Thế giới 2010 đầy biến động

14/12/2010 18:35 GMT+7

(TNO) Năm 2010 đầy biến động sắp trôi qua với nhiều tin buồn: từ vụ động đất khủng khiếp ở Haiti đến trận lụt lịch sử tại Pakistan hay căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên…

Năm 2010 cũng chứng kiến những sự kiện thuộc loại “lâu lâu mới thấy một lần” như vụ WikiLeaks và cũng không thiếu những mảng sáng như cuộc giải cứu ngoạn mục thợ mỏ Chile.

Tạp chí Time của Mỹ đã bầu chọn 10 sự kiện quốc tế đáng nhớ nhất trong năm 2010:

1. Động đất ở Haiti

Cơn địa chấn hôm 12.1 ngay tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti không thuộc loại mạnh nhất về cường độ nhưng lại có sức tàn phá thuộc loại kinh khủng nhất.

Chỉ trong vòng có vài giờ, hơn một triệu người bỗng dưng rơi vào cảnh không nhà không cửa. Tất cả chỉ còn là những đống đổ nát.

 
 Người đàn ông này vẫn còn may mắn, bởi nhà của ông không bị sập hoàn toàn trong trận động đất - Ảnh: Reuters

Khoảng 230.000 người đã chết, hàng trăm ngàn người khác bị thương.

Cho đến nay, gần một năm trôi qua, hàng chục ngàn người vẫn đang phải ở trong những túp lều thiếu thốn trăm bề, dơ bẩn nhếch nhác giữa dịch tả lan tràn, vốn đã giết chết hơn 300 người. Còn một điều kinh khủng khác: cưỡng hiếp tràn lan.

Chính phủ Haiti - đất nước thuộc loại nghèo nhất Tây bán cầu - hầu như bất lực. Người dân cũng chẳng có gì nhiều để mong đợi vào cuộc bầu cử sắp diễn ra.

2. Tung tài liệu mật ra chốn đông người

Trang web WikiLeaks đã tung ra những "quả bom" có sức công phá dữ dội: 77.000 hồ sơ quân sự của Mỹ tại Afghanistan, sau đó là thêm 400.000 tài liệu khác tại Iraq - những tài liệu chưa từng được công bố về số thường dân thương vong cũng như những vụ vi phạm nhân quyền.

Đến tháng 11, WikiLeaks lại làm chấn động thế giới với hơn 200.000 thư tín nội bộ trong ngành ngoại giao của Mỹ, với những nhận định “nói sau lưng nhau” của các ông to bà lớn trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến quan hệ giữa không ít các quốc gia trên thế giới với nhau.


 Cách mà những người ủng hộ WikiLeaks ở Tây Ban Nha bày tỏ - Ảnh: Reuters

Julian Assange, nhà sáng lập và là tổng biên tập WikiLeaks cũng thu hút sự chú ý của cả thế giới. Ông bị bắt tại London (Anh) hồi đầu tháng này vì bị tố cáo cưỡng hiếp và quấy rồi tình dục tại Thụy Điển. Assange bác bỏ tất cả, cho rằng đó chỉ là âm mưu chính trị chống lại ông sau những gì WikiLeaks đã làm.

3. Vụ giải cứu chưa từng có

Vụ nổ mỏ đồng San Jose nằm giữa sa mạc của Chile đã nhốt 33 thợ mỏ trong một đường hầm nằm sâu dưới lòng đất đến 700 mét. 69 ngày đêm dài đằng đẵng sống trong hoảng loạn của các thợ mỏ đã kết thúc như một phép màu: từng người một chui lên mặt đất trong khoang cứu hộ có hình dáng như một phi thuyền, chạy đến ôm chầm lấy người thân giữa nụ cười rất tươi của Tổng thống Chile. 

 
 Từng thợ mỏ được đưa lên mặt đất bằng khoang cứu hộ - Ảnh: Reuters

Cuộc giải cứu được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới. Trong bỗng chốc, những người thợ mỏ nghèo nàn, nhếch nhác suốt ngày chỉ biết cặm cụi trong những hầm lò tối tăm trở thành những anh hùng quốc gia, những nhân vật nổi tiếng trên khắp thế giới.

