Đưa mạ về quê

17/12/2009 17:53 GMT+7

Lần đầu tiên trong cuộc đời chứng kiến sự ra đi của người thân, người đó lại là người mà chồng tôi và tôi thương yêu vô bờ bến, nên trong tôi một cảm giác chông chênh không nơi bấu víu...

Ngày xưa khi mạ từ quê về Đồng Hới bằng đò, giờ con đưa mạ lên quê bằng ô tô. Con ngồi, giữ cho những ngọn nến đừng bị gió thổi tắt. Cứ qua mỗi ngã ba, chồng con lại bíu lấy cỗ áo quan mà nhắc: “ Đây là chợ Ga mạ nì, đây là đường về chợ Đồng Hới, đây là chợ Cưởi, còn đây là đường đi..."

Có lẽ không nơi nào không từng in dấu chân của mạ.

Xe đưa mạ qua cầu Dài, con nhìn thấy cái bến sông nơi ngày xưa mạ vẫn thường theo đò về chợ. Con sông ấy giờ người ta đã bắc qua một cây cầu, hai bên có nhà tầng nên nó hẹp đi nhiều, vậy mà con vẫn thấy nó rất rộng. Nơi đó, hồi con mới từ Huế ra, mỗi buổi chiều khi mạ về, bao giờ bán hàng, mạ cũng chừa lại con cá lóc to nhất để bán hàng xong “đem vô cho cháu ta”. Thỉnh thoảng mạ gắng ở lại một buổi, dắt thằng Ben đi chợ. Thằng Ben lẫm chẫm đi theo, cả chợ Đồng Hới ai cũng xuýt xoa "hắn có cái khu giống mệ", vậy là mạ cười ha ha "cháu đích tôn ta đó".

Có một lần mạ đặt đóng cho con thêm một chiếc giường từ trên quê, gửi theo đò mang về Đồng Hới  (vì mạ biết con từ Huế ra đây nhà thường nhiều khách, mà con thì không quen ngủ đất). Con ra bến đón, mạ dặn con đứng trên bờ rồi xắn quần phăm phăm nhảy lên thuyền vác xuống. Mạ là “mụ gia” của con.

Xe thì cứ chạy song song với dòng sông. Dòng sông ấy rất dài. Mạ là người đi đò dọc. Con nhìn thấy một con thuyền nhỏ giữa dòng, con thuyền ấy bơ vơ.

Hàng chục năm trời mạ một mình với gánh đầy gạo, chiếu... rong ruổi theo đò từ Lệ Thủy về Đồng Hới bán nuôi đàn con ăn học. Có một lần con nghe mạ kể: "Một mình mạ giữa đêm chèo đò qua phá Hạc Hải, thấy mấy gã đàn ông đi đánh cá, mạ sợ quá nên đánh lạc hướng bằng cách chửi tướng lên: “Cái thằng cha nớ ngủ chi mà ngủ lắm rứa, dậy mà chèo đỡ cho họ một chặp nờ, chỉ được cái to xác”. Cái tiếng la giữa đêm ấy ám ảnh mãi trong con. Chao ôi, để nuôi con, người ta có thể chấp nhận mọi khổ cực thân xác, nhưng đằng sau sự đảm đang mạnh mẽ mà người ta vẫn thấy ấy,  mạ là một người đàn bà. Và cái mà người đàn bà sợ nhất vẫn là sự cô đơn phải không mạ?

Con bước lên cái bậc thềm mà mỗi lần mẹ con con về thăm khi chào để vô nhà bao giờ mạ cũng ngồi yên ở đó nhìn theo, mặc cho ai ồn ào chào hỏi.

Từ nay, bậc thềm ấy không có dáng mạ nữa rồi.

Trong ngôi nhà ấy, mạ không chỉ là trụ cột, mạ còn là linh hồn.

Con bóp vai cho mạ, mạ nói thôi thôi được rồi kẻo mỏi tay. Mạ không bao giờ muốn làm phiền người khác. Mạ, cái chi mạ cũng nói mạ gắng được, mạ gắng được, răng chừ mạ không gắng để ở lại với tụi con. Hay mạ nói bây chừ tau nuôi bây khôn lớn thành tài cả rồi thì bây tự gắng đi, tau không gắng nữa?

Tụi con vẫn còn nhỏ lắm mạ ơi!

Cúc Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.