Nhà báo Mỹ ở miền Bắc Việt Nam - Kỳ 2: Ấn tượng của chuyến “vượt rào”

19/09/2012 04:00 GMT+7

Không chỉ tinh thần của người dân mà những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng để lại cho Chris nhiều ấn tượng bất ngờ trong chuyến đi.

Về Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng

Ông ấy là một người rất thông thái, lịch lãm và cũng rất hài hước. Ông Đồng nói một thứ tiếng Anh và tiếng Pháp đẹp tuyệt vời”, Chris kể lại ấn tượng về Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, ông ấy hỏi Chris có cần ghi chép không. Sau khi đồng ý cho Chris ghi âm cuộc phỏng vấn, họ đã cùng đi dạo trong vườn, vừa đi vừa nói chuyện.

Ông Đồng kể lại một câu chuyện lý thú. Ngay trước khi Chris có mặt ở Hà Nội, Mỹ mở một trận càn lớn ở Nam bộ, dội bom đạn nhằm đốt cháy một khu rừng vốn là khu căn cứ cách mạng. Nhưng một cơn bão lớn đột nhiên ập đến và dập tắt đám cháy đó. “Ông Đồng nói với tôi rằng với những người cộng sản thì Thượng đế không tồn tại. Nhưng Thượng đế là có thật thì Ngài sẽ ở phía của chúng tôi”, Chris kể lại.

Trong chuyến đi của mình, Chris Koch cũng đã được nhìn thấy huyền thoại Hồ Chí Minh “bằng xương bằng thịt”. Lúc đó Chris Koch đang ngồi trong Nhà hát Lớn Hà Nội để xem một buổi biểu diễn thì bất ngờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện. “Ông ấy đi vào nhà hát ngồi dưới tôi mấy hàng ghế như một khán giả bình thường mà không hề có vệ sĩ nào kèm bên cạnh. Khi len qua những khán giả khác để vào chỗ ngồi ông liên tục nói “xin lỗi”.

Việc một lãnh tụ xuất hiện ở một nhà hát dường như là chuyện gì đó rất bình thường. Một tổng thống Mỹ khi dự một sự kiện tương tự ít nhất phải có chừng 15 vệ sĩ đi kèm và mọi người sẽ đứng lên vỗ tay. Điều thú vị với tôi là quan sát mối quan hệ của ông ấy với những người xung quanh. Ông ấy không phải là một ông vua hay một nhà độc tài xa cách mà dường như chỉ là một con người rất bình thường như mọi công dân khác”, Chris nói.

Nhưng với Chris Koch, ký ức quan trọng nhất về Việt Nam năm 1965 và ngày này đó là khả năng giữ lại chất người trong những hoàn cảnh mà nhân tính khó tồn tại nhất. “Năm 1965, có một lý tưởng lớn ở Việt Nam. Người dân ở miền Bắc Việt Nam thực sự yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ thực sự cảm thấy thứ chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa cộng sản mà ông ấy đại diện sẽ trở thành tốt đẹp cho đất nước. Họ đã rất háo hức, tất cả mọi người đều có động lực làm việc cho Tổ quốc”.

Lý do quay lại Việt Nam, khi Chris tâm sự là ông muốn một lần nữa “chứng kiến liệu tinh thần ấy có còn tồn tại hay không hay những người Việt Nam giờ đã trở thành một phần của thế giới tư bản và chỉ quan tâm đến chuyện kiếm tiền?”.

 
Cảnh khu dân cư bị tàn phá do bom đạn Mỹ tại Thanh Hóa năm 1965 - Ảnh: T.L

 
Chris Koch tại Hà Nội, tháng 9.2012 - Ảnh: Trường Sơn

Tinh thần của người Việt

Nhiều năm qua, Mỹ vẫn tiếp tục có những cuộc chiến tranh ở những chiến trường khác nhau. Những cuộc biểu tình phản chiến vẫn nổ ra giống như thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nhưng thời thế đã đổi khác nhiều... Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Chris cho biết ấn tượng nhất đối với ông trong chuyến đi năm 1965: Đó là tinh thần của người Việt Nam. Trước khi tới Việt Nam, tôi không biết các bạn là ai, giá trị của các bạn như thế nào. Sau này tôi được biết kể từ năm 1954 đã không có người Mỹ nào có mặt ở miền Bắc Việt Nam cả. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để chứng kiến một đất nước nghèo khó đang phải vật lộn với chiến tranh. Thế nhưng khi đến đây, tôi cảm nhận được một tinh thần mạnh mẽ đến không thể tin được của người Việt Nam. Sự kiên cường của các bạn làm tôi kinh ngạc.

Cùng trong chuyến đi đó, chúng tôi đã được vào thăm bảo tàng lịch sử và mới biết rằng Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài chống ngoại xâm, đặc biệt là với Trung Quốc. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược Việt Nam nhưng cuối cùng bị người Việt đánh đuổi khỏi bờ cõi. Người Pháp cũng đã bị các bạn đánh bại. Cảm giác lớn nhất của tôi lúc đó là Mỹ sẽ không thể thắng trong cuộc chiến này và nước Mỹ nên dừng lại. Lúc đó tôi không biết Việt Nam đã tổn thất bao nhiêu nhân mạng nhưng vào năm 1965, Mỹ chưa đưa nhiều quân vào Việt Nam và mới có khoảng 500 lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh. Đó đúng là một bi kịch khi Mỹ can dự vào cuộc chiến. (Ước tính có khoảng 60.000 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam - NV).

Lý do gì khiến ông đã nghĩ rằng Mỹ sẽ không thể thắng trong cuộc chiến Việt Nam?

Chris Koch: Người Mỹ đã tin rằng khi sở hữu những thứ vũ khí có sức mạnh khủng khiếp thì có thể áp chế được người Việt Nam. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Nếu như ai từng biết về cuộc kháng chiến chống Pháp của các bạn với chiến thắng kỳ diệu Điện Biên Phủ, họ sẽ hiểu tại sao Việt Nam lại có thể làm được điều đó. Tôi từng nghĩ Việt Nam và Mỹ đã có thể trở thành đồng minh. Mỹ có thể chấp nhận sự thống nhất của Việt Nam và giúp đỡ Việt Nam trước những ảnh hưởng từ Trung Hoa cộng sản. Ý nghĩ đó thậm chí đã có từ năm 1965. Nhưng chúng ta đã không có được điều đó. Bây giờ chúng ta hãy nhìn về tương lai.

Đã có những thay đổi nào với ông kể từ sau chuyến đi ấy?

Chris Koch: Tôi đã phải rời bỏ công việc của mình, trở thành người thất nghiệp. Chính phủ đã rất tức giận. Họ cũng đã thu hồi hộ chiếu của tôi và tôi đã không thể đi đâu được. Tôi thậm chí đã không kiếm được việc làm trong một thời gian dài. Điều có ý nghĩa là sau khi trở về từ Việt Nam, những câu chuyện của tôi đã có tác động đến nhiều người. Có lẽ các bạn còn quá trẻ để biết nhưng thực sự những phong trào phản chiến tại Mỹ đã có tác động lớn đến việc chính quyền Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ng.Phong

>> Nhà báo Mỹ ở miền Bắc Việt Nam: Kẻ bị ruồng bỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.