Dinh dưỡng cho tuổi dậy thì

27/12/2005 10:10 GMT+7

Đời người có 3 giai đoạn quyết định đối với việc tăng trưởng chiều cao. Giai đoạn bào thai, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) bào thai, sinh ra nhẹ ký - là đã mất đi một cơ hội. Giai đoạn thứ hai là 3 năm đầu đời - nếu trẻ SDD kéo dài thì lại mất thêm một cơ hội. Giai đoạn thứ ba là ở tuổi dậy thì, nếu dinh dưỡng không tốt thì... đành chịu thấp lùn vĩnh viễn!

Tại buổi trao đổi với học sinh và phụ huynh Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về đề tài dinh dưỡng ở tuổi dậy thì, Tiến sĩ - BS Trần Thị Hồng Hạnh - Phó khoa Dinh dưỡng cộng đồng thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đã cung cấp những thông tin hết sức cụ thể về vấn đề này.

Tuổi dậy thì, ăn gì để không bị SDD?

BS Hồng Hạnh đặt câu hỏi: "Thế các em có ăn sáng không?". Trên 50% cánh tay giơ lên với lời đáp tập thể: "Quên ăn". Nhiều em ngủ dậy muộn, không kịp ăn sáng ở nhà, bố mẹ cho tiền ăn sáng, đến trường lại vào lớp ngay nên quên luôn việc ăn sáng. Bữa trưa đi học về lại mệt mỏi, ăn không thấy ngon miệng.

Một số phụ huynh khi con ở tuổi mầm non và tiểu học còn quan tâm chăm sóc bữa ăn của trẻ, nhưng khi con bước vào tuổi học cấp II thì nghĩ con mình đã lớn nên không chú ý đến bữa ăn của con nữa. Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ do đi làm trưa không về nhà, trẻ đi học về tự lo, dẫn đến ăn uống qua loa. Ăn không đủ bữa, không đủ chất lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng gầy ốm, SDD.

Trẻ em lứa tuổi dậy thì bị gầy vì SDD thì ngoài ba bữa ăn chính cần ăn thêm bữa phụ giàu năng lượng. Các em có thể uống sữa, ăn bánh nhân thịt, bánh mì (mứt, bơ, phô mai), chè...

Đối với các em bị béo phì, "nhịn ăn" không phải là biện pháp giải quyết như nhiều người nghĩ. Lời khuyên của BS là không ăn nhiều chất béo, chất đường và nên bỏ bữa phụ. Nếu đói quá thì có thể ăn trái cây ít ngọt như thanh long, bưởi, cam... Đặc biệt ổi sẽ làm các em no nhanh nhưng không giàu năng lượng.

"Ăn óc bổ óc"?

Không một loại thực phẩm nào, dù rất bổ dưỡng lại có thể cung cấp đầy đủ tất cả các chất cần thiết cho cơ thể. Do vậy, trẻ cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để có đủ dinh dưỡng.

Dinh dưỡng để bổ não cần ít nhất là 5 dưỡng chất. Glucose được xem là "nhiên liệu cho não hoạt động". Các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu, khoai, rau củ sẽ tốt hơn đường tinh vì hấp thu vào máu từ từ giúp lượng đường máu ổn định. Chất béo thiết yếu (Omega 3 và 6) được xem là "kiến trúc sư xây dựng trí thông minh". Các chất béo thiết yếu này có trong các loại cá như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích và các loại hạt nhiều dầu như bí đỏ, hướng dương, mè...

Phospholipid - "người bạn tốt nhất của trí nhớ" là chất béo "thông minh" của não, giúp tạo myelin bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sự truyền các tín hiệu một cách trơn tru trong não. Chất này có nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng.

Acid amin - "tiếng nói" của não và cảm xúc. Đây là thành phần tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh đưa tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác; có nhiều trong thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu.

Vitamin và khoáng chất - "diễn viên phụ" giúp cho các "diễn viên chính" nêu trên phát huy tác dụng. Đặc biệt là các vitamin nhóm B như B1, B3, B5, B6, B12 (trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau), vitamin C (có trong rau và trái cây), acid folic (có trong rau lá xanh đậm), ma-nhê (có trong rau xanh và các loại hạt), man-gan (có trong các loại hạt trái cây và trà) và kẽm (trong con hàu, cá và các loại hạt).

Vì sao "thiếu i-ốt" là bị... ngu?

Ngoài các chất trên, cơ thể còn cần một số vi chất để "phục vụ" cho bộ não là i-ốt và sắt. Thiếu i-ốt dẫn đến bệnh bướu cổ, trí tuệ không phát triển, bị thấp lùn, làm não bị tổn thương, gây tình trạng học tập thụ động, dẫn đến trì trệ, giảm tiếp thu.

Chất sắt - cần cho sự tạo máu. Học sinh nữ bị thiếu máu nhiều vì mất máu sinh lý (kinh nguyệt). Nếu thiếu máu sẽ có biểu hiện mệt mỏi, kém tập trung, ngủ gật trong lớp. Ngủ gật là do không đủ máu mang oxy đến não. Khi chơi thể thao, một vài em mặt xanh lè, chạy vài vòng là... xỉu cũng do thiếu máu. Chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá hoặc rau xanh như rau dền, bồ ngót và các loại đậu. Các em nên ăn thêm các loại trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn chính như cam, bưởi, táo, đu đủ để giúp hấp thu tốt chất sắt.

Chơi môn thể thao nào để tăng chiều cao?

Nên chơi các môn thể thao như bơi lội, nhảy cao, nhảy xa, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông. Không có thời gian chơi thì trong nhà nên treo một quả bóng lên cao, học mệt thì ra với, nhảy đánh vào quả bóng chừng chục cái là vừa cao vừa khỏe, vừa giảm stress do học hành căng thẳng ! Khi vận động, cơ xương được kích thích sẽ phát triển dài ra.

Theo Thảo Sương/Báo Phụ Nữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.