Sôi động thị trường vũ khí thế giới năm 2009

28/12/2009 15:23 GMT+7

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi phí quân sự của thế giới đã tăng 45% và tăng liên tục hàng năm suốt 10 năm qua, năm 2008 là 1.460 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP toàn thế giới.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon lưu ý chi tiêu quân sự toàn cầu đã vượt quá 1.000 tỷ USD/năm và tiếp tục tăng từng ngày, và cảnh báo: “Vũ khí đang phá hủy xã hội, tiếp tay cho các cuộc nội chiến và khủng bố”.

Những ông trùm xuất khẩu vũ khí

2009 là “năm bội thu” của ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Ngày 6-11-2009, Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng của Lầu Năm góc thông báo doanh thu từ các thương vụ vũ khí Mỹ bán cho nước ngoài tăng 4,7%, lập kỷ lục 38,1 tỷ USD trong năm tài chính 2009 (so với 2008 là 36,4 tỷ USD; 2007 là 23,3 tỷ USD) với mức tăng trưởng 465% so với năm 1998.

Tập đoàn Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics và Raytheon đang gia tăng số hợp đồng bán vũ khí. Khách hàng mua vũ khí nhiều nhất của Mỹ năm 2009 là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất với 7,9 tỷ USD, Afghanistan 5,4 tỷ USD, Saudi Arabia 3,3 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) 3,2 tỷ USD, Ai Cập 2,1 tỷ USD, Iraq 1,6 tỷ USD, Australia 818,7 triệu USD, Hàn Quốc 716,6 triệu USD. Năm 2008 Nga thu về 3,5 tỷ USD từ xuất khẩu vũ khí.

Năm 2009, ông Mikhail Dmitriev, Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác quân sự - kỹ thuật (FS VTS) cho biết Nga đã xuất khẩu sản phẩm quốc phòng trị giá 8,5 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong số các nước xuất khẩu vũ khí.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Anh là “đại gia” trong giới buôn bán vũ khí, với thị phần trung bình 21%. Năm 2007 Anh đạt 9,7 tỷ bảng chỉ riêng nhờ đơn đặt hàng mua máy bay chiến đấu của Saudi Arabia. Hiện những khách hàng lớn của Anh gồm các quốc gia vùng Vịnh, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brazil.

Hội đồng Công nghiệp quốc phòng Anh (DIC) công bố, cứ 100 triệu bảng chính phủ chi cho công nghiệp quốc phòng sẽ tạo ra được 227 triệu bảng về giá trị kinh tế. Anh có khoảng 9.000 hãng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng các sản phẩm quốc phòng và an ninh. Ngành công nghiệp quốc phòng mang lại những khoản lợi lớn với việc tạo ra hơn 300.000 việc làm, chiếm 10% lực lượng lao động trong lĩnh vực chế tạo ở nước này.

Xuất khẩu vũ khí của Pháp trong năm nay có thể đạt tới 7 tỷ EUR (hơn 10 tỷ USD), tăng hơn 10% so với 6,58 tỷ EUR của năm ngoái. Thống kê cho thấy xuất khẩu vũ khí của Pháp trong năm nay đạt mức kỷ lục kể từ năm 2000, khi mà tổng khối lượng đơn đặt hàng vũ khí của Pháp đạt tới 8,15 tỷ EUR. Theo tờ “Le Monde”, bất chấp khủng hoảng kinh tế, thị trường vũ khí toàn cầu trong năm nay sẽ tiếp tục tăng, đạt tới 700 tỷ EUR (hơn 1.000 tỷ USD).

Tạp chí Defense Week bình chọn 100 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2008, đứng đầu là Công ty Lockheed Martin của Mỹ (39,5 tỷ USD), thứ hai là BAE Systems của Anh (32,7 tỷ USD), thứ ba là Boeing (31,1 tỷ USD) cũng của Mỹ.

Mạng tin China Brief vừa có bài phân tích cho rằng năm 2009 là năm Trung Quốc (TQ) tiến mạnh vào thị trường vũ khí thế giới. TQ bắt đầu sản xuất được máy bay quân sự cỡ lớn và có thể sớm bán máy bay phản lực tiên tiến L-15 Falcon sang các nước thuộc Liên Xô cũ.

TQ đã thành công trong việc sao chép kỹ thuật và công nghệ chế tạo vũ khí mà Nga bán cho TQ từ 1990. Thị trường tiềm năng của TQ là các nước châu Phi mà TQ đang mua dầu, Trung Đông. Tại Nam và Đông Nam Á, TQ đang bán nhiều hệ thống vũ khí sang Pakistan, phần lớn theo mẫu của Nga.


