Những người Việt sáng tạo

21/04/2013 04:27 GMT+7

Không ít nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu gốc Việt đã để lại dấu ấn bằng những sáng tạo được đồng nghiệp thế giới đánh giá cao.

Thiên tài đương thời

Hồi năm 2007, tờ The Telegraph từng công bố danh sách bầu chọn 100 thiên tài đương thời của thế giới, trong đó có Giáo sư (GS) Võ Đình Tuấn - một nhà khoa học lẫy lừng gốc Việt. Theo trang mạng của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông Tuấn sinh năm 1948 tại Việt Nam và sang Thụy Sĩ từ năm 17 tuổi. Đến năm 1970 và 1975, ông lần lượt lấy bằng đại học rồi nhận học vị tiến sĩ hóa học vật lý y sinh của Học viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. Cũng trong năm 1975, vị tiến sĩ trẻ này sang định cư tại Mỹ rồi bắt đầu làm việc tại Trung tâm thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) ở bang Tennessee vào năm 1977. Kể từ đây, ông liên tục tạo ra những phát minh có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực vật lý y sinh.

Những người Việt sáng tạo
GS Võ Đình Tuấn được biết đến như một thiên tài đương đại - Ảnh: ornl.gov

Phát minh đầu tiên của ông, được đưa ra vào năm 1987, là một thiết bị giống như huy hiệu để người công nhân đeo. Thiết bị này ghi lại thông tin và mức độ những loại hóa chất độc hại mà người công nhân tiếp xúc trong ca làm việc. Hết ca làm việc, máy quét quang học sẽ ghi lại thông tin nhằm đưa ra những cảnh báo cần thiết liên quan đến sức khỏe của người đeo. Đối với lĩnh vực y tế, ông có một phát minh dựa trên công nghệ quang học giúp phát hiện những tế bào bị tổn thương vì ung thư, tiểu đường… Ưu điểm nổi bật trong các phát minh của GS Tuấn là sự đồng bộ hóa các dữ liệu liên quan để theo dõi sức khỏe con người mà không cần phải sử dụng các thủ tục y khoa thông thường. Suốt nhiều năm qua, ông có hàng chục phát minh quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực sinh học, môi trường và y khoa. Theo cơ quan quản lý thương quyền và phát minh Mỹ, kỹ thuật phát hiện ung thư thông qua công nghệ quét quang học của GS Tuấn là một phát minh quan trọng để chữa trị căn bệnh nan y này. Ông luôn cập nhật những thành tựu từ nhiều lĩnh vực công nghệ để phối hợp tạo ra các phát minh có ý nghĩa. Vì thế, GS Võ Đình Tuấn từng nhận không ít giải thưởng danh giá và được nhiều tổ chức, quỹ nghiên cứu vinh danh. Ví dụ: ông nhận giải thưởng Chuyển giao công nghệ xuất sắc của cơ quan thí nghiệm liên bang (năm 1986, 1995), được Trung tâm thí nghiệm quốc gia Oak Ridge vinh danh là Nhà khoa học của năm (năm 1989, 2003), huy chương Languedoc-Rousillon (năm 1989), nhận giải Thomas Jefferson (năm 1992), Hiệp hội Phát minh Tennessee vinh danh là Nhà sáng tạo của năm (năm 1996), giải thưởng của Bộ Năng lượng Mỹ (năm 1997), giải thưởng Phân tích ảnh phổ của Hiệp hội Hóa học Mỹ (năm 2011)…

Từ năm 2006 đến nay, ông giữ chức Giám đốc Viện Quang tử Fitzpatrick của Đại học Duke ở bang Bắc Carolina, Mỹ.

Những người Việt sáng tạo
Hai anh em GS Võ Bá Ngự (phải) và Võ Bá Tường nhận giải Eureka - Ảnh: defence.gov.au

Chinh phục giải Eureka của Úc

Đầu năm nay, website của Đại học Curtin (Úc) trang trọng đưa tin hai GS Võ Bá Ngự và Võ Bá Tường, vốn là 2 anh em ruột, chính thức chuyển sang giảng dạy, nghiên cứu tại đại học này. Sự trang trọng đó bắt nguồn từ việc hai ông nhận giải thưởng Eureka của Úc trong lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng hồi năm 2010. Khi đó, GS Ngự và Tường được trao giải bởi chương trình nghiên cứu kỹ thuật mới ứng dụng trong quân sự cho phép tàu ngầm, máy bay, xe chiến đấu theo dõi cùng lúc hàng ngàn mục tiêu. Dự án nghiên cứu này do Bộ Quốc phòng Úc bảo trợ.

Trước nay, các hệ thống dò tìm thông thường theo dõi vài trăm mục tiêu là cũng đủ khiến cho những máy tính công suất lớn bị quá tải. Thế nhưng, phát minh do hai GS trên hợp tác với một GS khác thông qua lý thuyết hình học ngẫu nhiên để tạo ra một thuật toán mới ưu việt hơn giúp theo dấu hàng ngàn mục tiêu cùng lúc mà máy tính thông thường vẫn đủ sức xử lý. Nhờ đó, khả năng hoạt động của tàu ngầm, máy bay và xe tác chiến mặt đất sẽ được tăng cường đáng kể khi tầm định vị, dò tìm bao phủ rộng hơn. Ngoài ra, phát minh này còn có thể được ứng dụng trong việc theo dõi giao thông dân sự, giúp hỗ trợ quản lý hệ thống giao thông của các đô thị.

Hồi năm 1982, hai anh em ông đến Úc định cư cùng gia đình. Đến năm 1997, ông Ngự nhận bằng tiến sĩ hồi năm 1997 rồi làm công tác nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật máy tính điện tử của Đại học Melbourne (Úc) vào năm 2010, rồi trở thành GS về xử lý tín hiệu ở Đại học Tây Úc (UWA). Trong khi đó, ông Tường nhận học vị tiến sĩ của UWA vào năm 2008 rồi bắt đầu tham gia nghiên cứu cùng anh trai của mình.

Ngoài những tên tuổi trên, tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn cũng là một người được thế giới biết đến với hơn 100 phát minh có giá trị. Theo chuyên trang lưu trữ thông tin dữ liệu Accessmylibrary.com của Mỹ, tiến sĩ Sơn (58 tuổi) đăng ký hơn 100 bằng phát minh sáng chế có giá trị cao. Đến Mỹ vào năm 1974, ông Sơn lấy bằng tiến sĩ ngành hóa vào năm 1981. Sau đó, ông bắt đầu làm việc tại trung tâm thí nghiệm của Hãng IBM rồi trở thành một nhà phát minh hàng đầu liên quan đến chíp cho tập đoàn này suốt khoảng 30 năm qua.

Hoàng Đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.