Mùa măng núi Cấm

27/07/2013 10:12 GMT+7

Hằng năm, sau những cơn mưa đầu mùa, cư dân núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) lại rộn rịp bước vào mùa măng. Có thể nói ở miền Tây, không nơi nào có nhiều măng tre mạnh tông như ở đây.

Mùa măng núi Cấm

Vựa thu mua măng tre dưới chân núi Cấm - Ảnh: Thiên Lộc

Theo lời các bậc cao niên ở địa phương, do núi Cấm có độ dốc ít, nền đất pha cát ở lớp mặt và giàu chất dinh dưỡng, khí hậu ôn hoà và mát mẻ, nên cây cối quanh năm tươi tốt. Ngoài những đặc sản như bơ, mít, mãng cầu, xoài, sầu riêng, chuối, rau củ…, nơi đây còn có một nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể, đó là tre mạnh tông. Măng mạnh tông bắt đầu mọc lai rai từ tháng 4, tháng 5, nhiều nhất là từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch. Vào những ngày này, không khí trên núi Cấm thật rộn ràng, tất bật. Từ sáng sớm đã có những chuyến xe thồ và đoàn người gánh mướn vội vã chuyển măng xuống núi để kịp giao cho bạn hàng. Bình quân mỗi ngày lượng măng tươi chuyển xuống chân núi khoảng từ 1 - 3 tấn, vào chính vụ mỗi ngày lên tới hàng chục tấn. Anh Hà Văn An, một chủ vựa măng ở chân núi Cấm, cho biết hiện mỗi ngày anh thu vô từ 1 đến 2 tấn măng, bán cho các thương lái chở đi Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và các chợ trong khu vực; có người còn chở sang tận Campuchia bán.

Ông Trịnh Ngọc Còn (ngụ tổ 5, ấp Vồ Đầu) cho biết năm nay mưa sớm và  nhiều nên chắc chắn măng sẽ mọc dày hơn so với các năm hạn dai. Mạnh tông là một loại tre to, mọc khỏe, măng ngon hơn các loài tre khác, rất thích hợp với khí hậu và phong thổ của núi rừng. Theo ước tính hiện nay, tại các vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Chư Thần, núi Cấm có trên 50% hộ nông dân trồng tre lấy măng, nhiều nhất là tre mạnh tông. Hộ trồng ít nhất cũng vài ba chục bụi, nhiều nhất đến hàng trăm bụi. Gia đình ông Còn có 50 bụi, mỗi năm thu nhập trên 20 triệu đồng.

Tre mạnh tông rất dễ trồng, nhiều người tận dụng đất rừng, đất rẫy, nơi có các dòng suối chảy qua hoặc dọc theo các sườn đồi thoai thoải để gây trồng. Sau 2 năm, cây bắt đầu cho măng, bình quân mỗi bụi (trên 4 năm tuổi) cho từ 50 - 80 kg/năm, giá mỗi kí từ 5.000 - 20.000 đồng, tùy theo thời vụ. Tre mạnh tông ngoài việc khai thác lấy măng, nhà vuờn còn bán cây cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc các cửa hàng vật liệu xây dựng rất được giá.

Ông Chau Kanh, Chủ tịch Hội nông dân xã An Hảo, cho biết trồng tre mạnh tông trên núi là một mô hình mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ gia đình. Măng tre mạnh tông là món ăn truyền thống của các gia đình Việt Nam. Ngoài các món: hầm xương, hầm thịt, xào lăn, nấu canh, làm đồ chay… còn được chế biến thành món măng chua được nhiều người ưa thích. Cố nhà văn Sơn Nam từng xếp món măng tre mạnh tông hầm thịt vào hàng “cao lương mỹ vị”.

Thiên Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.