Gây bức xúc hằng năm

03/09/2013 03:00 GMT+7

Có những điều không lớn nhưng cứ mãi là nỗi lo của đa số phụ huynh khi cùng con em chuẩn bị bước vào năm học mới. Đồng phục, lạm thu, chương trình học, dạy thêm - học thêm… những điều này lẽ ra không khiến phụ huynh phải nhọc lòng vì đã có quy định và lãnh đạo các trường cứ thế mà thực thi.

Thế nhưng năm nào cũng vậy, những vấn đề này luôn gây bức xúc với phụ huynh.

Chuyện đơn giản như đồng phục mà cũng khiến phụ huynh khổ sở trăm bề. Đồng phục trong học đường là giúp HS hòa đồng, bình đẳng; tạo sự thoải mái trong sinh hoạt. Một trong những nguyên tắc của đồng phục là đảm bảo tính tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường. Vì thế không phải tự nhiên mà từ trước đến nay áo trắng, quần (váy) sẫm màu luôn là lựa chọn tối ưu cho đồng phục HS. Nhờ vậy, phụ huynh có thể may hoặc mua ở bất kỳ đâu.

Đơn giản vậy mà nhiều năm nay chuyện này cứ rối rắm, phức tạp cả lên khi các trường liên tục thay đổi, “sáng tạo” đồng phục bất kể lý do. Trong chuyện này, lợi ích chỉ đến với một số người, còn phụ huynh và HS - người lẽ ra phải được xem xét quyền lợi trước tiên - luôn bị phớt lờ. Bộ GD-ĐT có quy định hẳn hoi về đồng phục nhưng các trường muốn làm gì thì làm mà đến giờ chưa thấy có trường nào bị xử lý vì vi phạm.

Đi cùng với năm học mới là nỗi lo tiền trường. Cứ trước năm học mới, lãnh đạo giáo dục các cấp từ bộ đến sở liên tiếp ra văn bản quy định các khoản thu, chấn chỉnh tình hình lạm thu… Những quy định này chi li đến mức tưởng chừng như không còn kẽ hở cho việc lạm thu nhưng năm học nào phụ huynh cũng ấm ức vì những khoản thu vô lý. Khi báo chí phản ánh, lãnh đạo các trường luôn mạnh dạn giải thích những khoản thu này đã thông qua ban đại diện cha mẹ HS (hàm ý các phụ huynh khác đều đồng ý). Trên thực tế ban đại diện này chủ yếu gồm những phụ huynh có tiền hoặc có quyền nên không mấy quan tâm đến các khoản thu nhưng họ lại có tiếng nói quyết định. Cuối cùng phần lớn những phụ huynh bình thường phần vì lo ngại, phần muốn yên ổn, đành chấp nhận theo mà cứ tấm tức. Thế cho nên dù có quy định hẳn hòi nhưng với cách thức vận hành hiện nay, câu chuyện lạm thu dường như không bao giờ kết thúc.

Chương trình học quá tải, nặng nề, thiếu sự sáng tạo luôn là câu than thở của nhiều phụ huynh khi dạy con học. Chỉ nói riêng ở bậc tiểu học, dù lãnh đạo bộ khẳng định không cần bài tập về nhà cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày nhưng trên thực tế mỗi tối, phần lớn phụ huynh phải cùng con hoàn tất bài tập giáo viên cho về. Tuyên bố trên báo chí, lãnh đạo các cấp đều cho rằng phát huy tối đa tính sáng tạo của HS, không khuyến khích giáo viên dùng văn mẫu… Nhưng tin rằng những ai đang là phụ huynh có con bậc tiểu học đều đau khổ về tình trạng này. Đau khổ là vì nếu để con “đi ngược với xu thế” thì đứa trẻ bị thiệt thòi, căng thẳng khi đến trường. Ngược lại, cha mẹ cảm thấy chán chường khi phải thỏa hiệp với điều mình biết không nên làm.

Chương trình học như thế là một trong những lý do khiến chưa bao giờ chủ trương cấm dạy thêm - học thêm có giá trị. Nhiều năm nay Bộ cấm dạy thêm HS tiểu học học 2 buổi/ngày nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Phụ huynh lo âu, ca thán liên tục; lãnh đạo giáo dục các cấp lớn tiếng khẳng định sẽ phạt những ai vi phạm nhưng cuối cùng đâu cũng hoàn đấy.

Và như thế, mỗi đầu năm học, cứ mong rằng lãnh đạo ngành giáo dục các cấp khi thực hiện quyết định, chủ trương nào nên đặt mình vào vai trò của phụ huynh và HS để có được những quyết sách phù hợp.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.