Đòn độc trong bầu cử Tổng thống Mỹ

28/10/2012 03:05 GMT+7

Hầu như các ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ luôn sẵn sàng cảnh giác để tránh bị công kích vì những đòn độc.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, đương kim Tổng thống Barack Obama ban đầu rơi vào cảnh lép vế trước ứng viên Cộng hòa Mitt Romney khi hai người tranh luận lần thứ nhất trên truyền hình. Tuy nhiên, qua lần tranh luận thứ hai, ông Obama bất ngờ phản công mạnh khiến đối thủ phải lóng ngóng.

Khai thác quá khứ

Pha đảo ngược tình thế ngoạn mục trên của đương kim Tổng thống Mỹ bắt nguồn từ việc khai thác một bài báo mà ứng viên Cộng hòa từng viết. Hồi năm 2008, giữa lúc nước Mỹ khủng hoảng tài chính, ba tập đoàn xe hơi lớn nhất có nguy cơ phá sản, ông Romney chấp bút một bài có tựa Let Detroit Go Bankrupt (tạm dịch Hãy để Detroit phá sản) đăng trên tờ The New York Times. Theo nội dung bài viết, ông kêu gọi chính phủ không nên trợ giúp mà hãy để 3 tập đoàn xe hơi General Motor, Ford và Chrysler phá sản theo nguyên tắc thị trường. Trong khi đó, sau khi đắc cử, Tổng thống Obama tiếp tục thực hiện chương trình trợ giúp 3 tập đoàn trên và thu về thành công ấn tượng. Thế nên, giờ đây, ông Obama lập tức khai thác bài viết trên để chỉ ra đối thủ Romney từng nhận định sai lầm về cách giải quyết khủng hoảng tài chính nên khó có thể đề ra chính sách khả thi trong tương lai. Quả thực, cách phản đòn này khiến ứng viên Cộng hòa lúng túng trong cuộc tranh luận lần hai. Mọi nỗ lực biện minh sau đó của ông Romney đều bị cho là cố gắng lấp liếm sự thiếu năng lực.

 Đòn độc trong bầu cử Tổng thống Mỹ
Ông Obama đang phải ứng phó vất vả trước đối thủ Romney - Ảnh: Reuters

Đây không phải là lần đầu tiên ông Romney “ăn đòn” vì quá khứ. Hồi đầu năm nay, khi đang chạy đua để trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, chả hiểu từ đâu mà tờ Daily Mail nắm trong tay một số “thông tin độc” về ông. Báo này tung ra những hình ảnh một chàng trai Romney đầy sốt sắng ủng hộ chính quyền Johnson trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng, tờ Daily Mail cũng ám chỉ rằng ông nói một đường làm một nẻo khi khéo léo nhận công việc đến Pháp truyền giáo nên không phải tham gia quân đội, vốn có nhiều khả năng phải sang chiến trường Việt Nam. Bài báo trên khiến ông hứng chịu không ít chỉ trích.

Liên quan đến chiến tranh Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng từng bị “quần” tơi tả trong quá trình tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên. Hồi năm 1992, khi đang chạy đua vào Nhà Trắng, ông Clinton bị chỉ trích có hành động cực đoan khi tham gia phản đối Washington can thiệp vào Việt Nam. Vì thế, ông phải rất vất vả để bảo vệ quan điểm phản chiến vừa chứng minh mình không có hành động gì quá khích trong quá khứ. Cả một bộ máy được huy động để tìm kiếm những “bạn bè đồng hành phản chiến” năm xưa ra làm chứng rằng ông Clinton “đấu tranh hòa bình”. Cũng trong cuộc tranh cử trên, cựu Tổng thống Clinton còn bị đối thủ công kích dữ dội liên quan đến việc ông sang Liên Xô hồi năm 1969, theo tờ The New York Times. Khi đó, các cáo buộc cho rằng ông Clinton đến Liên Xô thông qua sự tài trợ từ Moscow. Ngoài ra, theo một số tài liệu, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Lyndon B.Johnson từng ra lệnh điều tra về nghi ngờ thượng nghị sĩ William Fubright liên lạc với tình báo Nga KGB. Vì thế, tất cả những nhân viên làm việc cho ông Fubright đều có thể liên quan và cựu Tổng thống Clinton, người khi đó đang thực tập tại văn phòng nghị sĩ này, cũng nằm trong diện tình nghi. Nếu các cáo buộc trên không bị bỏ qua sau đó vì thiếu chứng cứ thuyết phục, ông Clinton đã chẳng thể chiến thắng trước đối thủ George H.W.Bush (Bush “cha” - NV). 