Chỉ có một điều đáng buồn sau cuộc giải cứu vô tiền khoáng hậu này: mỗi năm trên thế giới vẫn có hàng trăm thợ mỏ khác không may mắn như họ, phải bỏ mạng trong những khu mỏ thiếu an toàn.

4. Lũ lụt ở Pakistan

Giữa những vụ tấn công như cơm bữa của các thành phần cực đoan, giữa cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ, trận lũ lụt khủng khiếp hồi tháng 7 càng làm cho cuộc sống của nhiều người dân Pakistan thêm phần khốn khó.

 
 Một nạn nhân của lũ lụt - Ảnh: Reuters

Có lúc 1/5 diện tích Pakistan ngập chìm trong nước lũ. Khoảng 2 triệu người Pakistan đã phải bỏ nhà bỏ cửa chạy lũ. Khoảng 2.000 người thiệt mạng và hơn 10 triệu gia súc chết. Thiệt hại về kinh tế có thể lên tới 43 tỉ USD.

Trong khi cộng đồng quốc tế đã rất nhanh chóng giúp đỡ nạn nhân động đất ở Haiti (742 triệu USD được cam kết chỉ sau vài ngày) thì công cuộc cứu trợ tại Pakitan diễn ra rất chậm chạp với chỉ 45 triệu USD được công bố sau 1 tháng mưa lũ.

5. Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Năm 2010 đánh dấu những diễn biến rất đáng lo ngại giữa 2 miền Triều Tiên, vốn về mặt nguyên tắc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Vụ nổ ngư lôi trên tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc (làm 46 thủy thủ thiệt mạng) đã đánh dấu sự khởi đầu cho một cuộc đối đầu mới giữa 2 miền bắc nam từng chung một quốc gia. Mỹ và Hàn Quốc tăng cường tập trận trong sự giận dữ của Trung Quốc.

 
 Hàn Quốc tăng cường tập trận ở vùng biển gần CHDCND Triều Tiên - Ảnh: AFP

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên tổ chức hội nghị đảng, giới thiệu Kim Jong Un, con trai của chủ tịch Kim Jong Il, như là nhân vật kế nhiệm.

Đến ngày 23.11, CHDCND Triều Tiên nã pháo vào lãnh thổ Hàn Quốc làm 4 người thiệt mạng. Bán đảo Triều Tiên lại đang nóng bỏng!

6. World Cup tại Nam Phi

Năng lực tổ chức một sự kiện quốc tế lớn là điều mà dư luận luôn nghi ngại đối với Nam Phi sau khi đất nước này giành quyền tổ chức World Cup 2010. Đây lại là World Cup đầu tiên tại lục địa đen.


 World Cup 2010 không thể thành công nếu thiếu sự cuồng nhiệt của người hâm mộ - Ảnh: AFP

Nhưng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã diễn ra rất ngoạn mục và thành công, khiến không ai còn có thể nghi ngờ khả năng của Nam Phi, đất nước đã khiến cả thế giới phải nói về chiếc kèn Vuvuzela của họ. Ngoài ra, World Cup 2010 còn thêm phần thi vị với “tài tiên tri” của bạch tuộc Paul.

7. Yemen: Mặt trận chống khủng bố mới

Trong ngày Giáng sinh 2009, một nghi can khủng bố đã bị bắt khi đang cố gắng kích nổ bom giữa một chuyến bay ở Mỹ. Kẻ mang bom, dù có quốc tịch Nigeria nhưng cái tên Yemen được các nhà điều tra để ý kỹ hơn, bởi y đã được huấn luyện ở đây. Lực lượng al-Qaeda tại Yemen tỏ ra có sức ảnh hưởng rộng lớn hơn và khôn ngoan hơn rất nhiều so với các “đồng nghiệp” ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan.


 Lực lượng chống khủng bố của Yemen - Ảnh: AFP

Một loạt các vụ gửi bom trong bưu phẩm đến Mỹ được phát hiện kịp thời trong thời gian gần đây cũng đều xuất phát từ Yemen.

