Nghề công tác xã hội ở Việt Nam - Thách thức lên chuyên nghiệp

18/12/2012 08:59 GMT+7

Sau nhiều năm “ngoài luồng”, giờ đây công tác xã hội (CTXH) đã như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức.

Đặc biệt, sự ra đời của đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (đề án 32) được dân trong nghề ví như “vụ nổ Big Bang” với nhiều cơ hội và thách thức.

Hồi sinh mạnh mẽ

Vào giai đoạn “đổi mới - mở cửa” (từ năm 1986), tăng trưởng kinh tế kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội phức tạp như cách biệt giàu nghèo, khủng hoảng gia đình, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS... thì nhu cầu phát triển CTXH mới trở nên bức thiết.

Đến nay, cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ xã hội, riêng TP.HCM có hơn 90 cơ sở. Ngành LĐ-TB&XH, các đoàn thể và người dân đã khởi xướng nhiều chương trình, mô hình hay như trợ vốn mưu sinh, chăm sóc trẻ lang thang cơ nhỡ, nhóm giáo dục đồng đẳng, quán cà phê bao cao su... Sự trở lại của các tổ chức quốc tế như UNICEF, SCF/UK, Radda Barnen... với các mô hình dịch vụ CTXH chuyên biệt đã giúp tăng tốc quá trình “hồi sinh” CTXH tại VN.

Tại TP.HCM, theo bà Phan Thanh Minh, nguyên trưởng Văn phòng tư vấn trẻ em TP (cũ), đơn vị này đã hỗ trợ thành lập phòng tâm lý học đường tại 57 trường. Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ra văn bản quy định cụ thể về tư vấn học đường và sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hỗ trợ tập huấn chuyên môn để tăng tốc phát triển CTXH học đường.

Ngoài ra, ước tính hiện có hơn 300 đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện hoạt động tưng bừng tại TP.HCM. Tuy nhiên, theo bạn Lê Trung Hải, trưởng nhóm Những Ước Mơ Xanh, hầu hết các nhóm đều làm theo kiểu phong trào, còn nặng tính từ thiện, chủ yếu giúp “cái mình có” và trong ngắn hạn, thiếu bền vững. “Chúng tôi rất mong được các chuyên viên CTXH hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động”, Hải nói.

Hướng đến chuyên nghiệp

Ở các nước có nghề CTXH được chuyên nghiệp hóa đều bao gồm các yếu tố: hệ thống pháp luật quy định về hành nghề, hệ thống giáo dục và đào tạo đạt chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thang bảng lương, hiệp hội nghề (thường là hội nhân viên xã hội và hội đào tạo CTXH).

Theo ông Trần Công Bình - cán bộ Unicef, phó chủ nhiệm CLB CTXH chuyên nghiệp TP.HCM, một số nước còn xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề CTXH và đạo đức nghề CTXH theo định hướng của Hiệp hội CTXH thế giới.

Cũng theo ông Bình, một người làm CTXH chuyên nghiệp cần hội đủ các tiêu chí: chọn và làm CTXH như một nghề chính thức, được đào tạo bài bản về CTXH và có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, sống được bằng nghề này, thái độ làm việc chuyên nghiệp và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Ông Bình cho biết: “CTXH tại Việt Nam chỉ đang hướng tới chuyên nghiệp do còn thiếu các điều kiện và nhân lực chuyên nghiệp”.

Giải pháp nào để “lên” chuyên nghiệp? Nhiều nhân viên xã hội  cho rằng trước tiên cần hoàn thiện khung pháp lý. Còn theo ông Lê Chu Giang, trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cần truyền thông rộng rãi để cán bộ, viên chức, người dân hiểu đúng về CTXH và các dịch vụ CTXH, vì nhiều người vẫn nhầm lẫn hoặc đồng nhất hoạt động từ thiện, nhân đạo, tình nguyện với CTXH.

Ông Bình cho biết hiện UNICEF đang hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về CTXH.

Ông Bình cho rằng cần phát huy vai trò và tâm thế của nhân viên xã hội đích thực, đồng thời phát triển mạnh hệ thống dịch vụ CTXH có chất lượng, nhất là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu bức thiết hiện nay như bảo vệ trẻ em, CTXH học đường, trong bệnh viện, người khuyết tật, nạn nhân của xâm hại, bạo hành...

Theo ông Giang, mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội vốn bấy lâu “trăm hoa đua nở” nay cần được liên kết, phối hợp với nhau. Ngoài ra, nhiều nhân viên xã hội  cho rằng cần có hội nghề nghiệp (Hội của nhân viên xã hội và hội về đào tạo CTXH) thật sự là chỗ dựa chuyên môn và tiếng nói đại diện cho “người trong cuộc”.

Thiếu nhân lực “có nghề”

Theo đề án 32, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số. Cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, tuy nhiên phần lớn (81,5%) chưa qua đào tạo. Tại TP.HCM, địa phương có tiềm năng lớn nhất về nhân lực CTXH, có tới hơn 5.000 người làm việc trong lĩnh vực này thì phần lớn cũng chưa được đào tạo chuyên sâu về CTXH.

Thực tế hiện nay, theo bà Lê Thị Mỹ Hiền (phụ trách khoa CTXH - XHH - Đông Nam Á học, Trường ĐH Mở TP.HCM), cả nước có hơn 1.000 SV đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp chuyên ngành CTXH, thế nhưng hiện chưa có cơ sở xã hội nào tuyển và trả lương cho những chức danh theo quy định về “mã nghề” do Bộ Nội vụ ban hành. Dù rằng theo bà Hiền, không ít trong họ đã và đang áp dụng tốt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn vào các lĩnh vực CTXH như trẻ em, ma túy, khuyết tật, HIV/AIDS...

Nhưng cái thiếu đáng lo nhất, theo ông Trần Minh Hải, giám đốc Trung tâm giáo dục sức khỏe và phát triển cộng đồng Tương Lai, chính là đội ngũ giảng viên giỏi. Bà Mỹ Hiền cho rằng rất ít giảng viên ngành CTXH “vừa dạy vừa làm” nên khi đứng lớp còn nặng lý thuyết, và với thực trạng thiếu giảng viên giỏi mà bung ra đào tạo rầm rộ thì rất khó đảm bảo chất lượng đầu ra.

Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.