Người Việt đổ tiền du học

14/10/2012 11:14 GMT+7

Top 10 nước có sinh viên đi du học nhiều nhất thế giới đã có tên Việt Nam. Đây cũng là thị trường mạnh nhất khu vực Đông Nam Á về lượng sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ.

Bất chấp những nỗ lực của các trường ĐH trong nước tổ chức chương trình đào tạo liên kết quốc tế, số lượng học sinh Việt Nam du học khắp nơi trên thế giới ngày càng tăng. Trang www.globalvisas.com đưa ra số liệu Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 nước có sinh viên du học nhiều nhất thế giới, với con số 18.044, chỉ sau một số nước như: Trung Quốc (196.857), Hàn Quốc (104.908), Ấn Độ (99.316)… Người Việt đang đầu tư mạnh vào việc cho con du học.

Sinh viên du học 
Đông đảo học sinh đến triển lãm du học Malaysia ở TPHCM tìm cơ hội du học - Ảnh: Hoàng Như

Thị trường đang lên

 

Du học làm tăng sự sáng tạo
 
Một nghiên cứu của 3 học giả tại Trường ĐH Florida và Gainesville vừa được công bố đã cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về điều này. Kết quả nghiên cứu đưa ra nhận định rằng trải nghiệm thực tế trong một nền văn hóa nước ngoài tăng cường sự sáng tạo của một người. Đồng thời, những nghiên cứu cho thấy việc du học có thể hỗ trợ quá trình nhận thức liên quan đến sự phát triển các giải pháp đột phá. Với phát hiện này, những ai có ý định du học sẽ củng cố niềm tin mãnh liệt hơn.

Ng.Vân

Du học Mỹ là lựa chọn hàng đầu khi con số tăng trưởng rất ấn tượng, gấp gần 7 lần trong thập kỷ qua. Theo thống kê mới nhất từ báo cáo thường niên Open Doors 2011 của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới về số sinh viên đang theo học ĐH ở Mỹ. Việt Nam được đánh giá là thị trường mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á về lượng sinh viên quốc tế theo học tại các trường ĐH, CĐ ở Mỹ.

Với những lý do như: thay đổi cuộc sống, kiếm bằng cấp, trải nghiệm bản thân trong một nền văn hóa khác…, nhiều người đã chọn lựa cách có chi phí thấp nhất để đi du học. Theo các chuyên gia tư vấn du học, lựa chọn đầu tiên đối với phụ huynh có tài chính tương đối dồi dào là du học ở các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Singapore…
 
Chị Hà Mai (quận 4 - TPHCM) cho biết: “Tôi chọn Malaysia cho 2 con trai du học ĐH vì có mức học phí và sinh hoạt không quá cao. Khi các cháu nghỉ hè cũng có thể về Việt Nam mà không quá tốn kém. Hơn nữa, chương trình dạy bằng tiếng Anh nên tìm việc làm trong công ty đa quốc gia hoặc học lên sau ĐH ở nhiều trường trên thế giới rất thuận lợi”.

Một kênh khác đang được nhiều phụ huynh lựa chọn là học CĐ cộng đồng ở Mỹ, học phí chỉ khoảng 6.000 USD/năm. Học xong có thể chuyển tiếp lên ĐH hoặc đi làm… Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 về số sinh viên theo học tại các trường CĐ cộng đồng Mỹ với tỉ lệ tăng cao nhất khu vực châu Á.

Đồng tiền khôn

Trong bức tranh du học nhiều màu sắc đó, cũng không ít trường hợp du học sinh phải ngậm đắng nuốt cay vì sự chọn lựa sai lầm của mình. Ví dụ như chọn trường không có uy tín dẫn đến sau khi ra trường không xin ở lại làm việc được. Hoặc một số phụ huynh chỉ đủ tiền cho con học 1 năm, hy vọng sang năm thứ hai con mình đi làm thêm để trang trải chi phí. Nhưng xoay xở đủ cách cũng không tìm được việc làm thêm, thế là phải về nước, bỏ dở việc học... “Để đồng tiền bỏ ra là đồng tiền khôn, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ khi chọn ngành, chọn trường du học” - bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Công ty Tư vấn du học và di trú ENC, nhận xét.

TS Trần Trọng Đạo, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đưa ra lời khuyên: Du học sinh nên tìm hiểu trên website của trường, tận dụng chia sẻ từ số du học sinh Việt Nam rất đông ở nước ngoài qua CLB, diễn đàn của trường muốn học, tốt nhất là hỏi các anh, chị đang học sau ĐH tại trường đó. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, cần chuẩn bị tiếng Anh từ bậc phổ thông.

Học cách hòa nhập nhanh

Thường chỉ cần vài tuần là du học sinh có thể làm quen với môi trường mới. Nhưng để trở thành thành viên trong môi trường quốc tế đòi hỏi du học sinh phải cởi mở hơn, năng động hơn trong việc kết bạn, tham gia các hoạt động xã hội...
Hoạt động thể thao.

Một du học sinh ở Mỹ chia sẻ lúc còn ở Việt Nam không chú ý lắm đến việc rèn luyện thể dục thể thao, chỉ biết ăn rồi học và chơi nhưng khi du học ở nước ngoài mới khám phá ra đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Du học sinh này cho biết: Ở Mỹ và các nước phương Tây, tập luyện thể dục thể thao rất được xem trọng, đặc biệt là ở Mỹ, nơi mà thể thao được xem như một tôn giáo.
 

 Sinh viên du học
Du học sinh Việt Nam tham gia hoạt động tình nguyện tại Mỹ -  Ảnh: aaevietnam.com

 
Các hoạt động thể thao ở trường học rất mạnh. Một trong những cách hòa nhập vào văn hóa Mỹ rất tốt là tham gia các hoạt động thể dục thể thao như điền kinh, bóng rổ, bơi lội, nhảy múa…

Cởi mở hơn

Cô Kate Lyapustina, điều phối viên chương trình tuyển sinh quốc tế Berkeley College, New York - Mỹ, cho rằng: Sinh viên Việt Nam nói chung nên thực hành tiếng Anh mỗi ngày. Đó là cách tốt nhất để cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
 
 Một cách tuyệt vời là nhờ bạn cùng phòng hoặc những người bạn Mỹ để thực tập trước khi có cuộc gặp mặt hay phát biểu. Hiện nay, phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của nhiều trường thường tổ chức các chương trình cung cấp thông tin, phát cẩm nang hướng dẫn thực hành.
 
Họ cũng khuyến khích sinh viên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng giao tiếp cũng như tự tin và năng động hơn trong môi trường mới. Dù vậy, du học sinh cần cởi mở hơn trong giao tiếp, cần phải cố gắng và nên biết chấp nhận vì không phải ai cũng hoàn hảo giống như mình mong đợi. Nên ra ngoài để kết bạn với người bản xứ hoặc người đến từ các nước khác thay vì chỉ ở trong phòng và làm bài tập về nhà.

Anh Tú

Theo Đỗ Tường Bách/ Người Lao Động

>> Du học Hoa Kỳ - Ngày hội học bổng
>> Cái chết bí ẩn của du học sinh VN ở Singapore
>> Mở sang trang mới từ khi du học
>> Du học tại chỗ: Sinh viên BUV làm việc với CEO quốc tế
>> Chàng du học sinh Việt "gây sốt" tại X-Factor Anh
>> Du học sinh VN tại Hoa Kỳ ngày càng tăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.