Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Vẫn chân tình, ngọt ngào, mộc mạc...

21/12/2004 15:04 GMT+7

Những ngày cuối năm, tôi có dịp được gặp nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu tại nhà riêng của ông. Người nhạc sĩ (NS) ở tuổi 80 vẫn tràn trề sự trẻ trung và hóm hỉnh.

Những ngày đầu khởi nghĩa, giai điệu hào hùng của ca khúc Giải phóng quân vang lên khắp nẻo đường đất nước: "Đoàn giải phóng quân một lần ra đi. Nào có sá chi đâu ngày trở về. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui...". Cho đến hôm nay, NS Phan Huỳnh Điểu đã làm nức lòng hàng triệu thính giả bởi sự chân tình, ngọt ngào, mộc mạc trong mỗi ca khúc của ông.

* Nhạc sĩ vẫn sáng tác chứ ạ?

- NS Phan Huỳnh Điểu: Đúng vậy. Tôi vừa viết xong ca khúc cho tỉnh Cà Mau và đang sáng tác một ca khúc về Đà Nẵng.

* NS được nhân dân hai miền biết đến qua ca khúc Giải phóng quân. Xung quanh ca khúc này có rất nhiều chuyện thú vị như: NS lén sáng tác; nghe mọi người khen nhưng ngượng không dám nhận là bài hát của mình. Năm 1952 câu "Nào có sá chi đâu ngày trở về" bị lên án là bi quan. Sau đó NS có nói: chắc Phan Huỳnh Điểu phải viết "Anh ra đi rồi anh lại về. Lại về. Lại ra đi…" để hết bàn tán. Không biết đó là giai thoại hay chuyện thật?

Đó là chuyện thật. Giặc Pháp xâm chiếm SG, cả nước dấy lên phong trào Nam tiến. Lúc ấy bộ đội thường hát bài của NS Lương Ngọc Châu trong đó có câu "Một ra đi là không trở về". Giải phóng quân ra đời từ cảm hứng hào hùng đó. Hồi viết Giải phóng quân tôi chỉ mới biết đồ, rê, mi, fa, sol. Mãi đến 1954, tôi mới được ra Bắc học nhạc.

* Nghệ sỹ thường xem tác phẩm đầu tay như mối tình đầu. Vậy NS có thể kể gì về mối tình đầu mang tên Trầu Cau (1945) của mình?

- Tôi viết Trầu Cau cho các cháu thiếu nhi diễn kịch. Tôi xem vở kịch Tục luỵ có nội dung thế này: mười nàng tiên xuống trần tắm. Anh tiều phu lấy trộm một đôi cánh. Thế là cô tiên út phải ở lại làm vợ chàng. Nhưng không chịu nổi cuộc sống trần gian luôn bị chồng hành hạ, nàng đã tìm lại đôi cánh bay lên trời. Dựa trên câu chuyện đó và truyện cổ tích Trầu cau tôi viết nên ca khúc Trầu cau.

* Có NS chuyên phổ thơ. Có NS nhất định không sử dụng lời nhạc của người khác. Còn NS Phan Huỳnh Điểu vừa có thể truyền tải ý thơ vừa có khả năng tự viết lời?

Những ca khúc nổi tiếng thế giới đa số được phổ thơ. Quan niệm không viết lời được mới phổ thơ là không chính xác. Ở Trung Quốc có hẳn tập Ca Từ để NS phổ nhạc. Ở nước ta trong thời kháng chiến do sự phổ biến sách vở hiếm nên NS tự viết lời là chính.

* NS thường phổ nhạc cho thơ (Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu -Xuân Quỳnh; Tương tư chiều - ;Xuân Diệu; Bóng cây Kơnia - Ngọc Anh…) Vậy nhà thơ nào NS có nhiều đồng cảm nhất?

- Xuân Quỳnh. Thơ Xuân Quỳnh có nhiều màu sắc, tình cảm. Thơ và nhạc phải ăn khớp với nhau. Nhiều bài thơ hiện nay khó hiểu, thiếu tính nhạc. Phổ xong bài Thuyền và biển (Tuấn Phong hát), tôi có đưa Xuân Quỳnh nghe. Cô ấy không chịu vì cho rằng giọng nam không thể hiện đúng cái hồn của bài hát này. Chia tay, nam hay nữ đều đau khổ nhưng nỗi đau của nữ khác nam nhiều lắm. Mà bài thơ này là tâm trạng của Xuân Quỳnh trong nỗi chia xa người yêu.

* Xin cảm ơn NS !

Nguyễn Thị Thu Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.