Đối phó chứng trầm cảm ở trẻ

23/10/2013 14:10 GMT+7

(TNO) Từng được coi là căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến người lớn, thế nhưng trầm cảm vẫn có thể tấn công trẻ em, nhất là ở độ tuổi lên 5, 6.

Đối phó chứng trầm cảm ở trẻ
Trẻ em cũng dễ bị trầm cảm - Ảnh: Shutterstock

Sau cuộc chia tay của bố mẹ, Madeline, một bé gái 6 tuổi ở Úc, rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong khi những đứa trẻ cùng tuổi vui vẻ ra ngoài chơi đùa, Madeline thường nằm trên giường sau giờ học và nhìn chằm chằm lên trần nhà. Em không muốn nô đùa với bạn bè, chỉ cảm thấy lo lắng và khóc rất nhiều.

Sau này, mẹ Madeline, cô Tanya, mới biết con mình đã mắc chứng trầm cảm. Trước đây, trẻ em có những biểu hiện suy nhược này thường được chẩn đoán là thiếu chú ý rối loạn tăng động (ADHD), hoặc liên quan đến các vấn đề hành vi khác. Nhưng ngày nay, nó được công nhận rộng rãi rằng cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ lâm vào tình trạng này.

Nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ

Theo giải thích của tiến sĩ, nhà tâm lý học Sally Wooding ở Sydney (Úc), trầm cảm có thể gây ra bởi các yếu tố sinh học, do sự mất cân bằng các chất hóa học trong não. Và mặc dù có tính chất di truyền, nhưng không có nghĩa gia đình có người mắc bệnh trầm cảm thì đứa trẻ khi lớn lên cũng trở thành nạn nhân, Wooding cho biết thêm.

Chứng kiến những sự việc đau buồn trong cuộc sống như: kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn, sự ra đời của một thành viên mới, chuyển đổi môi trường sống, cái chết của người thân hay việc ly thân của cha mẹ có thể gây ra tình trạng này ở trẻ.

Nếu nghĩ rằng trẻ đang bị trầm cảm, việc can thiệp sớm là rất quan trọng bởi bạn không chỉ rút ngắn được thời gian điều trị mà còn làm giảm mức độ nghiêm trọng cũng như ngăn không cho bệnh quay lại, tiến sĩ Wooding chia sẻ.

Phân biệt buồn bã hay trầm cảm?

Tiến sĩ Sophie Havighurst, nhà tâm lý học lâm sàng trẻ em, giảng viên Đại học Melbourne (Úc), cho biết nỗi buồn là một phần của cuộc sống. Đó là một cảm xúc tự nhiên, và hầu như ai cũng ít nhiều đối mặt với nỗi buồn một vài lần, thậm chí hàng chục lần trong đời. Điều này hoàn toàn bình thường, nhưng vấn đề nằm ở chỗ khi điều đó xảy ra, cùng với thời gian bạn vượt qua như thế nào.

Trẻ em thường không phản ứng nhanh nhạy bằng người trưởng thành khi đối mặt với chuyện buồn phiền. Nếu nỗi buồn không biến mất về lâu dài trẻ rất dễ rơi vào tình trạng hụt hẫng và chuyển sang giai đoạn trầm cảm lâm sàng. 

Phát hiện sự thay đổi trong hành vi

Theo Bodyandsoul, một số trẻ nói cho bạn biết cảm xúc của chúng, trong khi đó, nhiều trẻ thì không, có thể do xấu hổ hoặc khó khăn trong việc tìm kiếm từ ngữ để diễn tả suy nghĩ của mình. Nếu trẻ không thể hoặc không bao giờ tiết lộ cảm xúc, bạn hãy bắt đầu chơi trò thám tử để tìm hiểu, thông qua việc quan sát những thay đổi trong hành vi của trẻ.

Chẳng hạn thói quen ăn uống (ăn quá nhiều, tăng cân, không quan tâm đến thức ăn, sụt cân), khó chịu, giận dữ, thù địch đối với người khác, rối loạn dạ dày, đau đầu, thay đổi tư thế ngủ, mất ngủ, ngủ quá nhiều, hoặc gặp ác mộng thường xuyên, đái dầm, thiếu tập trung, tự ti, ghê tởm bản thân…

Tiến sĩ Wooding giải thích nếu trẻ đang nói về cái chết hoặc có suy nghĩ tự hủy hoại bản thân, hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ ngay lập tức, trước khi tình hình trở nên tồi tệ.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thất vọng và bất lực khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Nếu nghĩ trẻ có thể bị trầm cảm, việc đầu tiên là cần tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Bác sĩ sẽ thảo luận về các triệu chứng của trẻ và hỏi xem việc đó đã xảy ra trong bao lâu để từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp, tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa David Thomas ở TP Adelaide (Úc), cho biết.

Sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ, con bạn có thể được kê toa thuốc chống trầm cảm. Cũng có thể con bạn cần sự giúp đỡ của một nhà tâm lý học trẻ em, và phương thức điều trị chủ yếu tập trung vào các hình thức quản lý hành vi. Tiến sĩ Wooding nói, liệu pháp nhận thức hành vi được cho là cực kỳ hiệu quả.

Học tập khả năng phục hồi cảm xúc

Để giúp trẻ đối phó trước những thách thức của cuộc sống và rèn luyện bản lĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh, điều quan trọng là để trẻ hiểu được cảm xúc buồn bã là chuyện bình thường. Hãy cho trẻ thời gian để nguôi ngoai, đồng thời động viên trẻ rằng nỗi buồn sẽ không kéo dài mãi mãi.

Sau đó, dạy trẻ biết tầm quan trọng của trẻ trong cuộc sống, khuyến khích trẻ nói về nỗi sợ hãi cũng như mối quan tâm của trẻ là gì. Dành thời gian trò chuyện cùng trẻ cũng như biết cách lắng nghe và ghi nhận tất cả cảm xúc của trẻ dù tốt hay xấu.

Tiến sĩ Havighurst cho biết trẻ em thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, vì vậy đừng cố gượng ép hay bắt buộc trẻ khi trẻ chưa muốn nói.

Ngọc Khuê

>> Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em
>> Dinh dưỡng và trầm cảm
>> Phụ nữ trầm cảm dễ bị đột quỵ
>> Nguy cơ trầm cảm do làm việc kéo dài
>> Vượt qua trầm cảm sau sinh
>> Sữa chua và chứng trầm cảm
>> Điều trị trẻ tăng động giảm chú ý
>> Tăng động giảm chú ý có tác hại lâu dài
>> Bạo lực ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.