BTR.80 do Nga sản xuất, được sử dụng nhiều tại các khu vực có xung đột

Suy thoái kinh tế và cuộc chạy đua vũ trang

Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), sản lượng vũ khí toàn cầu vẫn không giảm bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới. 10 nước chi nhiều cho quân sự nhất thế giới trong năm 2008 là Mỹ (607 tỷ USD), Trung Quốc (84,9 tỷ USD), Pháp (65,7 tỷ USD), Anh (65,3 tỷ USD), Nga (58,6 tỷ USD), Đức (46,8 tỷ USD), Nhật Bản (46,3 tỷ USD), Italia (40,6 tỷ USD), Saudi Arabia (38,2 tỷ USD) và Ấn Độ (30 tỷ USD), trong đó nước tăng nhanh nhất về chi tiêu quân sự là TQ với mức chi năm 2008 cao gấp 3 lần so với năm 1999. Khu vực có tốc độ tăng chi tiêu quân sự nhanh nhất là Đông u, Bắc Phi, Bắc Mỹ, Đông Á và Trung Đông.

Tờ “Daily Telegraph’’ cho biết Australia sẽ mua hơn chục chiếc máy bay chiến đấu đa năng (JSF) F-35 do Mỹ chế tạo trong giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch trang bị các máy bay tàng hình cho không quân trị giá 16 tỷ AUD. Đây kế hoạch mua mới thiết bị quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của nước này.

Giá của JSF khoảng 80 triệu AUD/chiếc. Australia sẽ đặt mua 100 máy bay chiến đấu “thế hệ thứ 5” F-35 trong khoảng thời gian từ 2014 - 2021. Phi đội F-35 đầu tiên của không quân Hoàng gia Australia (RAAF) dự kiến chính thức trực chiến vào năm 2017. Trong thời gian chờ đợi các máy bay F-35, Australia đã đặt mua 24 chiếc máy bay chiến đấu đa năng F/A-18F Super Hornet của Mỹ. 12 chiếc Super Hornet đầu tiên sẽ được biên chế vào Phi đội không quân số 1 đóng tại căn cứ Amberley ở bang Queensland để sẵn sàng hoạt động vào cuối năm tới.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch chi tiền để sở hữu khoảng 40 chiếc F-35 như thế với tổng trị giá khoảng 9 tỷ yên (11 triệu USD/chiếc).

Công ty Tư vấn nghiên cứu thị trường của Mỹ Frost & Sullivan mới đây tiết lộ rằng Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq và Israel đang trở thành bốn nước có chi phí quốc phòng lớn nhất khu vực Trung Đông.

Riêng Saudi Arabia chi ít nhất 36 tỷ USD cho nâng cấp vũ khí và khả năng phòng vệ trong vòng 5 năm tới. UAE cũng đang đàm phán mua hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 4 tỷ USD của Mỹ để tăng cường khả năng quân sự và phòng vệ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran.

Frost & Sullivan cho biết: “Chi tiêu quốc phòng trung bình của các nước Arab, tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), là cao nhất thế giới”. Giới phân tích dự đoán, vào năm 2014, chi tiêu quốc phòng của các nước Trung Đông sẽ chiếm 11% tổng chi phí quốc phòng toàn cầu.

Cũng theo Báo “Le Monde”, Nam Mỹ đang ở bước đầu của một cuộc chạy đua vũ trang. Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết, chi tiêu quân sự của khu vực Mỹ Latin và Caribe tăng 91% trong những năm 2003 - 2008 (từ 24,7 tỷ USD lên 47,2 tỷ USD), còn theo tính toán mới nhất của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) thì mức chi tiêu này trong năm 2008 là 48 tỷ USD, cao hơn 36% trong vòng 5 năm qua.

Với ngân sách quốc phòng 15,4 tỷ USD, Brazil hiện là cường quốc hàng đầu về quân sự tại Mỹ Latin với mức chi tiêu quân sự lớn nhất Mỹ Latin. Colombia dành 4% GDP cho chi phí quân sự. Ngân sách quốc phòng của Venezuela chiếm 1,3% GDP.

Venezuela đã mua của Nga 24 máy bay chiến đấu Sukhoi, 50 máy bay trực thăng chiến đấu, 100.000 súng AK, nhiều tàu ngầm và xe tăng. Tổng trị giá của các hợp đồng mua vũ khí trong 3 năm qua của Venezuela từ Nga, Belarus, TQ và Tây Ban Nha vượt mức 4,6 tỷ USD, trong đó nổi bật nhất là việc mua 100.000 khẩu AK-103 của Nga.

Hệ lụy và nghịch lý

Theo báo cáo của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, trung bình mỗi ngày thế giới có trên 2.000 người thiệt mạng do bạo lực vũ trang. Báo cáo của Tổ chức Chống nghèo đói và bất công (Oxfam) cho biết từ năm 2006 đến nay đã có khoảng 2,1 triệu người (phần lớn là dân thường) chết do bạo lực vũ trang.

Trong số này, hơn 700.000 người thiệt mạng do các cuộc xung đột vũ trang ở Afghanistan, Somalia, Sudan, Sri Lanka và CHDC Congo và một số người khác chết do bạo lực phi chính trị liên quan tới vũ khí. Trong khi đó, thế giới cần tiền để chống biến đổi khí hậu; chống nghèo đói, đầu tư vào ngành nông nghiệp ở các nước đang phát triển để có thể đủ lương thực cho dân số thế giới dự tính sẽ lên tới 9 tỷ người vào năm 2050.

Theo Tuyết Thu / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.