Nghề “tắm” thuốc sâu

13/07/2013 10:09 GMT+7

Nếu không quen với thuốc sâu, chỉ cần ngửi mùi sẽ thấy choáng váng mặt mày, nhức đầu, dị ứng… Thế nhưng, không ít người vì mưu sinh đã chấp nhận “tắm” các loại thuốc này.

Nghề “tắm” thuốc sâu

Người anh Hai Ngây cũng ướt đẫm thuốc sâu sau khi xịt xong vườn quýt - Ảnh: An Lạc

Ướt đẫm thuốc sâu

Đi dọc các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Vĩnh Thới (H.Lai Vung, Đồng Tháp), đâu đâu cũng thấy những vườn quýt hồng bạt ngàn chạy dài ngút tầm mắt. Ông Năm Danh, một nhà vườn trồng quýt ở xã Long Hậu, cho biết quýt hồng là loại cây ăn trái khó trồng, do rất kén đất và thường xuyên xuất hiện dịch bệnh, sâu rầy. Để bảo vệ vườn quýt, nhà vườn ở H.Lai Vung phải tìm mọi cách để chống lại sâu bệnh.

Như đã hẹn, 6 giờ sáng, chúng tôi cùng 2 người xịt thuốc mướn là anh Hai Ngây (Đào Văn Ngây) và anh Sáu Vũ (Trần Thanh Vũ, cùng ngụ xã Long Hậu) có mặt tại vườn quýt rộng 20 công của ông Năm Danh. Một thùng nhựa 200 lít dùng để pha thuốc được đặt ngay giữa vườn, kèm theo là máy chạy, 2 ống dây dẫn dài khoảng 200 m/dây, cần xịt dài gần 3 m… Ông Năm Danh đảm nhận việc pha thuốc, còn anh Hai Ngây và Sáu Vũ là người xịt thuốc. Thuốc pha xong, 2 anh bắt đầu nổ máy, xịt thuốc. Quýt được trồng thành 4 hàng dài, anh Hai Ngây chịu trách nhiệm xịt 2 hàng bên trái, còn anh Sáu Vũ xịt 2 hàng bên phải. Khi cần xịt giơ lên, thuốc sâu phun ra, rơi ào ào xuống như mưa. Không chỉ lá và thân của cây quýt ướt đầm đìa mà cả người xịt cũng ướt đẫm thuốc sâu. Đến hơn 11 giờ trưa, 2 anh mới xịt xong 10 công, 10 công còn lại phải để qua hôm sau xịt mới kịp. Ông Năm Danh cho biết cây quýt hồng cho trái 1 vụ/năm và thu hoạch ngay dịp Tết Nguyên đán nên bán được giá cao. Do quýt hồng dễ bị nhiễm sâu bệnh, nên bình quân 1 tháng phải xịt thuốc 2 lần.

Giống như quýt hồng, những người xịt thuốc cho cây xoài cũng “tắm” thuốc sâu không thua kém. Anh Út Tâm, một nông dân trồng xoài cát chu ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), nói: “Từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau là vào mùa canh tác xoài. Vùng này nhà nào cũng trồng nên họ kêu xịt thuốc liên tục, riết rồi ngày nào tôi cũng bị ướt thuốc sâu”. Còn anh Lâm Văn Thắm (ở xã Thạnh Lộc, H.Giồng Riềng, Kiên Giang) cũng cho biết nông dân xứ này mấy năm nay sản xuất lúa tới 3 vụ/năm. Vì vậy, “mối” kêu xịt thuốc lúa liên miên, anh làm không kịp nghỉ. Trung bình 1 vụ lúa kéo dài 3 tháng canh tác, xịt thuốc cũng từ 7 - 10 lần.

Liều vì chén cơm manh áo

Anh Thắm cho biết 1 bình thuốc sâu 25 lít, xịt hết được trả công 10.000 đồng. Buổi sáng làm 4 giờ, người xịt thuốc mướn cũng  kiếm được 180.000 - 200.000 đồng. “Ở nông thôn, không nghề nào làm 1 buổi mà kiếm được số tiền nhiều như vậy. Biết “tắm” thuốc độc mỗi ngày rất nguy hiểm, nhưng vì chén cơm manh áo nên tôi phải chấp nhận… liều”, anh Thắm tâm sự. Anh Hai Ngây cho biết gia đình anh có 4 miệng ăn nhưng chỉ có 1 công đất, nên túng thiếu quanh năm. Chưa kể những khi con đau, vợ bệnh… là xem như thiếu nợ. Để đảm bảo cuộc sống, buộc lòng phải anh đi xịt thuốc sâu kiếm sống.

Theo Phòng NN-PTNT H.Lai Vung, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên cảnh báo người dân cẩn trọng khi tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại. Đối với cây quýt hồng, khi trái gần chín và còn cách thời gian thu hoạch khoảng hơn 1 tháng, nhà vườn phải cách ly không xịt thuốc nhằm giữ cho trái quýt không bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu. Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cho biết trước khi thu hoạch lúa từ 15 - 20 ngày, nông dân không nên xịt thuốc trừ sâu để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, các chủ ruộng tuân thủ khá tốt vấn đề này. “Các ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân khi xịt thuốc sâu phải mặc đồ bảo hộ lao động, quay lưng đi lùi với chiều gió … Thế nhưng, nhiều người vẫn còn thờ ơ và xem thường. Bởi vậy mới đây, nhiều nông dân ở An Giang đã phải đi cấp cứu do không tuân thủ các quy định khi xịt thuốc sâu”, thạc sĩ An cho biết thêm.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.