Ấn tượng Israel tại triển lãm hàng không châu Á

13/02/2014 09:00 GMT+7

Máy bay không người lái, radar và tên lửa từ Israel là những thiết bị phòng không nổi bật tại triển lãm hàng không đang diễn ra tại Singapore.

Máy bay không người lái, radar và tên lửa từ Israel là những thiết bị phòng không nổi bật tại triển lãm hàng không đang diễn ra tại Singapore. 

 Ấn tượng Israel tại triển lãm hàng không châu Á 1
UAV Super Heron HF thu hút sự chú ý đặc biệt tại triển lãm - Ảnh: Andrew West

Tiềm lực tài chính dồi dào trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm trong mấy năm qua tiếp tục cho phép quốc gia 8 triệu dân này đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ quốc phòng. Sự hiện diện với một không gian rộng rãi, hào nhoáng tại triển lãm phần nào đã thể hiện sự hùng mạnh và trình độ cao cấp của nền công nghiệp quốc phòng Israel.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp không gian Israel (IAI) Joseph Weiss tự tin nói rằng IAI “chịu tác động ít” bởi suy thoái kinh tế. Tại Singapore Airshow 2014 này, IAI lần đầu tiên trình làng máy bay không người lái (UAV) Super Heron HF, sản phẩm cải tiến mạnh mẽ từ dòng UAV Heron 1 vốn được ưa chuộng rộng rãi cho sứ mệnh do thám kéo dài và ở tầm cao trung bình. Chiếc Super Heron HF được trưng bày ngoài trời trong một không gian trang trọng, bao quanh bởi quốc kỳ của hơn 20 quốc gia sử dụng máy bay Heron, là điểm thu hút nhất trong số các thiết bị hàng không mà hơn 700 công ty trên thế giới mang đến Singapore. IAI cho biết Super Heron HF dùng 4 động cơ nhiên liệu nặng cho phép máy bay cất cánh với khối lượng nhiều hơn, tăng độ cao nhanh hơn và bay nhanh hơn. Bên cạnh đó, các thiết bị phụ trợ như các bộ cảm ứng, radar, ăng ten đều được nâng cấp ở mức “ấn tượng”.

Nhưng Super Heron HF chưa phải là sản phẩm UAV duy nhất của Israel. Khu triển lãm trong nhà cũng nổi bật với chiếc Hermes 900 của Elbit Systems, “đồng hương” của IAI. Hermes 900  ra đời cách đây 4 năm, và trở thành sản phẩm “cạnh tranh gay gắt trên từng phương diện với Heron”, Giám đốc marketing của Elbit Systems, ông Ronen Dan nói với Thanh Niên. “Công bằng mà nói, Hermes 900 nhìn tinh xảo và vững chãi hơn Super Heron”, một khách tham quan nói với Thanh Niên. Tuy nhiên, với tiềm lực mạnh mẽ và “không ngừng cách mạng”, Chủ tịch Joseph Weiss của tập đoàn có quan hệ chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Israel không ngần ngại tuyên bố: “IAI đã có kế hoạch dẫn đầu thị trường UAV thế giới trong nhiều thập niên tới”. Ông Weiss cũng nhận định, nhu cầu sắm UAV cho các mục đích dân sự cũng như các sứ mệnh khẩn cấp trên thế giới đang ngày càng gia tăng, đặc biệt từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chưa hết, IAI cũng mang tới Singapore thiết bị radar chống rocket và hỏa lực ELM-2311 tinh xảo, vốn cũng là thế mạnh của tập đoàn có 20% doanh thu đến từ quốc phòng nội địa này.

Ấn tượng Israel tại triển lãm hàng không châu Á 2
Camcopter S-100 của Áo được khách hàng từ Đông Nam Á quan tâm - Ảnh: Andrew West

Bên cạnh đó, Israel còn để lại ấn tượng mạnh mẽ với các dòng tên lửa họ Spike tinh xảo của Rafael; tên lửa, các loại pháo và bom hạng nặng của Tập đoàn IMI...  

 

Ngoài trưng bày các dòng máy bay hành khách cỡ lớn, hãng Boeing của Mỹ cũng đem tới Singapore trực thăng trang bị súng cải tiến AH-6I. Được mệnh danh là “chú chim nhỏ”, AH-6I được nói là “có vai trò lớn” trong hỗ trợ tác chiến về mặt thời gian. Họ máy bay AH-6 được phát triển từ trực thăng dân sự MD530F và được trình làng đầu tiên tại Singapore Airshow 2010.

Khách hàng châu Á

Bất chấp xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng ở nơi này hay nơi khác, các tập đoàn quốc phòng thế giới vẫn đặt kỳ vọng cao vào nguồn chi đến từ châu Á. Tại Airshow này, hãng Lockheed Martin của Mỹ nhắm tới việc thuyết phục Singapore đặt bút ký mua chiến đấu cơ tàng hình F-35 cũng như nâng cấp phi đội F-16. Theo bản tin của AIN, Tập đoàn BAE Systems của Anh trở lại Singapore Airshow sau 8 năm vắng bóng cũng kỳ vọng thuyết phục nước chủ nhà nâng cấp phi đội F-16 với chi phí thấp hơn.

Trong khi đó, tạp chí IHS Jane's Defence dẫn lời Andrew Byrne, Giám đốc kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Schiebel (Áo) cho hay một số quốc gia Đông Nam Á tỏ ra rất quan tâm đến thiết bị do thám không người lái cánh quạt Camcopter S-100.

Trong số khoảng trên 700 đoàn quan khách từ 45 quốc gia đến tham quan Airshow lần này, Việt Nam cũng có nhiều đoàn quan chức cấp cao. Cao nhất là đoàn của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Hôm khai mạc 11.2, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chứng kiến lễ bàn giao hợp đồng hoàn chỉnh giữa Vietjet Air và Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus về việc mua - bán 91 máy bay A320 trị giá 9,1 tỉ USD.

 

Về phía Bộ Quốc phòng, Thanh Niên đã gặp trực tiếp đoàn của thiếu tướng Vũ Xuân Bình - Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và đoàn của thiếu tướng Nguyễn Kim Cách - Phó chính ủy phòng không không quân. Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách cho biết, trong thời gian thăm Airshow, ông đã chào xã giao với quan chức quốc phòng nước chủ nhà và sẽ gặp gỡ các quan chức đồng cấp từ Mỹ, Israel, Nga và Pháp - những “đối tác tiềm năng về phòng không” của Việt Nam. Ông cũng nói thêm đây là “cơ hội tiếp cận các sản phẩm và kỹ thuật phòng không mới nhất của thế giới”.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> UAV tàng hình tuyệt mật của Anh
>> Viễn cảnh UAV thông minh của Mỹ
>> Mỹ khởi động chương trình UAV thương mại
>> Không quân Mỹ bí mật thử nghiệm UAV tân tiến 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.