Gian nan mùa không tăng ca

18/12/2008 10:40 GMT+7

Đến với các KCX-KCN và các công ty giày da, may mặc, chúng tôi hầu như không nghe thấy những lời “than” tăng ca như mọi năm. Bởi vì sản xuất khó khăn, nhiều công ty rục rịch tính chuyện sa thải lao động. Mùa cuối năm nay, hàng ngàn lao động phải vất vả đi đòi tiền lương, tiền trợ cấp mất việc, thôi việc. Một số khác thì lao đao chạy chợ mong có ít tiền ăn tết.

Vất vả đòi lương

Trời nắng chang chang. Con đường từ xã Tân Hiệp đến trung tâm thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn không quá xa nhưng được xem là quá sức với Lê Thị Duyên khi cô đã mang bầu đến tháng thứ 6. Nhưng không đi không được. Duyên phải lên trụ sở LĐLĐ huyện để hỏi thăm xem món tiền lương mà công ty chưa trả sẽ được giải quyết ra sao.

Rồi còn chuyện chế độ bảo hiểm được thanh toán thế nào khi cô sinh nở. Mấy ngày qua, nghe tin Công ty Youg Sheng (186/1C quốc lộ 22 ấp Tân Thới 3 xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn) cắt giảm lao động, Duyên và mấy chị trong công ty vô cùng lo lắng.

Từ Cần Thơ lên Sài Gòn, hơn 6 năm qua, Duyên làm CN Youg Sheng, còn chồng làm thợ hồ. Hai vợ chồng và đứa con 3 tuổi ở nhà mướn. Vợ chồng chị tính: Duyên sẽ ráng đi làm cho tới khi nghỉ tết, lãnh tiền lương, tiền thưởng rồi sinh con. Trong thời gian nghỉ sinh đã có tiền bảo hiểm.

Ai ngờ, ngủ một đêm, sáng thức dậy, Duyên và mấy trăm CN thành người thất nghiệp. Tiền lương, tiền thưởng không có đã đành, ngay cả tiền thai sản của cô cũng có nguy cơ mất trắng, do công ty đã ngừng hoạt động và không thể tiếp tục đóng bảo hiểm cho tới ngày sinh con.

Đang bận bịu với mẹt bánh tráng ngoài chợ, nghe chị em trong công ty nhắn, Nguyễn Thị Thu Ngân cũng bỏ chợ chạy về theo đoàn “đi đòi lương”. Từ ngày bị công ty cho thôi việc, cô phải ra chợ bán bánh tráng. Chồng Ngân đi bỏ nước suối cho các đại lý.

Con Ngân chưa đầy 12 tháng. Cô nói như muốn khóc: “Hôm trước nghe đâu công ty hứa trả cho tụi em 1 tháng lương/năm làm việc, thưởng tết cho người có thâm niên 4 năm trở lên, bây giờ lại nói không chịu trả. Nếu công ty trả gộp tiền lương, tiền trợ cấp mất việc, em cũng được gần cả chục triệu. Số tiền đó với vợ chồng em lớn lắm”...

Có trò chuyện với những CN tụ tập trước cổng LĐLĐ quận huyện, ở cổng công ty chờ nhận được đồng lương, chúng tôi mới hiểu thật ra họ chưa phải là người khổ nhất. Ít ra họ cũng còn trụ được, nghĩa là còn có cái ăn, chỗ ở - cho tới thời điểm đó, giữa TP đắt đỏ, không người thân thích này - để mà đi đòi nợ.

Người khổ nhất là những CN đã khăn gói về quê bằng chiếc vé xe, vé tàu được mua bằng chính những đồng tiền còm mà bạn bè cùng cảnh khổ góp lại.

Trần Thị Thu Trang, CN Công ty Youg Sheng, xót xa cho đồng nghiệp: “18 tây tháng này là vợ chồng thằng Lưu, con Hạnh lên tàu về quê rồi. Từ ngày thôi việc, hai vợ chồng nhịn luôn bữa sáng, chắt bóp mọi chi tiêu để cầm cự chờ lương nhưng cuối cùng không chờ nổi. Chưa biết từ bữa công ty đóng cửa, con Thanh đang có bầu, thiếu nợ tiền nhà, thèm đủ thứ mà không dám mua đồ bồi dưỡng. Vậy mà cuối cùng cũng không chờ được tới ngày nhận lại đồng tiền mồ hôi nước mắt, phải làm giấy ủy quyền cho tụi em đòi giùm, lãnh giùm”.

Lao đao chạy chợ

Chưa tới 4 giờ sáng, anh Trần Văn Danh, CN Công ty Vina Haeng Woon Industry (quận 8, TPHCM), đã thức dậy đạp xe ra chợ đầu mối lấy cá. Cùng lúc đó, ở nhà trọ, vợ và con anh cũng không được ngủ nữa. Chị Điệp, vợ anh, lục tục soạn quần áo cho vào cái giỏ nhỏ rồi bồng đứa nhỏ vừa tròn 1 tuổi qua gõ cửa nhà người hàng xóm gửi.

Xong đâu đấy, chị chạy ra đón cần xé cá chồng vừa đem về. Nai nịt gọn gàng, hai vợ chồng đẩy xe cá ra chợ cũ trên đường Hồ Học Lãm bán cho kịp buổi chợ sáng. Chiếc xe đạp chở cá cũng là xe mượn của một người quen.