Không bỏ chi tiết nào

 

Hiện tại, Tổng thống Obama đang phải vất vả chống đỡ việc đối thủ Romney khai thác các điểm yếu trong chính sách của chính phủ đương nhiệm khi tình hình kinh tế Mỹ vẫn ảm đạm. Tính đến ngày 27.10 (theo giờ VN), theo những thống kê của CNN, ông Obama giành được 237 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri. Ứng viên Romney có trong tay 206 phiếu và số phiếu đủ để thắng cử là 270. Tuy nhiên, cuộc đua lại trở nên gay cấn khi các khảo sát của Tổ chức Rasmussen, báo Huffington Post và Đài BBC lại cho thấy mức ủng hộ của ứng viên Cộng hòa vẫn cao hơn ông Obama dù khoảng cách không lớn, chỉ dao động một vài phần trăm. 

Thực sự, bất cứ ứng viên Tổng thống Mỹ nào cũng luôn bị soi mói về mọi phương diện. Tôn giáo là một trong số những phương diện đó và Tổng thống John F.Kennedy từng lao đao vì điều này. Trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm 1960, việc ông Kennedy là người theo Công giáo La Mã đã bị đối thủ khai thác triệt để. Lúc bấy giờ, phe của ứng viên Richard Nixon mở hẳn một chiến dịch toàn diện để tuyên truyền rằng nếu ông Kennedy đắc cử thì chẳng khác nào nước Mỹ được điều hành bởi Tòa thánh Vatican. Theo phía Nixon, mối quan hệ thân thiết với Vatican sẽ khiến chính sách của ông Kennedy bị tòa thánh chi phối. Khi đó, ứng viên Nixon đang là phó tổng thống trong chính quyền của Tổng thống Dwight D.Eisenhower thuộc đảng Cộng hòa. Vì thế, chiến dịch này còn có sự tham gia đắc lực của ông Eisenhower. Kết quả, may mắn lắm thì ông Kennedy mới giành chiến thắng sít sao trước Nixon. Thậm chí, có cáo buộc cho rằng phe Kennedy gian lận một số phiếu bầu mới giành được chiến thắng.

Về phần ứng viên Nixon, ông phải chờ đến 8 năm sau mới đắc cử Tổng thống Mỹ sau khi chiến thắng Hubert Humphrey trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1968. Tuy nhiên, Tổng thống Nixon đã phải từ chức hồi năm 1974 vì cáo buộc đột nhập nghe lén đối thủ đảng Dân chủ trước đó 2 năm. Đây chính là vụ scandal mang tên Watergate chấn động toàn cầu.

Tình dục cũng là một phương diện bị soi kỹ nhất ngay từ khi ai đó có ý định đại diện đảng Dân chủ hay Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ. Cuối năm ngoái, chính trị gia Herman Cain đã phải tuyên bố đình chỉ chiến dịch vận động đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống vì bê bối tình dục, theo tờ The Los Angeles Times. Trước đó, một số đối thủ chính trị và giới truyền thông liên tục công kích rằng ông Cain ngoại tình suốt nhiều năm và từng quấy rối tình dục. Mặc dù, chứng cứ được đưa ra chưa hoàn toàn thuyết phục nhưng vẫn đủ tạo sức ép khiến chính trị gia này phải rút lui.

Không chỉ bị khai thác nhược điểm bản thân, các ứng viên Tổng thống Mỹ còn có thể hứng chịu công kích vì liên quan đến những chính trị gia cùng đảng phái. Trong lần tranh cử tổng thống hồi năm 2008, ông Barack Obama đã ra sức tấn công đối thủ John McCain vì những chính sách bị cho là sai lầm của Tổng thống George Bush. Khi đó, ông Obama cho rằng một tổng thống theo quan điểm của đảng Cộng hòa thì sẽ tiếp tục tạo ra những sai lầm như người tiền nhiệm Bush. Đòn tấn công này đã khiến đối thủ McCain nổi đóa. Tờ The New York Times từng dẫn lời ông McCain, phản pháo trong cuộc tranh luận lần 3 trên truyền hình hồi tháng 10.2008, rằng: “Tôi không phải là Tổng thống Bush. Nếu ông muốn chạy đua phản bác Tổng thống Bush, ông nên tranh cử cách đây 4 năm”. Tuy nhiên, nỗ lực của ứng viên McCain vẫn không đủ sức giúp ông chiến thắng khi nhiều người dân Mỹ tỏ ra mệt mỏi với một tổng thống đảng Cộng hòa.

Ngô Minh Trí

>> Ông Mitt Romney ủng hộ trang bị vũ khí cho phe nổi dậy tại Syria
>> Ứng viên Mitt Romney chiếm ưu thế
>> Ông Mitt Romney đau đầu vì bị quay lén
>> Mitt Romney chính thức trở thành ứng viên tổng thống Mỹ
>> Mitt Romney bị "mỉa mai" ở Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.