"Sự kiện nổi bật" nghe nổi gai ốc!

26/12/2007 00:48 GMT+7

Đọc 10 sự kiện nổi bật năm 2007 của ngành văn hóa - thể thao - du lịch do Bộ này công bố, cảm giác đầu tiên mà người ta thấy là dường như tầm cỡ văn hóa (và thể thao, du lịch) của đất nước đã bị "bóp nhỏ" lại.

Nói là bị "bóp nhỏ", vì trong số 10 sự kiện đó, bên cạnh một số sự kiện đúng là nổi bật, còn có những sự kiện không có gì là "nổi bật" cả, có những "sự kiện" không đáng gọi là sự kiện và có những sự kiện thật sự nổi bật lại không được Bộ quan tâm.

Việc "thành lập Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" được đưa thành sự kiện nổi bật hàng đầu. Thành lập Bộ, theo chúng tôi chỉ là một sự tách, nhập, sắp xếp lại tổ chức. Việc đó tuy rất quan trọng về tổ chức và hành chính, nhưng bản thân nó chưa phải là sự kiện có tác dụng thúc đẩy sự phát triển "nổi bật" các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Như vậy sao có thể gọi là "sự kiện nổi bật" được?

 "Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV" (sự kiện 5) có nên gọi là sự kiện nổi bật không?  Một sự kiện "đến hẹn lại lên" 3 năm một lần, lần sau kém hơn lần trước và lần này bị chê nhiều hơn là khen, mà lại coi là "sự kiện nổi bật" thì tội nghiệp cho nền văn hóa Việt Nam ta quá!

Xếp các hoạt động văn hóa tại nước ngoài vào các sự kiện nổi bật (sự kiện 3) là đúng, nhưng sao chỉ liệt kê có 3 hoạt động? Một sự kiện như chương trình Duyên Dáng Việt Nam biểu diễn tại Singapore, cũng quảng bá đầy ấn tượng cho hình ảnh Việt Nam, Nhà nước lại không tốn chi phí, hoàn toàn không có hợp đồng quảng cáo mà báo chí, truyền thông nước ngoài vẫn đưa tin, bình luận, ca ngợi -  sự kiện đó sao không được xếp vào nhóm sự kiện nổi bật trong các hoạt động đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài? Phải chăng Nhà nước không cấp kinh phí nên Bộ ta không theo dõi?

"Đoàn Thể thao Việt Nam đứng thứ 3 tại SEA Games 24" (sự kiện 6) có phải là sự kiện nổi bật? Xếp thứ 3, nghĩa là bằng 2 lần trước, không thụt lùi là may rồi, nên xem là một sự kiện bình thường. Xếp vào "nổi bật" thì phải chọn những môn mà ta thi đấu xuất sắc hơn những lần trước, chứ không nên xếp cả "Đoàn Thể thao Việt Nam".

Bóng đá Việt Nam không chỉ có việc U.23 thua đau đớn tại SEA Games 24. Cũng trong năm nay, đội U.21 Việt Nam chiến thắng ngoạn mục, vô địch Giải U.21 quốc tế, việc này sao chẳng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch coi là nổi bật?

Tại sao xếp "Festival Hoa Đà Lạt 2007" đầy tai tiếng thành "sự kiện nổi bật", lại đặt ngang hàng với "Năm Du lịch quốc gia 2007" (sự kiện 10), trong khi một số lễ hội lành mạnh, có ý nghĩa khác thì bị loại? Và Việt Nam tổ chức thành công hai cuộc thi hoa hậu lớn (Hoa hậu thế giới người Việt và một phần cuộc thi Hoa hậu Trái đất) với sức quảng bá hình ảnh Việt Nam không hề nhỏ, lại không được xếp vào đâu cả vậy?

"Lần đầu tiên du lịch Việt Nam được quảng bá chính thức trên kênh truyền hình quốc tế CNN" cũng được đưa thành "sự kiện nổi bật" (sự kiện 9) thì hết chỗ để nói. Theo chúng tôi biết và nhiều người cũng biết, việc CNN phát một đoạn phim quảng bá du lịch Việt Nam (phát đi phát lại nhiều lần trong chương trình quảng cáo) là do chúng ta ký hợp đồng trả tiền để họ làm quảng cáo cho chúng ta. Việc này là rất tốt và rất cần tiếp tục chi tiền để làm thường xuyên, nhưng sao chúng ta lại tự "làm nhỏ" mình đến mức coi đây là một "sự kiện nổi bật" của đất nước? Nghe mà nổi gai ốc!  

10 sự kiện nổi bật năm 2007 của ngành Văn hóa,Thể thao và Du lịch
(do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố ngày 24.12)

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31.7.2007 của Quốc hội khóa XII.

2. Hội nghị tuyên dương Gia đình Văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất 2007 tại Thủ đô Hà Nội.

3. Các hoạt động văn hóa tham dự Lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề "Mê Kông-Dòng sông kết nối các nền văn hóa" tại Hoa Kỳ, Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào, Tuần văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc... giới thiệu với các nước những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, góp phần quảng cáo hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

4. Ngày hội Văn hóa người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X tại Yên Bái, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Mường tại Hòa Bình, Liên hoan Hát Then - Đàn Tính toàn quốc lần thứ 2 tại Cao Bằng được tổ chức thành công, góp phần bảo tồn tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

5. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV tại Nam Định được tổ chức thành công, với nhiều phim do các hãng phim tư nhân sản xuất tham gia.

6. Đoàn Thể thao Việt Nam đứng thứ 3 tại SEA Games 24 và lần thứ 3 liên tiếp nằm trong tốp 3 nước đứng đầu Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

7. Vận động viên điền kinh Trương Thanh Hằng đoạt huy chương vàng châu Á cự ly 800m; 3 vận động viên taekwondo Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu vượt qua vòng loại, giành vé tham dự Olympic Bắc Kinh 2008.

8. Du lịch Việt Nam đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, vươn lên đứng thứ 5 trong khu vực về thu hút khách du lịch quốc tế.

9. Lần đầu tiên Du lịch Việt Nam được quảng bá chính thức trên kênh truyền hình quốc tế CNN.

10. Năm du lịch quốc gia 2007 tại Thái Nguyên với chủ đề "Về Thủ đô gió ngàn-Chiến khu Việt Bắc" và Festival Hoa Đà Lạt 2007.

Theo TTXVN

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.