Đơn ca tài tử Nam bộ - Kỳ 2: Doanh nhân mê hát xướng

07/06/2013 03:30 GMT+7

Mỹ Tho xưa có Nam Kỳ lữ điếm, là một dãy lầu 10 căn nằm cạnh ga xe lửa (đường Trưng Trắc ngày nay), do Huỳnh Đình Điển làm chủ. Ông là một doanh nhân nhưng rất say mê nhạc tài tử.

>> Đờn ca tài tử Nam bộ: Ngón đờn kìm của bậc tài hoa

Doanh nhân kiêm nghệ nhân

Huỳnh Đình Điển người Gò Công, sinh năm 1863. Thuở nhỏ ông học ở trường tỉnh rồi chuyển lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat. Tốt nghiệp, ông ra làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Trung kỳ, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc. Ông là học trò của nhạc sư Lộ Công Trứ nổi tiếng đất Gò Công. Lúc làm thông ngôn Tòa Khâm sứ, có lần ông theo thầy Lộ Công Trứ ra kinh đô Huế, đàn hát giúp vui cho Thái hậu Từ Dũ.

Vốn là một nghệ nhân lành nghề lại đam mê âm nhạc, ông tìm mua gỗ trắc, gỗ ngô đồng, ngà voi, xương voi... về làm một bộ nhạc cụ gồm: đờn kìm, đờn tranh, tì bà, sến, độc huyền, tiêu và sáo. Tại Gò Công, ông lập ban nhạc tài tử gần một chục người thường xuyên diễn tấu, vui chơi. Huỳnh Đình Điển sử dụng đờn kìm điêu luyện, nhưng tài hoa nhất là thổi sáo. Cây sáo của ông chế tác bằng ống xương voi. Có lần ông ngồi tàu thủy ra bắc, theo quy định thời bấy giờ tàu khách không được cặp sát bến mà phải đậu ngoài khơi. Trong lúc chờ đợi một người bạn đem ca nô ra rước, ông đem sáo ra thổi, người bạn của ông nghe tiếng sáo lần theo đúng chỗ thuyền đậu.

Năm 1906, sau khi tham dự hội chợ các nước thuộc địa tại Marseille, Pháp, các thành viên của hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho đều xuống tàu về nước. Riêng Huỳnh Đình Điển xin ở lại, theo lời chỉ dẫn của một người bạn, để học nghề thú nhồi bông, sau đó về nước mở cửa hiệu tại số 104 đường Pellerin, Sài Gòn. Thời bấy giờ, vào ngày cuối tuần các quan chức người Pháp ở Sài Gòn có thói quen cưỡi xe song mã lên vùng Thủ Dầu Một săn bắn. Đến chiều trở về thế nào cũng hạ được vài con thú rừng. Để khoe tài thiện xạ, họ thường nhờ Huỳnh Đình Điển nhồi bông bộ da để lưu giữ “chiến lợi phẩm”. Huỳnh Đình Điển có thể nhồi bông bộ da cọp, gắn mắt thủy tinh, vá lại chỗ đạn bắn và sửa lại điệu bộ những con thú cho sống động. Chỉ mấy con khỉ mà ông có thể biến thành một đám mệnh phụ phu nhân đánh bài tứ sắc hoặc một cu li kéo xe cho chủ... nên đám khách Tây rất thích. Và cũng nhờ biệt tài làm thú nhồi bông nên ông quen thân với nhiều quan chức ở Sài Gòn thời bấy giờ để làm vỏ bọc tham gia các phong trào chống lại chế độ thuộc địa.

 Minh Tân khách sạn
Minh Tân khách sạn - Ảnh: Tư liệu

Năm 1908, Huỳnh Đình Điển cho Gilbert Trần Chánh Chiếu mượn Nam Kỳ lữ điếm ở Mỹ Tho và đổi thành Minh Tân khách sạn để làm cơ sở kinh tài cho phong trào Minh Tân. Ngoài ra, ông còn hùn vốn lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ và nhiều hội buôn để lấy tiền lời đưa du học sinh ra nước ngoài học tập, đồng thời hỗ trợ xuất bản tờ Lục Tỉnh tân văn, kêu gọi đổi mới, yêu nước. Ít lâu sau, bị Trần Bá Thọ tố cáo nên các cơ sở kinh tài của phong trào Minh Tân đều bị xét, Trần Chánh Chiếu bị bắt cùng 90 người, trong đó  có Huỳnh Đình Điển. Nhưng vì Trần Chánh Chiếu có quốc tịch Pháp nên chính quyền thuộc địa không đưa ra tòa bởi theo quy định thời bấy giờ người có quốc tịch Pháp không thể xử theo luật thuộc địa. Do đó mỗi người chỉ bị tạm giam ít tháng rồi được tha bổng. Sau biến cố này, Huỳnh Đình Điển đổi tên Minh Tân khách sạn trở lại là Nam Kỳ lữ điếm. Nơi đây đã mấy lần đón nhận cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh và Kỳ ngoại hầu Cường Để về vận động quyên góp cho các phong trào yêu nước.

