Làm sao để không có những "làng ung thư"?

26/12/2006 23:01 GMT+7

Thời gian gần đây xuất hiện thông tin về sự tồn tại của những "làng ung thư" mà nguyên nhân gây bệnh bị cho là có liên quan đến môi trường sống. PGS.TS Nguyễn Khắc Hải (ảnh), Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường cho biết:

- "Làng ung thư" chỉ là cách gọi của người dân, các phương tiện thông tin đại chúng khi đưa tin phản ánh về những địa phương có số người mắc ung thư cao. Thực tế, chưa có định nghĩa chuyên môn chính thức nào về "làng ung thư". Tuy nhiên, trước các thông tin về việc xuất hiện "làng ung thư" ở Thạch Sơn (Phú Thọ), Bộ Y tế đã cử các chuyên gia xuống tận nơi xem xét và giao cho Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường thực hiện đề tài nghiên cứu về hiện tượng này. Vì vậy, đến thời điểm này, các cơ quan chuyên môn chưa thể đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân gây ung thư tại "làng ung thư" và cũng chưa khẳng định đây là "làng ung thư" cả về nguyên nhân gây bệnh cũng như thống kê chính thức về số người.

Theo thông tin ban đầu chúng tôi nắm được thì tỷ lệ mắc ung thư tại đây khoảng 100/100.000 dân, cũng không cao hơn so với tỷ lệ của một số tỉnh/thành phố khác. Nhưng chúng tôi cũng được biết, từ 20 năm trước, một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Y đã thực hiện một nghiên cứu tại khu vực này. Sau đó, nhóm nghiên cứu có đưa ra khuyến cáo: nên di dời tất cả người dân ra khỏi khu vực Nhà máy Lâm Thao. Tuy nhiên, khuyến cáo này đã không được thực hiện. Nhà máy này đã được xây dựng cách đây 40 năm, hiện nay công nghệ sản xuất đã được đổi mới. Vì vậy, một trong những vấn đề nghiên cứu của chúng tôi lần này là xem xét có hay không việc ô nhiễm môi trường công nghiệp lâu năm từ chất thải công nghiệp do bãi thải nguyên liệu và nếu có thì ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe cộång đồng.

* Gần đây, các nhà khoa học đã cảnh báo về bệnh do môi trường (nhiễm độc kim loại nặng từ một số cơ sở sản xuất, do khai thác khoáng sản...). Vậy, những giải pháp cần thiết nào để bảo vệ sức khỏe người dân?

- Ông Nguyễn Khắc Hải: Hiện chưa có kết luận về nguyên nhân gây ung thư cũng như khẳng định về số mắc ung thư cao bất thường tại những "làng ung thư" như báo chí nêu. Tuy nhiên, với những nơi có thông tin phản ánh về những hiện tượng "bệnh lạ" hay hiện tượng cùng một bệnh nhưng có nhiều người mắc thì trước hết chính quyền địa phương cần vào cuộc ngay. Nên tiến hành thu thập số liệu, lấy mẫu xét nghiệm; khám kiểm tra sức khỏe cho người dân trong vùng. Ngay cả khi không có hiện tượng bất thường, cũng cần thông tin rõ để người dân yên tâm.

Về lâu dài, trước khi cấp phép cho một nhà máy, cần đánh giá tác động môi trường từ giai đoạn tiền khả thi, để phòng tránh ô nhiễm khi đi vào hoạt động tác động xấu đến môi trường và sức khỏe. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần nâng cao ý thức cho người dân tự phòng tránh cho mình. Vì có trường hợp, nhà máy xây ban đầu xa khu dân cư, nhưng lâu dần các khu nhà dân lại được xây lên gần nhà máy. Đặc biệt là tại các vùng khai khoáng tự phát, người lao động không có bảo hộ, các phương tiện hỗ trợ, rất dễ bị nhiễm độc kim loại nặng. Một số điều tra của Viện cho thấy, các chỉ số sức khỏe của người dân vùng khai thác: vàng, măng-gan, thiếc đều kém hơn so với cư dân vùng khác; một số dân cư có hàm lượng chì thủy ngân trong máu quá giới hạn cho phép hoặc thiếu vitamin, thiếu yếu tố vi lượng. Tỷ lệ mắc một số bệnh cơ xương khớp, hô hấp, tim mạch, tâm thần... tại các vùng này cũng cao hơn.

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.