Nhiều nước Đông Nam Á chi đậm cho quốc phòng

09/10/2012 08:15 GMT+7

(TNO) Lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sẵn có rủng rỉnh tiền từ những thành tựu kinh tế, nhiều nước Đông Nam Á đang chi đậm cho việc tăng cường năng lực quốc phòng, đặc biệt là hải quân, theo tin tức từ Reuters hôm 8.10.

Đông Nam Á chi đậm cho quốc phòng, đặc biệt là hải quân
Tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia - Ảnh: Reuters

“Kinh tế phát triển cho phép các quốc gia Đông Nam Á mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng để bảo vệ giao thông hàng hải và những đặc khu kinh tế của họ. Hiện xu hướng mua sắm lớn nhất tập trung ở mảng tuần duyên và giám sát hàng hải”, ông James Hardy, biên tập viên tin tức Đông Nam Á của tờ Jane's Defence Weekly (Mỹ), nói.

Danh sách các loại khí tài được mua nhiều nhất bao gồm tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar giám sát và máy bay chiến đấu, cùng với tàu ngầm và tên lửa đối hạm, vốn rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự xâm phạm lãnh hải.

Malaysia hiện đang sở hữu hai tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp và Tây Ban Nha hợp tác sản xuất.

Tàu ngầm thuộc lớp này có khả năng lặn xuống độ sâu 350 m và đạt tốc độ 20,6 hải lý/giờ khi lặn.

Trang bị vũ khí chính của tàu ngầm lớp Scorpene là 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm có thể phóng ngư lôi hoặc tên lửa đối hạm SM-39 Exocet.

Thái Lan đang lên kế hoạch mua tàu ngầm và đã trang bị tên lửa đối hạm RBS-15F cho máy bay chiến đấu Gripen của mình.

Singapore, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, đã sắm chiến đấu cơ F-15SG của tập đoàn Boeing (Mỹ) và hai tàu ngầm lớp Archer của Thụy Điển để bổ sung cho đội tàu gồm bốn chiếc tàu ngầm Challenger của mình.

Indonesia cũng đã đặt mua ba tàu ngầm của Hàn Quốc để nâng tổng số tàu ngầm chiến đấu của mình lên 5 chiếc. Nước này cũng đang hợp tác với tập đoàn quốc phòng của Trung Quốc để sản xuất tên lửa đối hạm C-705 và C-802.

Chi tiêu quốc phòng tăng mạnh

Chi tiêu cho quốc phòng của các nước Đông Nam Á đã tăng mạnh đến 42% trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2011, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đặt tại Thụy Điển.

Indonesia, Campuchia và Thái Lan dẫn đầu trong khu vực về tỷ lệ gia tăng ngân sách quốc phòng, với mức tăng từ 66% đến 82% trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2011, SIPRI cho biết.

Tuy nhiên, quốc gia chi mạnh tay nhất cho quốc phòng tại Đông Nam Á chính là Singapore, với mức chi ngân sách trong năm 2011 lên đến 9,66 tỉ USD, vượt xa Thái Lan (5,52 tỉ USD), Indonesia (5,42 tỉ USD) và Malaysia (4,54 tỉ USD).

Trong khi nhiều nước phương Tây đang phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, thì châu Á hiện đang là địa điểm thu hút các tập đoàn sản xuất vũ khí.

Lockheed Martin (Mỹ) và chi nhánh quốc phòng của Boeing (Mỹ) kỳ vọng châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 40% doanh số bán hàng toàn cầu.

Hoàng Uy

>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Tranh chấp biển đảo có thể gây ra chiến tranh
>> Nga khẳng định không giảm chi tiêu quốc phòng
>> Đông Nam Á thảo luận tăng cường an ninh hàng hải
>> Đại gia vũ khí Đông Nam Á
>> Mỹ dòm ngó các căn cứ quân sự cũ ở Đông Nam Á
>> Cuộc đua tàu ngầm ở Đông Nam Á  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.