viên tiếp nhận hồ sơ xinh đẹp; vào bệnh viện, muốn “tiêm không đau” phải đưa y tá 10.000 đồng, muốn được mổ sớm thì chi 2 triệu; trong quy hoạch, dự án có thể chỉ tối đa 9 tầng, nhưng nếu nhà đầu tư “biết điều” thì có thể được nâng tầng, được tạo thuận lợi trong quá trình làm thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng… Đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ của việc tham nhũng vặt ở ta. Ở một nơi như trường học thì nạn tham nhũng vặt cũng diễn ra dưới nhiều hình thức, từ chạy trường, chạy lớp, đến gian lận tuyển sinh.

Trong khi Đảng, Chính phủ đang nỗ lực chống tham nhũng, chủ yếu tập trung vào những vụ án lớn thì nạn tham nhũng vặt hằng ngày hằng giờ tác động đến đời sống của người dân và bào mòn uy tín của nền hành chính công. Và điều đặc biệt nguy hại là tham nhũng vặt dường như đang tạo cho cả xã hội một thái độ thỏa hiệp, mọi người để được việc đều xem đó là chuyện bình thường hơn là nhìn nhận như một hành vi vi phạm pháp luật.

Theo một báo cáo từng được công bố năm 2011 cũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP), có đến 90% người được hỏi, trả lời bị ảnh hưởng bởi tham nhũng nhưng lại lựa chọn việc “không tố cáo hành vi tham nhũng”. Lý do người dân chọn sự im lặng thì có nhiều nhưng cơ bản do sợ bị trả thù hoặc không rành về thủ tục tố cáo. Hơn nữa, tham nhũng vặt hiện nay có liên quan đến tội nhận hối lộ và đưa hối lộ. Theo bộ Luật Hình sự, nếu xử lý hối lộ thì đồng thời xử lý cả người nhận và đưa hối lộ. Cho nên việc người đưa hối lộ tự giác tố cáo là rất ít mặc dù đã có chính sách giảm nhẹ nếu khai báo trước khi bị phát hiện nhưng không mấy hiệu quả.

Điều đặc biệt của tham nhũng vặt là số tiền tham nhũng không lớn, nhưng lại xảy ra thường xuyên, trên diện rộng. Do vậy, việc phát hiện các vụ án lớn có thể khiến dư luận quan tâm nhưng người dân bình thường lại được lợi nhiều hơn nếu tham nhũng vặt được xóa bỏ. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, giải quyết tình trạng tham nhũng vặt trong hành chính công không khó nhưng cần có thời gian và quyết tâm. Minh bạch trong quá trình giải quyết và cung cấp dịch vụ công là chìa khóa cho thành tích chống tham nhũng ở một số nước châu Á. Chỉ bằng việc thực hiện chính phủ điện tử, vi tính hóa các hồ sơ tòa án khi giải quyết hồ sơ tồn đọng, kiểm toán xã hội trong việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông thôn đã khiến Ấn Độ trở thành “điểm sáng” về chống tham nhũng trong khu vực.

Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để có thể thay đổi thói quen, nếp nghĩ của người dân trước những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Thay vì sẵn sàng thỏa hiệp, tiếp tay cho tham nhũng vặt, người dân và các tổ chức đoàn thể cần có thái độ kiên quyết, không biến nó thành một thứ “văn hóa” trong xã hội.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.