Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục - Kỳ 2: Thỏa hiệp hay bơi ngược dòng ?

28/03/2013 03:00 GMT+7

Có ý kiến cho rằng gian lận trong giáo dục hiện nay là phổ biến nên người ta dễ dàng thỏa hiệp. Vì vậy chọn thái độ trung thực hay làm ngơ và chấp nhận là băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ.

Có ý kiến cho rằng gian lận trong giáo dục hiện nay là phổ biến nên người ta dễ dàng thỏa hiệp. Vì vậy chọn thái độ trung thực hay làm ngơ và chấp nhận là băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ.

Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục

Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục

Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục

Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục
“Phao” thi tràn lan trong các kỳ kiểm tra, tốt nghiệp hay tuyển sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phạm Thành Sĩ, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đang là du học sinh tại Hàn Quốc, thừa nhận: “Những gian lận trong giáo dục hiện nay là hằng hà sa số: sao chép đồ án, luận văn; quay cóp và gian lận trong thi cử; chạy điểm; mua bằng… Không chỉ SV gian lận, đạo văn mà ngay cả thầy cô, giảng viên cũng không ngoại lệ khi sao chép tài liệu giảng dạy từ người khác; vô tư lấy thông tin từ sách giáo khoa đưa lên các slide bài giảng mà không trích dẫn nguồn… Điều bất ngờ ở chỗ là, nếu như trước đây, những thói xấu này thường bị chỉ trích gay gắt, lên án mạnh mẽ thì hiện nay dường như được mọi người chấp nhận như là điều hiển nhiên, bình thường”. Trước thực trạng này, Sĩ cũng như nhiều người khác cho rằng rất khó xóa bỏ tình trạng gian lận trong giáo dục.

Thật thà, thua thiệt ?

 

“Đạo văn” trên... mạng xã hội  

Giới trẻ, đặc biệt là cư dân của những mạng xã hội như YuMe, Facebook hiện đang có “sở thích đếm like”. Sau khi đăng hình ảnh, viết những dòng trạng thái (status), thường có thói quen ngồi chờ đợi và xem có được bao nhiêu lượt yêu thích.

Để có được số lượng “like” cao, nhiều người nghĩ cách “lấy cắp” các hình ảnh ý nghĩa, những câu nói hay... từ những trang cá nhân của bạn bè, Fan Page khác, những câu nói của những người nổi tiếng... để đăng lại và không trích dẫn nguồn. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận, thói quen này trên các mạng xã hội chính là minh chứng rõ nhất cho thực trạng đạo văn, sao chép tràn lan, không chịu trích nguồn đáng báo động hiện nay. Và theo anh, đây là thói quen xấu. Điều này cần loại trừ ngay trên cộng đồng mạng.

Không ít học sinh - SV  các trường tại TP.HCM thật sự khó xử với tình huống sau: “Đặt trường hợp trong phòng thi, nếu như tất cả các bạn trong lớp sử dụng tài liệu thì bạn có sử dụng không?”.

Nhóm nữ sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình) cho rằng rất khó để quyết định trong trường hợp này. Không thể biết mình nên “bơi ngược dòng hay để nước cuốn trôi” bởi nếu tôn trọng giá trị trung thực thì chắc chắn làm bài không hoàn chỉnh, sẽ nhận thua thiệt điểm số so với mọi người. Còn để được điểm cao thì đồng nghĩa với việc vi phạm quy chế thi, chấp nhận sự gian dối, đi ngược lại giá trị sống chuẩn mực.

Câu chuyện trên không là ngoại lệ khi có rất nhiều trường hợp giới trẻ gặp những tình huống éo le khi lựa chọn trung thực. Tuyết Mai, đang là SV một trường ĐH ở TP.HCM, kể lại: “Có lần nhận phiếu đánh giá giảng viên, cứ nghĩ rằng khoa và nhà trường làm điều này để SV có thể “hiến kế” giúp chất lượng giảng dạy ngày càng tốt hơn nên mình nói tất cả những trăn trở, suy nghĩ của mình về từng thầy cô, cả ưu khuyết điểm. Nhưng thật bất ngờ đã bị giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp mắng té tát, yêu cầu đánh giá lại với những lời khen tặng “để đừng gây thù chuốc oán với các giảng viên”. Mình đành phải ngậm ngùi thực hiện lại. Tệ hại hơn, suốt từ “bước ngoặt” ấy đến nay, mình vẫn là “cái gai” trong mắt của giáo viên chủ nhiệm”.

