Hàng loạt doanh nghiệp hủy niêm yết

30/12/2013 09:00 GMT+7

Kết thúc năm 2013, có 37 doanh nghiệp hủy niêm yết, kể cả tự nguyện lẫn bắt buộc trên 2 sàn chứng khoán. Đây là con số kỷ lục từ khi thị trường chứng khoán VN ra đời đến nay.

 Hàng loạt doanh nghiệp hủy niêm yết
Năm 2013 số lượng DN bị hủy niêm yết CP và rút lui khỏi sàn gia tăng - Ảnh: D.Đ.M

Ngoài các doanh nghiệp (DN) bị hủy niêm yết cổ phiếu (CP) bắt buộc do thua lỗ liên tục 3 năm hay vi phạm quy định công bố thông tin, số lượng DN tự nguyện rời khỏi sàn lên đến gần một nửa con số 37 DN trên. Đáng chú ý là nhiều DN đưa lý do xin hủy niêm yết vì giá CP đã xuống thấp hơn giá trị sổ sách của công ty hay DN không thể huy động được vốn thông qua thị trường chứng khoán (TTCK).

Tự nhận “tình hình đang xấu đi”

Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) Nguyễn Hoàng Hải nhận định: Những năm vừa qua kinh tế khó khăn đã làm lộ diện nhiều DN yếu kém. Bản thân các DN có thể xin hủy niêm yết vì nhiều lý do khác nhau nhưng điều đó chứng tỏ công tác quản trị chưa tốt, hoạt động không hiệu quả. Thông thường khi DN đưa ra kế hoạch hủy niêm yết, nhiều nhà đầu tư (NĐT) sẽ bán tháo CP đó. Cổ đông của DN sẽ chịu thiệt hại khi giá CP liên tục giảm mạnh, vì vậy cổ đông có quyền chất vấn hoặc bác bỏ kế hoạch này. Luật Chứng khoán đã quy định, điều kiện được hủy bỏ niêm yết tự nguyện là phải có hơn 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn chấp thuận (không dựa vào số cổ đông nhỏ tham dự họp hoặc số cổ đông nhỏ gửi phiếu biểu quyết dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản).

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (ĐH Mở TP.HCM) cũng cho rằng, khi nền kinh tế đang khó khăn thì DN tìm cách huy động vốn trên TTCK để làm gì? Bởi có rất ít DN dám mở rộng đầu tư sản xuất trong tình hình hiện nay, nhất là khi sức mua trên thị trường còn khá yếu. Hay do hoạt động yếu kém nên DN cần có thêm vốn để cân đối lại dòng tiền của mình? Những DN xin tự hủy niêm yết đồng nghĩa với việc công bố tình hình của mình đang xấu đi.

Chưa lên sàn vì sợ giá thấp?

CTCP du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu (Vungtau Tourist) phát hành CP lần đầu ra công chúng (IPO) từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa niêm yết;  CTCP Tập đoàn Tân Mai (TMG) dù đã nộp hồ sơ lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ tháng 11.2010 nhưng đến nay vẫn chưa tính đến việc lên sàn; Tổng CTCP Sông Hồng nộp hồ sơ từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn im lặng… Hầu hết các DN đang ngập ngừng chuyện lên sàn đều cho rằng thị trường những năm qua trầm lắng, lên sàn giá CP không cao, ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông và bản thân DN cũng chưa thấy có lợi…

Theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM), nếu DN chỉ có mục tiêu là lên sàn để huy động được vốn hay đẩy giá CP tăng cao là hoàn toàn không đúng. Huy động vốn chỉ là một khía cạnh của TTCK. Quan trọng hơn là khi DN lên sàn, thương hiệu được quảng bá và quyền lợi các cổ đông được bảo vệ thông qua sự giám sát rộng khắp của toàn xã hội. TTCK là nơi buộc DN phải công khai minh bạch mọi hoạt động và đây là động lực lớn nhất giúp DN phát triển mạnh hơn.

“Dòng tiền đầu tư trên thị trường là dòng tiền thông minh nên chỉ tìm đến nơi có thể sinh lời. Đặc biệt thị trường tài chính thì niềm tin là yếu tố quan trọng nên phải có thời gian. Nếu DN nào giá CP xuống thấp, không huy động vốn được thì phải đánh giá lại nội lực của mình chứ không phải là đổ lỗi cho TTCK”, TS Lê Đạt Chí phân tích.

Nâng chuẩn niêm yết

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, việc các DN sau khi IPO nhưng trì hoãn niêm yết đã khiến NĐT thất vọng, tạo tiền lệ không tốt trên TTCK, làm ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa DN nhà nước cũng như mong muốn thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN. Ông cho rằng, DN nào không muốn niêm yết là chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu của mình. Cần phải siết chặt hơn nữa như quy định các DN tiến hành IPO phải chốt luôn ngày đưa CP lên sàn niêm yết để tạo niềm tin cho NĐT.

Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí cho rằng sàn Upcom là nơi giao dịch CP của các công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng đến nay vẫn khá ảm đạm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần xử lý nghiêm những DN không chịu đưa CP lên sàn tập trung theo quy định để răn đe. “Rất nhiều TTCK trên thế giới vẫn phát triển mạnh nhưng số lượng chỉ xoay quanh 100 DN. Do đó số lượng hàng hóa trên sàn nhiều hay ít không phản ánh được chất lượng của TTCK đó như thế nào. Chúng ta phải đảm bảo cho NĐT trong và ngoài nước thấy rằng họ có thể chọn lựa được những DN tốt để bỏ tiền đầu tư và sinh lợi”, ông Chí nói.

Không niêm yết sẽ bị phạt

Theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK (có hiệu lực từ ngày 15.11.2013), DN huy động vốn từ công chúng sau 1 năm (bán cổ phần) phải tiến hành niêm yết CP. Nếu quá thời hạn, DN sẽ bị xử phạt từ 70 - 100 triệu đồng và phải hoàn tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cho NĐT, tính kèm khoản lãi dựa theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn kể từ thời điểm rót vốn. Như vậy, trong số hơn 1.010 công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến nay vẫn còn gần 200 DN chưa niêm yết CP.

Mai Phương

>> Cổ phiếu dầu khí làm 'nóng' sàn chứng khoán
>> Bán cổ phiếu cho nông dân
>> Cổ phiếu bất động sản sôi động, VN-Index vẫn mất điểm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.