Vẫn loay hoay với đọc - chép

28/12/2008 23:42 GMT+7

Ông Phạm Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhận định: số đông GV hiện nay còn lúng túng trong việc vận dụng phương pháp dạy học mới.

Khó thay đổi

Theo ông Hùng, chất lượng đội ngũ GV phổ thông, trừ một bộ phận khá giỏi, còn lại phần lớn (trong tổng số 800.000 GV) vẫn lúng túng trong việc vận dụng phương pháp dạy học mới. Còn tiến sĩ Lương Việt Thái - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển chương trình giáo dục phổ thông (Viện Khoa học giáo dục VN) nhận xét, việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) của một bộ phận GV trong dạy học vẫn còn cứng nhắc, không phù hợp. Chẳng hạn, trong SGK có nội dung gì thì GV cố gắng thuyết trình, giảng giải hết mà không có sự vận dụng linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp điều kiện thực tế; yêu cầu học sinh học thuộc, nhớ máy móc như trong SGK; dạy theo kiểu đọc - chép... Trong khi đó, để phát huy tính tích cực, chủ động của HS, GV phải căn cứ vào trình độ HS để lựa chọn nội dung phù hợp.

Bà Nguyễn Lăng Bình - Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) cũng cho biết, kết quả khảo sát về đổi mới phương pháp dạy học cho thấy: Dạy học thụ động là thói quen khó thay đổi ở phần lớn GV, do đó, hiện tượng đọc - chép và dạy “chay” vẫn còn phổ biến tại các trường phổ thông, đặc biệt trong trường cao đẳng sư phạm. Đồng tình với nhận định này, ông Phạm Mạnh Hùng phân tích: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống các trường sư phạm - lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng GV - vẫn còn những bất cập giữa cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên với quy mô đào tạo, yêu cầu chất lượng. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phương pháp dạy học của các trường sư phạm cho giáo sinh còn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông.

Lệch chuẩn

Cũng theo tiến sĩ Lương Việt Thái, tình trạng dạy lệch chuẩn xảy ra ở nhiều GV. Chẳng hạn, đưa thêm những kiến thức, bài tập thực hành không thích hợp ngoài chương trình vào giờ học dẫn tới tình trạng dạy cao hoặc thấp hơn so với yêu cầu cần đạt, không phù hợp đối tượng HS. Trong kiểm tra, đánh giá ở một số nơi cũng còn tình trạng ra đề quá khó, vượt quá yêu cầu của chuẩn và vượt quá trình độ chung của HS hoặc chỉ nặng về đánh giá ghi nhớ, tái hiện kiến thức.

Bà Bình thì cho rằng: trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, không ít GV chưa nhận thức đầy đủ về bản chất của cách làm này, đồng thời chưa nắm vững kỹ năng trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học. Chính vì vậy đã dẫn đến hiện tượng dạy học mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Bà Bình nêu ví dụ: một giờ học tổ chức nhiều hoạt động nhóm, yêu cầu học sinh thảo luận hay sử dụng máy chiếu thay cho bảng và phấn trong suốt giờ học. Tuy nhiên nội dung của bài giảng để trình chiếu đó thực ra chỉ chép lại nguyên văn nội dung trong sách giáo khoa... Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà (trường THCS Đống Đa, Hà Nội) cũng khẳng định: để đổi mới phương pháp dạy học, điều đầu tiên người GV phải tự đổi mới mình trước đã. Công nghệ thông tin chỉ là công cụ để đổi mới, không nên sử dụng nó như là “làm xiếc trước học trò”.

Tuệ Nguyễn

> Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học hiện nay
> Đổi mới phương pháp giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.