Vẻ đẹp người lính trong thơ Lê Lương Ngọc

07/01/2014 09:43 GMT+7

Đẹp mãi tên anh là tập thơ đầu tay của đại tá Lê Lương Ngọc (NXB Văn học, 2013). Ông đến với thơ như một sự tình cờ để giải bày những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời. Với 28 bài thơ và 5 bản nhạc chọn lọc trong số hơn trăm bài được sáng tác từ thập niên 70 đến nay đã cho người đọc thấy rõ hơn những rung động của con tim về vẻ đẹp của quê hương đất nước; tình yêu lứa đôi; niềm vui và trăn trở của người lính; tình quân dân cá nước giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia.

 

Tập thơ là một thông điệp về tình nhân ái và trách nhiệm công dân trước cuộc đời và vận mệnh đất nước. Ở đó có sự kết hợp hài hoà giữa tính hướng nội và hướng ngoại. Đây là niềm ước ao thủy chung, cháy bỏng của một tình yêu đẹp khi hai người xa nhau: Nghìn trùng muôn dặm cách xa/ Trong tâm tưởng em vẫn là của anh/ Trời kia vẫn mãi cao xanh/ Đôi ta vẫn mối duyên lành đó thôi...  (Giá như).

Tình yêu quê hương đất nước trong thơ ông là chất xúc tác làm tăng thêm sức mạnh cho người lính chắc tay súng. Bài ca người lính trẻ - một bài thơ do ông phổ nhạc đã đoạt huy chương vàng (giải A Hội diễn Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 9) là một lời thề vang lên vô cùng tự hào về anh bộ đội Cụ Hồ: Tuổi trẻ nhiệt tình tràn dâng sức sống/ Lửa tình yêu thắp sáng trái tim mình/ Quê hương Tổ quốc ta tươi đẹp tựa muôn hoa/ Ta đi bảo vệ Tổ quốc quê hương ta/ Dù hiểm nguy không sờn lòng...

Rời làng quê Bắc Giang giàu truyền thống văn hóa của vùng Kinh Bắc, ông vào bộ đội, trải qua chiến trường Lào - Campuchia và cuối cùng “đậu” lại Cần Thơ “gạo trắng nước trong”. Quê ông với những liền anh liền chị đội nón ba tầm lúng liếng quai thao là ấn tượng khó phai trong tâm trí: Ai có về Kinh Bắc quê em/Nhớ ghé thăm làng quan họ/ Thăm dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ/ Hát cùng em câu hát “Người ở”… (Kinh Bắc quê em). Các bài Không hưu, Em - hoa hồng, Vẩn vơ... là những nụ cười tủm tỉm nhẹ nhàng mà sâu lắng, đôi khi ẩn chứa những suy tư, trăn trở về cuộc đời: Trở về làng tưởng mình mơ/Bờ tre, vạt cỏ, bây giờ còn đâu/ Ven đê mọc những nhà lầu/ Ruộng, nương bóng cá chim đâu chẳng còn (Làng).

Những bài thơ ông viết cho thiếu nhi thật trong trẻo, hồn nhiên. Ở đó, thế giới tuổi thơ hiện lên với bao điều kỳ diệu. Các bài Anh bộ đội của em, Phía sau lời trẻ, Em yêu màu áo xanh là những gam màu tươi sáng: Anh bộ đội về làng/ Làng xóm em vui hơn/ Anh bộ đội đến trường/ Trường chúng em rộn rã...

Và cuối cùng là lời cầu mong cho mọi kiếp người: Đã sinh ra kiếp con người/ Sang, hèn, sướng, khổ sự đời rủi may/ Mong sao trên thế gian này/ Tình yêu chan chứa, đắng cay bớt lời… (Mong).

Vẻ đẹp tên anh không ghi lại cảnh khói lửa ngút trời của những trận đánh mà chỉ khắc hoạ đôi nét điển hình về cuộc sống và tâm tư người lính, qua đó làm nổi bật vẻ đẹp nội tâm của anh bộ đội Cụ Hồ. Ngôn ngữ thơ Lê Lương Ngọc vừa giản dị vừa hiện đại, kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ văn chương, sự đan xen của ngôn ngữ vùng Kinh Bắc- quê anh và ngôn ngữ dân gian Nam bộ. Vì thế chất lính, chất tình càng làm cho hình tượng thơ neo lại được trong tâm hồn người đọc. Đặc biệt, những bài thơ do chính anh phổ nhạc với giai điệu hành khúc hay trữ tình bay bổng càng làm cho hồn thơ cất cánh bay cao, bay xa.

Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.