Một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả đã tiếp nhận nhiều công nhân mất việc làm ở nơi khác. Điển hình như, Công ty may Việt Tiến vừa tuyển dụng 600 công nhân từ các đơn vị may khác. Ảnh: Chị Trần Thị Nụ (bên phải) vào làm tại Việt Tiến sau khi mất việc ở Công ty may Trường Dũng. Ảnh: THÀNH TM

Từ ngày Công ty TNHH Haeng Woon Industry (quận 8, TPHCM) đóng cửa, giám đốc quỵt lương, bỏ trốn, chị Điệp, anh Danh phải chạy chợ bán cá kiếm ăn. Không bà con, bạn bè đứa nào cũng nghèo, để có tiền làm vốn đi buôn, vợ chồng chị Điệp phải vay nặng lãi 1 triệu đồng (đóng lời 40.000 đồng/ngày).

Thời gian chị Điệp ngồi chợ bán cá, anh Danh ôm lưới đi rảo dọc mấy bờ ao đặt lưới để kiếm thêm. “Ao, rạch ở đây chỉ có cá vặt, ốc nhỏ. Được nhiều thì đem ra cho bả bán, được ít thì đem về kho mặn ăn cơm” - anh Danh cười buồn.

Sáng bán ở chợ cũ, chiều chị Điệp còn chạy qua chợ Tỷ Hùng (chợ tạm gần Công ty Tỷ Hùng nên CN quen gọi là chợ Tỷ Hùng, chủ yếu bán cho công nhân - PV) ngồi cho tới 9-10 giờ khuya.

Phơi mặt ngoài chợ cả ngày, hai vợ chồng hên lắm cũng chỉ đủ tiền trả lãi cho món nợ 1 triệu đồng, tiền mua sữa cho con và tiền 2 bữa ăn qua quýt, thiếu chất dinh dưỡng cho 2 vợ chồng. Bữa nào bán ế, hai vợ chồng mới được ăn cá - những con cá phơi mình cả ngày ngoài chợ đến 9-10 giờ tối đã có mùi ươn…

Những năm trước, lãnh lương và thưởng tháng cuối năm cũng đủ để vợ chồng chị Điệp về quê ăn tết. Bà giám đốc biến mất, 7 triệu đồng mồ hôi nước mắt của vợ chồng chị cũng mất theo.Cái tết đoàn tụ với gia đình ở Tiền Giang cũng trở nên xa ngái!

Hôm lần mò ra tận chợ gặp vợ chồng Điệp, chúng tôi mua cho con chị 2 dây sữa tươi bán ở tiệm tạp hóa. Hai vợ chồng rối rít cảm ơn mãi. Thằng bé đói sữa mấy bữa qua rồi mà món nợ vỏn vẹn 1 triệu đồng của ba mẹ nó chẳng biết chừng nào mới trả hết…

Chạy vạy vay được gần 1,5 triệu đồng, Bùi Thu Linh và Huỳnh Như (cùng quê Tiền Giang) năn nỉ mượn xe máy của bạn để cùng đi bán thú nhồi bông. Như nhanh miệng: “Mất việc, 2 đứa em lang thang thì thấy nhiều người bày hàng trên đường để bán. Vậy là đánh bạo mò ra Chợ Lớn lấy hàng về”.

Ban ngày Linh và Như trải ni lông ngồi bán ở xung quanh vòng xoay Phú Lâm. Trời vừa sụp tối, 2 đứa lại “cuốn gói” chạy về đường Tên Lửa (Bình Tân) bán khuya. Trầy trật cả ngày, nếu gặp may thì hai bạn cũng lãi được gần 100.000 đồng, nhưng cũng có ngày chẳng đủ tiền cơm, tiền xăng, chưa kể bị đuổi vì lấn chiếm lòng lề đường. Ngày nào cũng cố ngồi thêm để mong có khách mua nên cứ hơn 11 giờ khuya Linh và Như mới về tới phòng trọ.

Gần 2 tháng đi bán, Linh và Như đã gặp không ít chuyện phiền phức. Có hôm thấy một đám con trai kéo đến xem, hai đứa mừng thầm vì nghĩ sẽ bán được giá. Ai ngờ, chúng xem, phá hàng cho đã rồi quay ra trêu ghẹo, sàm sỡ. May mà có người đi đường can thiệp nên chúng mới bỏ đi…

“Gần tới Noel và tết, chúng em mong bán được nhiều nhiều để kiếm chút tiền về quê, còn không thì tết này chắc phải vất vưởng ở trên này. Có gì qua tết tính” – Linh và Như cùng ước.

“Qua tết tính…!” – hầu như tất cả CN thất nghiệp, mất việc mà chúng tôi gặp khi được hỏi về tương lai đều buông một câu như thế.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất khiến công nhân (CN) mất việc, đời sống khó khăn trong thời điểm giáp tết, LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo các cấp Công đoàn TP chủ động nắm chắc tình hình, lập danh sách DN khó khăn có nguy cơ đóng cửa, danh sách CN mất việc để chủ động liên hệ với những DN hoạt động sản xuất tốt, có đơn hàng ổn định và có nhu cầu nhận lao động trên địa bàn nhằm tạo việc làm mới cho CN. LĐLĐ TP cũng giao Trung tâm Giới thiệu việc làm Votec và Văn phòng Hỗ trợ giới thiệu việc làm báo Người Lao Động làm cầu nối để giới thiệu việc làm cho CN mất việc cũng như những DN cần tuyển lao động.

Theo Mai Hương – Thanh Hợp / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.