8. Người châu u bó bụng

Cuộc khủng hoảng tài chính đã buộc hàng loạt quốc gia châu u phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng đầy khó chịu. Đứng bên bờ vực phá sản, chính phủ Hy Lạp cắt giảm sâu rộng các khoản chi cho lĩnh vực công, khiến cho hàng chục ngàn người đổ ra khắp các thành phố lớn để biểu tình chống chính phủ. Nhiều người cảm thấy họ đang bị trừng phạt bởi sự yếu kém của các quan chức.

 
 Sinh viên Hy Lạp đánh nhau với cảnh sát chống bạo động nhằm "thể hiện tình đoàn kết" với sinh viên Anh, vốn cũng nổi giận vì viễn cảnh bị tăng học phí - Ảnh: Reuters

Tại Pháp, nhiều thành phố bị tê liệt cả tuần bởi các cuộc đình công nhằm chống lại kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lên 2 năm của chính phủ.

Hồi tháng 10 vừa qua, chính phủ mới của Anh thông báo khoản thắt lưng buộc bụng 128 tỉ USD, giảm chi tiêu trong tất cả mọi lĩnh vực, từ quân đội cho đến các dự án nhà cửa, khiến công dân Anh hoảng hốt đổ ra đường.

9. Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico

Cuộc chiến giữa chính phủ Mexico với các băng đảng ma túy đầy uy lực diễn ra cực kỳ đẫm máu suốt 12 tháng qua. Các ông trùm ma túy liên tục phô trương sức mạnh, tranh giành địa bàn làm ăn tại các thành phố dọc biên giới với Mỹ, khiến dân lành lao đao.

 
 Cuộc chiến chống ma túy chưa bao giờ yên ổn ở Mexico - Ảnh: AFP

Lực lượng an ninh thường xuyên “đấu” không lại với bọn buôn lậu ma túy, có khi thì phải im tiếng vì bị thị uy và cũng không hiếm lúc móc nối với tội phạm. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, thành phố Ciudad Juarez - một điểm nóng về tội phạm ma túy ở Mexico - đã sa thải khoảng 400 cảnh sát.

Cũng có một số chiến thắng cho Tổng thống Felipe Calderon với việc tóm cổ trùm ma túy khét tiếng có biệt danh El Barbie hay mẻ quét 340 tấn cần sa tại thị trấn Tijuana. Tuy nhiên, tin tốt lành vẫn quá hiếm hoi so với những vụ bắt cóc, những hố chôn tập thể, những vụ hành quyết kinh khủng… diễn ra như cơm bữa.

Hơn 3.000 người đã bị giết chết có liên quan đến ma túy kể từ đầu năm tới nay.

10. Những người “áo đỏ” ở Thái Lan

Trong suốt tháng 4 và tháng 5, đông đảo người chống chính phủ đã đổ ra đường, biến trung tâm hành chính của thủ đô Bangkok thành… nhà của họ, ăn dầm nằm dề ở đây để đòi lật đổ chính phủ mà họ cho rằng phi dân chủ. Họ thuộc lực lượng “áo đỏ” (đối lập với đối thủ “áo vàng”), trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhân vật bị lật đổ hồi năm 2006 và hiện đang phải sống lưu vong.

 
 Lực lượng "áo đỏ" tại Thái Lan - Ảnh: Reuters

Giới quan sát nhận định những cuộc biểu tình như thế này là bề mặt của những rạn nứt sâu sắc trong xã hội Thái, giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn, giữa những người bảo hoàng và dân túy…

Cuộc “cắm trại” làm tê liệt khu trung tâm Bangkok đã biến thành thảm họa với trận đối đầu khủng khiếp giữa người biểu tình với cảnh sát cố giải tán “khu trại”.

91 người đã thiệt mạng, hơn 1.800 người bị thương. Tất cả đều nằm hết trong các máy quay của truyền thông quốc tế, vốn túc trực 24/24 tại đây.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.