Bao giờ Việt Nam khống chế được bệnh lao?

26/12/2005 00:15 GMT+7

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng hơn 2 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ dân số bị nhiễm lao lên đến 44% (là 1 trong 22 nước chiếm 80% số bệnh nhân lao toàn cầu).

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện lao & bệnh phổi T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia. Ông Sỹ cho biết thêm:

- Tình hình bệnh lao trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang diễn biến khá phức tạp, gây khó khăn trong công tác điều trị và phòng ngừa. Bệnh lao được xem là một trong những vấn đề khẩn cấp toàn cầu hiện nay. Hiện có 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao, hằng năm xuất hiện gần 9 triệu người mắc lao mới (trung bình cứ 4 giây có 1 người mắc lao) và có khoảng từ 2 - 3 triệu người chết mỗi năm. Tại Việt Nam, gần một nửa dân số bị nhiễm lao và số bệnh nhân lao ước tính mỗi năm tăng hơn 223.000 người với khoảng 20.000 ca tử vong. Đại dịch HIV/AIDS, nghèo đói, di dân tự do giữa các vùng - miền, môi trường sống ô nhiễm... là nguyên nhân chính làm gia tăng căn bệnh nguy hiểm này. Công tác phòng chống lao của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Chúng ta đã phát hiện được từ 76 - 82% số bệnh nhân lao là nguồn lây mới xuất hiện hằng năm (mục tiêu của WHO là 70%), điều trị khỏi trên 90% số bệnh nhân được phát hiện (mục tiêu của WHO là 85%) nhờ mạng lưới chống lao được triển khai sâu rộng đến tận xã, phường. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa thể khống chế tốt căn bệnh nguy hiểm này.

* Đến bao giờ Việt Nam mới có thể khống chế được bệnh lao, thưa ông?

- Ông Đinh Ngọc Sỹ: Bệnh lao tồn tại và phát tán xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để từng bước xóa dần căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng này, cần phải có một giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội chứ không riêng gì ngành y tế. Trước mắt, chúng ta cần phải duy trì vững chắc kết quả phòng chống lao đã đạt được trong thời gian qua; tập trung, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống lao ở vùng sâu, vùng xa và chú trọng đến những nhóm người dễ bị tổn thương (đối tượng vô gia cư, HIV/AIDS...). Mục tiêu chống lao của Việt Nam đến năm 2015 phấn đấu giảm 1/2 tỷ lệ mắc bệnh mới và bắt đầu khống chế được tỷ lệ mắc bệnh mới.

Đình Phú
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.