Với khảo sát tương tự, khi đăng tải lên khá nhiều Fan Page trên Facebook, khá đông ý kiến lựa chọn dối trá vì trung thực đồng nghĩa thiệt thòi… Nhiều người đã thông tin thêm, nếu “bơi ngược dòng”, không những chỉ nhận điểm số ít hơn mà còn những lời dè bỉu như “ngốc nghếch”, “sĩ diện hão”, “khác người”…

Bảo vệ giá trị sống đích thực

Tuy nhiên, nhiều người không thể chấp nhận thái độ sống như vậy. Kim Khuyên, SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, lý giải: “Giả dối đôi khi có được cái lợi trước mắt, nhưng về lâu dài thì thua thiệt hoàn toàn vì tự mãn với sự giả dối khiến chúng ta tự hão huyền, ỉ lại, đến khi gặp chuyện thật sẽ thất bại. Còn nhờ trung thực, bạn sẽ thấy được khả năng thực sự của bản thân, ưu khuyết điểm để cố gắng hơn, hoàn thiện hơn”. Khuyên cũng bày tỏ, giới trẻ hãy can đảm, dù có thua thiệt thì cũng phải biết coi trọng và bảo vệ giá trị sống đích thực. Không thể chấp nhận việc quay lưng với trung thực mà “sống chung” với giả dối.

Cùng quan điểm, Mỹ Dung, SV Trường ĐH Tài chính Marketing cho rằng những người trung thực là những người tự trọng, nên trung thực trong tất cả mọi điều, từ học tập, công việc đến bạn bè, gia đình, xã hội.

Ý kiến

Trừng trị nghiêm khắc hành vi gian lận

Trường ĐH Chicago nơi tôi làm việc cũng mới khoảng 100 tuổi, đồng niên với ĐH Quốc gia Hà Nội. Đâu là bí quyết thành công của họ? Vào thời điểm hiện tại thì ta có thể nói rằng lý do thành công của họ là họ rất giàu nhưng nói như thế là nhầm lẫn giữa kết quả và nguyên nhân. Ban đầu họ không giàu nhưng một nguyên nhân chắc chắn phải nhắc đến là tinh thần fair-play, ở đây mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị một cách vô cùng nghiêm khắc.

 Giáo sư NGÔ BẢO CHU

Hủy hoại những kỹ năng cần thiết

Thói quen đạo văn, quay cóp hủy hoại những kỹ năng cần thiết mà trường ĐH phải đào tạo cho SV. Đó là các kỹ năng về đọc, xử lý thông tin, viết, tư duy phản biện... Điều này đồng nghĩa, nhiều nhà tuyển dụng lâu nay đang phải sử dụng “hàng giả”, mặc dù bằng cấp của người xin việc là thật.

Tiến sĩ PHẠM QUỐC LỘC
Trường ĐH Hoa Sen

Đừng ra đề kiểu thuộc bài

Em mong muốn là đề thi ngày càng kích thích sự sáng tạo và suy luận nhiều hơn. Em để ý khi kiểm tra, với các câu hỏi tự luận không dựa vào thuộc lòng, các bạn thường tập trung làm bài mà không hỏi nhau hoặc quay cóp. Còn nếu câu hỏi thuộc bài, chắc chắn các bạn sẽ chuẩn bị “bùa” hoặc tìm cách chép bài của nhau.

NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM

Đừng ép con phải đạt thành tích bằng mọi  giá

Gia đình phải xóa bỏ được chuyện ép buộc con mình phải đạt thành tích mà hãy định hướng cho con tự do, mạnh dạn phát huy được hết năng lực, phù hợp với khả năng thực tế. Khi con bị điểm thấp hoặc thi trượt, phụ huynh hãy bình tĩnh để động viên, tìm cách chia sẻ với con để giúp con có hướng khắc phục. Nếu la mắng, HS bằng mọi giá phải đạt thành tích cao trong các kỳ thi nên rất dễ có những hành động tiêu cực trong thi cử.

LÊ THANH MAI
Phó hiệu trưởng Trường THPT Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM

Thầy cô giữ vai trò quan trọng

Để các kỳ thi diễn ra trung thực và nghiêm túc, em nghĩ, thầy cô giáo giữ vai trò chủ yếu. Nếu thầy cô nào cũng dạy hay, dạy giỏi, tất thảy chúng em đều hiểu bài, thích thú học tập thì khi đi thi cần gì phải quay cóp hoặc xem bài bạn...

QUỲNH HOA
Học sinh lớp 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM

Giảm chương trình học

Chương trình học hiện nay quá nặng, như ở bậc THPT có hơn 10 môn học, mỗi môn có rất nhiều kiến thức, nội dung. Để trung thực trong thi cử, cần phải giảm tải chương trình nhiều hơn nữa để tụi em có thời gian tự học, tự tìm hiểu; học bao nhiêu nhớ bấy nhiêu.

THẾ KIỆT
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM

Minh Luân - Hà Ánh - Như Lịch (ghi)

Xuân Phương

>> Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.