ASEAN trong mối quan tâm của người Nhật

27/07/2013 03:55 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói tại Singapore hôm 26.7 rằng ông mong ước Nhật Bản và ASEAN cùng “tạo dựng hòa bình và ổn định” cho khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói tại Singapore hôm 26.7 rằng ông mong ước Nhật Bản và ASEAN cùng “tạo dựng hòa bình và ổn định” cho khu vực. 

Trong vòng ba ngày từ 25 - 27.7, Thủ tướng Abe thăm lần lượt 3 nước Malaysia, Singapore và Philippines. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào ngày 21.7. Trước đó, ngay khi trở lại cầm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe đã đi thăm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và nhiều quốc gia lân cận Trung Quốc. Tính đến nay, ông Abe “đã thăm đến 17 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong vòng hơn nửa năm”, một phóng viên Nhật lưu ý và đặt vấn đề về những mối quan tâm của ông đối với khu vực. Trả lời câu hỏi này sau cuộc gặp sáng 26.7 với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Abe nói rằng chuyến thăm của ông có mục đích chính là thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế của Nhật Bản với khu vực. Ông cũng nói Tokyo muốn hợp tác với ASEAN để bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương “được kiểm soát bởi luật pháp, chứ không phải bởi sự câu kết và khủng bố tinh thần”.

ASEAN trong mối quan tâm của người Nhật
Thủ tướng Abe (trái) và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long gặp nhau ngày 26.7- Ảnh: Thục Minh

Phát biểu tại buổi diễn thuyết thường niên do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore tổ chức chiều 26.7, ông Abe hướng dư luận vào chiến lược cải cách kinh tế mà ông đang tiến hành để vực dậy “nền kinh tế thiếu máu” dẫn đến suy yếu nền chính trị Nhật Bản trong vài năm qua. Và trong bối cảnh đó, “ASEAN sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản” như thể “hai động cơ song song”, ông nói.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng thừa nhận quan hệ ASEAN - Nhật Bản “đã vượt ra khỏi phạm vi kinh tế để “tạo dựng một liên hiệp có trách nhiệm giữ gìn an ninh cho khu vực, đặc biệt là sự tự do lưu thông trên biển”. Ông cũng khẳng định: “Tôi mong ước xây dựng Nhật Bản thành một quốc gia tạo dựng hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Mơ ước và cam kết của ông Abe không phải là không có cơ sở. Một chuyên gia tại ISEAS nhận định với Thanh Niên rằng trong nhiều năm trở lại đây chưa lúc nào bộ máy lãnh đạo của Nhật Bản thống nhất cao như thế, khi mà LPD nắm đa số trong cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Điều đó cho phép ông Abe có cơ sở để thực hiện giấc mơ của mình. Đặc biệt, một khi ông Abe đạt được nguyện vọng “cởi trói” sức mạnh quân sự của Nhật Bản khỏi những ràng buộc của hiến pháp, từ cái gọi là Lực lượng phòng vệ biến thành một bộ quốc phòng hoàn chỉnh, “nước này sẽ là một cường quốc quân sự chỉ đứng sau Mỹ”, chuyên gia trên nói.  

Hôm qua, Thủ tướng Abe cũng có cuộc gặp chớp nhoáng với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang có chuyến thăm chính thức Singapore từ 25 - 27.7. Ông Biden thăm Singapore sau khi đến Ấn Độ. Theo thông cáo của Nhà Trắng, vấn đề tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông là nội dung thảo luận chính của 2 nhà lãnh đạo này.

Tokyo xem xét việc nâng năng lực quốc phòng

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 26.7 vừa công bố một báo cáo mới. Kyodo News dẫn báo cáo nêu rõ Tokyo nên tăng cường chức năng biển của Lực lượng phòng vệ (SDF), bao gồm việc thành lập đơn vị đổ bộ giống như thủy quân lục chiến của Mỹ. Báo cáo còn đề xuất trang bị máy bay không người lái (UAV) cho SDF để giám sát liên tục các đảo hẻo lánh, trong đó có thể gồm quần đảo tranh chấp với Trung Quốc là Senkaku/Điếu Ngư. Giới chức Nhật được cho là đang nhắm tới UAV Global Hawk do Mỹ chế tạo. Bộ Quốc phòng Nhật cũng đang cân nhắc chọn mua máy bay MV-22 Osprey của Mỹ để SDF có thể triển khai nhân lực tới những đảo ở xa kịp thời khi có biến cố.

Báo cáo còn đề xuất Tokyo cần đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc ứng phó môi trường an ninh xung quanh Nhật đang thay đổi, giữa lúc Triều Tiên kiên quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân, phát triển tên lửa.

Giới chuyên gia cho rằng Nhật hiện có khả năng tấn công nhất định nhưng để có thể đánh trúng các bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên, Tokyo phải có thêm chiến đấu cơ và nâng cao khả năng tình báo. Còn nếu muốn tấn công căn cứ tên lửa ở Trung Quốc, Nhật cần phải trang bị khí tài nhiều hơn nữa. Phản ứng về báo cáo trên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc yêu cầu Nhật duy trì ổn định trong khu vực, theo Yonhap. Hàn Quốc đang có tranh chấp với Nhật về nhóm đảo Dokdo/Takeshima và từng bị đế quốc Nhật chiếm đóng.

Văn Khoa

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Mỹ kêu gọi ASEAN, Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán COC
>> Hội nghị ASEAN về khói bụi có kết quả
>> Nhiều nước tham gia Festival di sản UNESCO Việt Nam - ASEAN
>> Hội nghị ASEAN nóng bỏng vì vấn đề hạt nhân
>> Diễn đàn Khu vực ASEAN hủy phiên họp toàn thể

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.