Những người bạn tri âm

Trở lại chuyện ban nhạc tài tử. Huỳnh Đình Điển và Nguyễn Tống Triều vốn là bạn tri âm từ trước, trong dịp sang Pháp, họ cùng nhau lênh đênh trên mặt biển suốt mấy tháng trời, cùng hòa tấu những khúc nhạc tri âm. Ở Marseille, trừ những đêm lên sân khấu biểu diễn, họ cùng nhau tham quan tìm hiểu, dự khán những đêm biểu diễn và học hỏi nhiều điều từ kịch nghệ phương Tây.

Khi trở về quản lý Nam Kỳ lữ điếm, Huỳnh Đình Điển đã rước ban nhạc của Nguyễn Tống Triều đến trình diễn. Hai người bàn với nhau nên bắt chước lối trình diễn sân khấu ở hội chợ các nước thuộc địa. Họ thống nhất về cách bài trí sân khấu như bố trí phông màn, trên có bày một bộ ván, phía trước có một bàn nghi đủ lư đỉnh, bình hoa và đĩa ngũ quả. Ban nhạc tài tử mặc quốc phục ngồi trên bộ ngựa trình diễn. Còn các ca sĩ đứng trước bàn nghi, mỗi người ca một đoạn, có điệu bộ minh họa... Từ đó hình thành nghệ thuật ca ra bộ, bước khởi đầu tiến tới loại hình cải lương.

Huỳnh Đình Điển có người bạn thân quê ở Đồng Sơn (Gò Công) tên là Lê Sum, chủ bút tờ Công luận báo. Lê Sum là một trong những nhà báo cừ khôi ở miền Nam, lại rất giỏi thi phú, người đồng cảnh ngộ với Huỳnh Đình Điển có cuộc sống gia đình đơn chiếc. Năm 1919 Lê Sum cho ra đời quyển Việt âm Văn uyển, nhà in J.Viết xuất bản.

Về cuối đời, Huỳnh Đình Điển sống tại Gò Công với người vợ trong hoàn cảnh không con cái, thỉnh thoảng ông lấy đờn ra khảy hoặc lấy tiêu ra thổi. Những người bạn tri âm tri kỷ đều đã qua đời, tiếng đàn ông giống như tiếng kêu lạc lõng giữa đêm khuya. Trước khi mất ông dặn vợ đem bộ nhạc cụ của mình đốt cháy tất cả, để ông gặp bạn của mình dưới suối vàng cùng hòa tấu.

Một người bạn khác có thể gọi là tri âm tri kỷ với Huỳnh Đình Điển là cụ Phan Chu Trinh. Huỳnh Đình Điển từng nuôi nấng cụ Phan Chu Trinh lúc cụ đến Mỹ Tho, giúp đỡ rất nhiều tiền bạc lúc cụ ở Pháp. Khi cụ Phan lâm bệnh nặng về nước, Huỳnh Đình Điển đã rước cụ về nhà mình số 104 đường Pellerin, Sài Gòn chăm sóc. Khi cụ Phan mất, Huỳnh Đình Điển là người đứng đầu ban tang lễ lo từ việc xếp đặt chương trình nghi lễ, phát hành đưa tang, đọc diễn văn truy niệm, tổ chức an táng cụ Phan tại nghĩa trang tương tế Gò Công và lập đền thờ cụ tại Đa Kao. Sự kiện đã gây tiếng vang lớn, mở đầu cho các địa phương làm lễ truy điệu cụ Phan, tiến tới những cuộc biểu tình bạo động.

Ngọc Phan - Hoàng Phương

>> Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa quốc gia
>> Bảo lưu giá trị di sản văn hóa đờn ca tài tử
>> Đờn ca tài tử mừng năm mới
>> Đờn ca tài tử ở Phú Quốc
>> Đờn ca tài tử kết duyên điện ảnh
>> Đờn ca tài tử phô diễn lực lượng
>> 70 năm sưu tầm tư liệu đờn ca tài tử
>> Đệ trình UNESCO hồ sơ đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Đờn ca tài tử
>> Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho đờn ca tài tử
>> Đề xuất Đờn ca tài tử thành di sản văn hóa thế giới
>> Suy nghĩ về số phận của đờn ca tài tử
>> Những nghệ sĩ nhí đờn ca tài tử
>> Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ lần 3 năm 2005 - khu vực miền Tây: Niềm tin vào lớp tài tử trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.