Vải thưa vẫn che được "mắt thánh" !

22/12/2005 22:48 GMT+7

Chiều ngày 22/12, lãnh đạo Vụ Mỹ thuật nhiếp ảnh đã họp bàn về sự cố "đạo tranh" của tác giả Lương Văn Trung (sinh năm 1981 - sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội).

Bức vẽ Bình minh trên công trường - tham gia xét giải thưởng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2001-2005 sao chép 95% tác phẩm Đội lao động của họa sĩ Nga M.C.Ombưs Cuznhexov sáng tác năm 1981! Đây là trường hợp sao chép không thể chối cãi vì tác giả đã "đạo" nguyên hình thức thể hiện, bố cục, nhân vật..., thậm chí số lượng người công nhân được thể hiện trong tác phẩm cũng "bê nguyên". Bức vẽ của anh Trung tuy qua mắt được 11 thành viên Hội đồng nghệ thuật, trong đó có cả Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật nhiếp ảnh (Phó chủ tịch hội đồng), song không qua mắt được... người xem. Đây thực sự là một tác phẩm sao chép và ăn cắp ý tưởng trắng trợn - cao tay hơn những tay chép tranh bình thường, cố tình che giấu khi tham gia triển lãm. Nếu như không được báo giới đưa ra bằng chứng thì có lẽ sinh viên Lương Văn Trung vẫn hồn nhiên nhận huy chương đồng với giá trị 10 triệu đồng.

Tác phẩm Đội lao động

Tất nhiên, phương án giải quyết những trường hợp "đạo" rất dễ. Hội đồng chỉ cần họp bàn và đề nghị Bộ thu hồi giải thưởng. Thế nhưng, việc lọt lưới Hội đồng nghệ thuật uy tín thêm một lần nữa ghi thêm một sự kiện không hay cho giới mỹ thuật. Tượng đài Công nhân Việt Nam (Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội) trông nhang nhác tượng đài trước Nhà tưởng niệm Mao Chủ tịch bên Trung Quốc. Bức tranh cổ động đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động của Bộ VHTT hẫng tay trên ngon lành bức tác phẩm nhiếp ảnh Nụ hôn của gió của tác giả Trần Thế Long... Những vụ sao chép Đội lao động hay Nụ hôn của gió thực sự là điều đáng xấu hổ đối với những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Cũng thật đáng buồn với Hội đồng nghệ thuật vẫn chưa làm việc hết sức mình để đến mức lọt lưới những hạt sạn, thậm chí những người đạo tranh, ảnh ấy còn được nhìn nhận như những "tài năng".

Hiện tại, trong giới mỹ thuật, nhiều họa sĩ Việt Nam nổi tiếng và ăn khách trên thị trường cũng đau đầu với những tác phẩm "ăn cắp bản quyền" của mình bày bán thản nhiên ở các hè phố  như hàng lưu niệm. Vi phạm bản quyền đang có dấu hiệu lan sang nhiều lĩnh vực: nhạc, văn học, hội họa. Trước khi bước vào những hiệp hội và ký những luật bản quyền quốc tế, chúng ta có nên xem lại năng lực và trách nhiệm quản lý văn hóa quốc nội chăng?

Hải Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.