Những người ‘vá’ rừng

09/01/2014 14:13 GMT+7

Những cánh rừng bị biển tấn công: đất mất, nhà trôi... Cuộc sống trốn chạy những cơn thịnh nộ của thủy thần ngày nào giờ đã ít nhiều đổi khác khi những nông dân biết cách để “xoay chuyển tình thế”.

Những người ‘vá’ rừng
Dãy rừng mắm từ vùng “bãi chết” vươn ra biển, bắt đầu quá trình hồi sinh - Ảnh: Tiến Trình

Giành đất với biển

Vị tiến sĩ người Đức Klaus Smitt cho chúng tôi xem ảnh chụp vệ tinh của một đoạn vùng đất ven biển Sóc Trăng. Ông cố gắng diễn giải rằng ngày trước, đây là những dãy rừng ôm lấy những cánh đồng, rẫy hành tím và những ngôi nhà dân sống bằng nghề chài lưới, ruộng rẫy. Thế nhưng, trong bức ảnh chụp cách đây hơn một năm, những gì chúng tôi tìm thấy là sự tổn thương nặng nề. Đất liền như những mẩu bánh bị gặm sứt mẻ hết phần màu xanh quý giá. Rừng chỉ còn đâu đó là những khóm bần, khóm mắm bấu víu vào đất liền vốn đã không còn che chở được cho mình.

Hôm sau, chúng tôi trở lại nơi ấy cùng với hình ảnh về một vùng bờ biển xác xơ bởi chống chịu những lần “hiếp đáp” của biển cả. Tuy nhiên, những cánh đồng hành tím xanh um, những người dân hớn hở trở về từ bãi bồi đã không cho tôi thấy hình ảnh mà ông Smitt đã cho chúng tôi xem là ở đâu cả. Dương Miên, người nông dân hiền lành ở ấp u Thọ B (xã Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu), đi theo chúng tôi chỉ để chực chờ trả lời những gì đã diễn ra với ông và người dân ở xứ này trong mấy năm qua; về chiếc cầu tre len qua cánh rừng cao quá đầu nối dài ra biển. Chiếc cầu tre là những gì đáng kể nhất ở đây, do con người xây dựng. Dương Miên nói ở đây ngày trước có rừng, rồi mất đi chừng hơn 10 năm trước. Không còn rừng, biển xanh vẫn chưa dừng lại. Nhà ông Miên đã bị biển cướp đi 2 công đất trong thời gian ngắn. Người dân sống trong nỗi bất an khi lần lượt nhà Thạch Sươl, Thạch Say, Lê Đê, Tiểu Cang, Kim Hươl… bị sóng biển cách ly khỏi bờ. Những trận sóng xóa dấu tích nhà cửa, ruộng vườn; sóng nuốt luôn trường học do người dân góp cây, góp lá dựng lên - đẩy đám trẻ phải lặn lội xa hơn để tìm cái chữ và đẩy những xóm làng vào những đợt di cư bất đắc dĩ. Bãi bồi cũng không còn cho cá, cho cua nhiều như trước… Những “trận đánh” không cân sức giữa đất liền (như người bệnh dễ tổn thương) và biển khơi đã diễn ra liên tục và biết bao lần người dân nơi đây phải gánh trọn hậu quả.

Ông Hoàng Đình Quốc Vũ, cán bộ nông nghiệp - Phòng Kinh tế TX.Vĩnh Châu, cho biết thời điểm ấy, 170 hộ sống ngoài đê ở khu vực u Thọ B đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Biết vấn đề then chốt của nạn xói lở, mất đất… cũng vì vùng ven biển này đã thiếu những cánh rừng che chở.

Dương Miên kể lại do xót những cánh rừng, người dân bắt đầu đi tìm trái đước giống để cắm xuống bãi bồi. Tuy nhiên, chẳng bao lâu những trái đước lớp bị sóng cuốn trôi, lớp bị người ra bãi bắt cua, bắt ốc đạp mất. Ngay cả những dãy đất trồng đước của nhà nước cũng bị sóng đánh trôi, trừ khu vực 17 ha rừng giống được bảo vệ nghiêm ngặt, còn lại những dãy rừng đước, rừng mắm đã tan hoang.

Những người ‘vá’ rừng
Kè tre tạo bãi theo giải pháp mềm của dự án GIZ - Ảnh: Tiến Trình

Những dãy rừng trở lại

Nông dân Thạch Sol, nhóm trưởng nhóm Đồng quản lý ấp u Thọ B, kể lại: Năm 2008, một nhóm nông dân bảo vệ môi trường được thành lập với mục tiêu ban đầu là canh giữ không cho người lạ đến xâm phạm dãy rừng nhỏ nhoi còn lại cuối cùng. Nhóm được UBND xã chấp thuận cho hoạt động trong phạm vi 2,8 km bờ biển và 130 ha đất bãi bồi. Nhóm đồng quản lý này được chọn thí điểm cho dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng”, được tài trợ bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - GIZ. Chị Bianca Schlegel, cố vấn kỹ thuật của dự án, cho biết: “Quản lý vùng ven biển không chỉ có nghĩa là bảo vệ vùng ven biển hoặc bảo vệ thiên nhiên mà nó còn liên quan đến các hoạt động kinh tế. Không thể khoanh một vùng đất, một khu vực và nói với người dân rằng “tôi cấm anh tới đó”, trong khi môi trường là miếng cơm của người dân hằng ngày. Ở những nơi bờ biển bị tổn thương nặng, bị “hở hàm ếch”, những hàng rào tre hình chữ T được dựng từ trong bờ ra ngoài để làm giảm năng lượng của sóng và giữ lại phù sa để tạo bãi. Hay như tại u Thọ B, dự án cho bắc một chiếc cầu tre nối liền từ bờ ra vùng bãi bồi. Một việc làm tưởng chừng… chẳng liên qua gì đến rừng thì lại cho một kết quả khá kinh ngạc. Người dân hằng ngày ra biển mưu sinh đều đi trên cây cầu này. Vì vậy, vùng bãi bồi đã được để “yên ổn” để bắt đầu quá trình hồi phục. Những thân bần, thân mắm nhỏ bắt đầu nhô lên. Một thời gian, màu xanh đầu tiên đầy dần một phần bãi bồi ven cầu tre. Màu xanh ấy cứ lan rộng dần, vươn dài ra phía biển. Cho đến nay, một vùng bãi chết được hồi sinh. Những cánh rừng non đã cao quá đầu người. Cá, cua bắt đầu trở lại.

Thấm thía hậu quả của những cánh rừng bị mất đi và nay lại nhìn thấy những dãy rừng xanh trở lại, nhóm đồng quản lý từ một số hộ ban đầu đã tăng lên 240 hộ, chia làm 6 tổ. Việc của người dân ở đây là hằng ngày ra biển mưu sinh,  tự động trồng lại những lõm rừng bị mất, không cho người lạ vào khu vực rừng non. Tuyệt đối không để xảy ra chuyện chặt phá cây rừng làm củi, bảo vệ để tránh tác động đến động vật dưới tán rừng… Những dãy rừng mắm bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Điều mà cách đây vài năm, người ta không nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra ở vùng bãi bồi “chết” này.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.